Xây dựng chế định luật sư công đáp ứng yêu cầu tình hình mới
Sáng 23/4, tại Hà Nội, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo đánh giá nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng chế định luật sư công. Các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết xây dựng chế định luật sư công và đề xuất các mô hình luật sư công trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo.
Trong những năm qua, thể chế, chính sách về luật sư và hành nghề luật sư ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề luật sư phát triển. Tính đến ngày 31/3/2025, trong cả nước đã có hơn 20.000 luật sư và hơn 6.000 tổ chức hành nghề luật sư. Tổ chức và hoạt động của luật sư trên cả nước đã có nhiều chuyển biến, đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư về cơ bản đã được củng cố, kiện toàn và hoạt động ổn định, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên.
Mặc dù pháp luật Việt Nam hiện hành chưa quy định về chế định luật sư công, Luật Luật sư không quy định những công việc cụ thể mà luật sư tham gia để bảo vệ lợi ích công nhưng nhiều luật sư vẫn đang thực hiện các công việc bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích công như ký hợp đồng theo vụ việc với các cơ quan nhà nước để tham gia giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, các vụ kiện quốc tế hay tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Luật sư và Luật trợ giúp pháp lý.
Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều nhu cầu pháp lý phát sinh rất cần có một đội ngũ luật sư có năng lực, điều kiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Chính phủ, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước như đại diện, giúp chính quyền địa phương tham gia các hoạt động tố tụng tại cơ quan tố tụng khi có yêu cầu, chủ yếu các vụ kiện hành chính; tham gia cùng với chính quyền địa phương và các ban tiếp công dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân, đặc biệt là vụ việc phức tạp, khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Báo cáo cũng đưa ra nhận định: tư vấn pháp luật cho các dự án kinh tế xã hội ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là các dự án liên quan đến ODA, ngân sách nhà nước hoặc tư vấn, giải quyết các tranh chấp quốc tế mà Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là một bên tranh chấp…
Vấn đề đặt ra hiện nay đó là cần có chế định cụ thể để các luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, hay còn gọi là chế định luật sư công. Bước đầu, Cục Bổ trợ tư pháp đề xuất ba mô hình luật sư công trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
Mô hình 1: Thành lập một hệ thống, tổ chức luật sư công là người làm việc trong nhà nước song song với luật sư tư (có chuyển đổi, nâng cao tiêu chuẩn từ đội ngũ pháp chế viên, trợ giúp viên pháp lý không hoặc xây dựng mô hình luật sư công mới như thế nào)
Mô hình 2: Không hình thành đội ngũ luật sư công mới mà xây dựng chính sách thu hút luật sư tư tham gia bảo vệ lợi ích công (cách thức, cơ chế thu hút, chính sách thu hút cụ thể)
Mô hình 3: Kết hợp vừa có chính sách (về cơ chế làm việc, thù lao...) thu hút luật sư tư tham gia bảo vệ lợi ích công vừa hình thành hệ thống, tổ chức luật sư công trực thuộc một cơ quan nhà nước (Chính phủ/Bộ Tư pháp/Bộ Công thương...)
Theo ý kiến của luật sư Trần Tuấn Phong, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam: cần phải làm rõ khái niệm, phạm vi hành nghề của luật sư công và luật sư tư, nếu có định chế luật sư công thì vai trò của luật sư tư là gì. Bên cạnh đó cũng cần khẳng định không có khái niệm luật sư công ích mà là luật sư công là luật sư của Nhà nước, là công chức còn luật sư tư là luật sư của thị trường.
Ông Đặng Bá Bắc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh nhận định, nhu cầu sử dụng luật sư công tại địa phương là rất cấp thiết và thực tế địa phương này đã sử dụng trong suốt thời gian qua.
Đại diện Sở Tư pháp Quảng Ninh đề xuất hai mô hình luật sư công như mô hình đấu thầu/đặt hàng dịch vụ pháp lý; mô hình Tổ chức luật sư bảo vệ lợi ích công cấp tỉnh thành phố.

Luật sư phát biểu tại hội thảo.
Đồng tình có thiết chế luật sư công nhưng một số ý kiến cho rằng cần xác định rõ cơ chế hình thành, tính toán phương án cụ thể nhằm để luật sư công đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế.
Phạm vi luật sư tham gia bảo vệ lợi ích công nên gồm bảo vệ các nhóm đối tượng yếu thế theo đặt hàng của Nhà nước, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các cơ quan Nhà nước và tham gia công các tổ chức thi hành chính sách, pháp luật...
Một số ý kiến cho rằng, điều quan trọng đó là nhà nước sử dụng đội ngũ luật sư để bảo vệ lợi ích công theo phương thức ký hợp đồng có trả thù lao kết hợp việc giao nhiệm vụ và bảo đảm nguồn kinh phí để Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư triển khai thực hiện với tư cách tổ chức hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.