Xây dựng chính quyền địa phương gần gũi, hiệu quả vì Nhân dân

Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng một chính quyền cơ sở vững mạnh, thực sự là chính quyền của dân, do dân, vì dân là yêu cầu cấp thiết và then chốt. Các cơ quan chính quyền địa phương (CQĐP) - cấp gần gũi nhất với Nhân dân không chỉ trực tiếp triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn là nơi tiếp nhận, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Cơ hội vàng từ Kết luận số 127-KL/TW

Việc thực hiện Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hướng tới xây dựng mô hình CQĐP hai cấp là cơ hội vàng để hiện thực hóa chính quyền gần dân, thân dân và phục vụ Nhân dân. Kết luận số 127-KL/TW tập trung vào sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức hệ thống chính trị, trong đó có CQĐP, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động. Khi bộ máy được rút ngắn bớt các tầng trung gian, CQĐP, đặc biệt là ở cấp cơ sở sẽ dễ dàng nắm bắt và giải quyết các vấn đề phát sinh. Đồng thời, việc tái cấu trúc đội ngũ cán bộ (CB), công chức là dịp để lựa chọn những người có năng lực, phẩm chất và tâm huyết vì Nhân dân. Như vậy, Kết luận số 127-KL/TW không chỉ là chủ trương tổ chức mà còn là cơ hội thay đổi tư duy và phong cách làm việc, hướng tới mục tiêu phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.

Nhận diện thách thức để thay đổi

Thực tế cho thấy, hoạt động của các cấp CQĐP hiện nay tồn tại nhiều bất cập. Bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, tổ chức theo nhiều cấp (tỉnh, huyện, xã) cùng với số lượng cơ quan, đơn vị trực thuộc gây ra tình trạng nhiều đầu mối và trung gian, làm mờ ranh giới chức năng và đùn đẩy trách nhiệm. Một số hoạt động của CQĐP chưa được công khai, thiếu minh bạch, kém hiệu quả, thủ tục hành chính rườm rà gây khó khăn cho người dân. Việc phân cấp, phân quyền chưa hiệu quả dẫn đến hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, chưa thể hiện rõ quan điểm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Chất lượng CB chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. Vấn đề năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai, đô thị, kinh tế, xã hội,... cùng với tình trạng CB thụ động, ỷ lại, trông chờ vào chỉ đạo của cấp trên, thiếu sáng tạo ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công việc.

Những thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp thiết về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cấp CQĐP, với quyết tâm chính trị cao và các giải pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và nhu cầu của người dân.

Vì khát vọng của Nhân dân

Để xây dựng hệ thống CQĐP mới thực sự “của dân, do dân, vì dân” phụng sự, cần triển khai các giải pháp đồng bộ và toàn diện.

Trước hết, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng - lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội theo quy định của Hiến pháp là yếu tố then chốt giúp bảo đảm dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và vì phát triển bền vững của đất nước, vì lợi ích của Nhân dân.

Thứ hai, bộ máy hành chính cần sớm được tái cấu trúc. Xây dựng mô hình CQĐP hai cấp nhằm khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn sẽ tạo điều kiện cho các cấp chính quyền đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác, sáng tạo và quyết liệt trong giải quyết các vấn đề địa phương. Hệ thống chính trị ở cơ sở phải xây dựng được cơ chế phối hợp chặt chẽ, thông suốt, hiệu quả giữa các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến Nhân dân.

Thứ ba, cần đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy hành chính. Công khai, minh bạch thông tin hoạt động của chính quyền, dịch vụ công, quy định, thủ tục hành chính, các dự án đầu tư và phát triển KT-XH. Đồng thời, thiết lập các quy trình làm việc chuẩn, đơn giản hóa thủ tục hành chính qua đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử nhằm giảm thời gian xử lý và chi phí cho người dân.

Thứ tư, nâng cao chất lượng CB. Sinh thời, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “CB là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do CB tốt hoặc kém”; đồng thời, quyền lực có được sử dụng đúng hay không phụ thuộc lớn vào CB. Chính vì thế, CB, công chức ở các cấp chính quyền phải được đặc biệt lựa chọn người có tâm, đủ tầm, có đủ đức, đủ tài; được tạo điều kiện làm việc trong môi trường có thể thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ CB dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Thứ năm, phát huy vai trò của Nhân dân trong tham gia vào bộ máy chính quyền. Nhân dân - chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước cần được tạo điều kiện tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Xây dựng các cơ chế, thiết lập các kênh thông tin hiệu quả để người dân góp ý, phản ánh và giám sát hoạt động của CQĐP. Khi người dân thấy rằng tiếng nói của mình được lắng nghe và tôn trọng, họ sẽ cảm thấy gắn bó hơn với chính quyền, sự đồng thuận xã hội được tăng cường, củng cố.

Xây dựng CQĐP “của dân, do dân, vì dân” là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Chỉ khi chính quyền thực sự gắn bó mật thiết với Nhân dân, lắng nghe, đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của người dân, tạo sự đồng thuận xã hội và phát huy tối đa sức mạnh của toàn dân tộc, góp phần xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng chính là khát vọng của Nhân dân. Khát vọng này tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy Nhân dân nỗ lực, phấn đấu, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, văn minh, văn hiến, anh hùng./.

Bách Việt

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xay-dung-chinh-quyen-dia-phuong-gan-gui-hieu-qua-vi-nhan-dan-a192409.html
Zalo