Xây dựng chính quyền cấp xã hiệu năng, hiệu quảBài 1: Sứ mệnh mới của chính quyền địa phương cấp xã
Hầu hết nhiệm vụ cấp huyện sẽ được chuyển giao, cấp xã lần đầu tiên được trao quyền hoạch định chính sách, quyết định đầu tư công... Đây là bước đột phá lớn về thể chế, nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho chính quyền cơ sở về năng lực thể chế, nhân lực chuyên sâu và quyết tâm chính trị để thực thi hiệu quả quyền lực được trao. Muốn hoàn thành sứ mệnh mới, bộ máy phải tinh gọn mà hiệu quả, cán bộ phải 'vì việc tìm người'.
Cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã nhận được sự tin tưởng, đồng thuận hầu như tuyệt đối của nhân dân. Dư luận chung cho rằng, đó là vì lòng dân đã hóa thân vào chủ trương, quyết sách của Đảng - Một Đảng cách mạng khoa học và chân chính không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân.
Chính quyền địa phương (CQĐP) cấp huyện hoàn thành và kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình đã chuyển giao cho CQĐP cấp xã sứ mệnh mới trong kỷ nguyên thực hiện mục tiêu thịnh vượng, hùng cường của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Hầu hết (90/99) nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện được trao cho cấp xã, với kỳ vọng cấp chính quyền gần dân nhất sẽ đáp ứng hiệu quả mọi yêu cầu của người dân và nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Đô thị hóa và quản lý, phát triển đô thị là những thách thức lớn cho chính quyền xã, phường trong tương lai. Ảnh: V. Hậu
Trong phiên họp toàn thể ở hội trường Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV, các đại biểu Quốc hội đều khẳng định sự cấp thiết phải sửa đổi Luật Tổ chức CQĐP theo hướng tăng thẩm quyền của cấp xã, rõ trách nhiệm của cấp tỉnh, bảo đảm thống nhất, thông suốt hoạt động hành chính vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, phát huy và làm giàu thêm các giá trị của nền dân chủ XHCN, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đó là những đột phá về tư duy, thể chế, nhưng sẽ không ít khó khăn, thách thức ở phía trước, cần được nhận thức rõ để sẵn sàng đối mặt, vượt qua.
Bổ sung nguyên tắc công khai, minh bạch
Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của CQĐP, dự thảo Luật Tổ chức CQĐP 2025 nêu 6 nguyên tắc cơ bản. Trong đó, có những nội dung mang tính mới, định hướng như: nguyên tắc tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; phát huy vai trò tự chủ và tự chịu trách nhiệm; nguyên tắc phân định rõ thẩm quyền và một số nguyên tắc khác. Đây là nền tảng cơ bản, tư tưởng chủ đạo thể hiện rõ quan điểm chính trị và phương thức thực thi quyền lực nhà nước được nhân dân trao cho. Những nguyên tắc này được coi là giá trị cốt lõi của CQĐP; không chỉ mang tính định hướng, mà còn cần phải được thể chế hóa sâu sắc nhằm điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ.
Tuy vậy, cử tri và nhân dân cho rằng, để tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước,mở rộng sự tham gia của nhân dân quản lý nhà nước và xã hội, cũng là cách để giúp CQĐP hoàn thiện mình... cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của CQĐP.
Thực tiễn vừa qua, nguyên tắc công khai, minh bạch có lúc, có nơi thực hiện chưa đúng. Chẳng hạn như việc đặt tên cho xã, phường mới khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã ở một số địa phương, do thiếu công khai từ khâu xây dựng đề án, chưa nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa... nên khi đặt tên đã gây dư luận trái chiều. Một số cán bộ lão thành cách mạng từng hoạt động tại địa bàn xã trong thời kỳ kháng chiến, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và người có tâm huyết cho rằng: nếu được tiếp cận ngay từ đầu đề án đặt tên phường, xã mới sẽ đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.
Khi nhiệm vụ lớn, quyền hạn tăng
Nhân dân tin tưởng, đồng lòng ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước về tổ chức địa phương 2 cấp: tỉnh và xã. Để chủ động trước mọi tình huống chưa có tiền lệ có thể xảy ra ở cơ sở, các cơ quan thẩm quyền phải lường trước được những khó khăn, thách thức khi CQĐP cấp xã nhận nhiều nhiệm vụ có mức độ quản lý nhà nước cao hơn, quyền hạn cũng tăng lên tương ứng theo quy định của Luật Tổ chức CQĐP. Từ đó, chuẩn bị phương án xử lý kịp thời, bảo đảm bộ máy hành chính vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Một trong những thay đổi có tính đột phá lớn nhất là lần đầu tiên CQĐP cấp xã được giao thẩm quyền “Quyết định chính sách, biện pháp để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn theo quy định của pháp luật” quy định tại Điều 21 (điểm b, Khoản 1; Điều 24 và Điều 27 về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND).
Trước đây, theo Luật Tổ chức CQĐP 2015, HĐND cấp huyện cũng không được giao thẩm quyền hoạch định, quyết định ban hành chính sách; chỉ có HĐND thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương mới được giao thẩm quyền quyết định ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch xây dựng công trình hạ tầng đô thị, giao thông theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, do đội ngũ cán bộ còn hạn chế năng lực thể chế và quyết tâm chính trị, nên hầu như chưa có thị xã, thành phố thuộc tỉnh nào (trừ thành phố Thủ Đức) đủ năng lực thể chế để nghiên cứu, hoạch định, ban hành cơ chế, chính sách theo thẩm quyền được pháp luật cho phép.
Từ thực tiễn thấy rằng, quyết định ban hành chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực là nội dung có độ phức tạp lớn, tính quy phạm cao, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý của cơ quan ban hành cũng rất nặng nề. Với phương châm “địa phương quyết định, địa phương thực hiện và địa phương chịu trách nhiệm”, nếu xã, phường nào thiếu quyết tâm chính trị, không đủ năng lực thể chế để thực thi đầy đủ quyền hạn pháp định, không dám nghĩ, không dám đột phá ban hành chính sách... thì chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước sẽ chậm đi vào cuộc sống, Nhân dân nơi đó sẽ không được hưởng lợi từ chính sách lẽ ra phải được hưởng.
Mặt khác, CQĐP cấp xã còn có nhiệm vụ lập, quyết định kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, các quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng, giao thông trên địa bàn (trong đó có quản lý, phát triển đô thị - vốn là hạt nhân phát triển của vùng); quyết định chủ trương đầu tư công... và xã hàng chục nhiệm vụ chi tiết khác.
Đây là những thách thức lớn cho CQĐP cấp xã trong nhiệm kỳ tới, đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ lưỡng trong thiết kế cơ cấu tổ chức bộ máy, lựa chọn nhân sự theo nguyên tắc vì việc để tìm người, mà “tiêu chí đầu tiên để bố trí cán bộ là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác” và phải hội tụ “đủ đức - đủ tài - đủ tâm - đủ tầm - đủ sức - đủ nhiệt huyết cách mạng” như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, Khóa XIII của Đảng.