Xây dựng bể bơi cho trẻ em miền núi, vùng cao

Việc xây dựng bể bơi ở khu vực miền núi, vùng cao không chỉ tạo địa điểm vui chơi, giải trí dịp hè cho các em học sinh trong độ tuổi thanh, thiếu nhi mà còn góp phần phòng, chống đuối nước cho mọi người dân.

Thầy giáo, huấn luyện viên Nguyễn Văn Sáu hướng dẫn học viên tập bơi tại bể bơi Quyết Cường, xã Vân Du.

Thầy giáo, huấn luyện viên Nguyễn Văn Sáu hướng dẫn học viên tập bơi tại bể bơi Quyết Cường, xã Vân Du.

Dạy bơi cho trẻ em dịp hè

Từ 7h giờ sáng, thầy giáo Nguyễn Văn Sáu, giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất tại Trường THCS Thành Tâm, xã Ngọc Trạo, bắt đầu hướng dẫn cho các học viên của mình ở bể bơi tư nhân Quyết Cường, xã Vân Du khởi động và chuẩn bị cho bài học cơ bản. Ngoài thầy Sáu, còn có 4 thầy giáo, huấn luyện viên cùng tham gia hướng dẫn, dạy bơi cho các em học sinh, thanh, thiếu nhi trên địa bàn xã Vân Du và khu vực lân cận.

Thầy giáo Nguyễn Văn Sáu chia sẻ: Trên địa bàn xã Vân Du có 2 bể bơi tư nhân hoạt động trong dịp hè, trong đó bể bơi Quyết Cường xây dựng, đi vào hoạt động từ năm 2018 đến nay. Gần 7 năm gắn bó, tôi tự hào vì nhiều em học sinh, học viên sau khi tham gia khóa học bơi tại đây do tôi hướng dẫn đã thành thạo kỹ năng bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước. Trung bình hàng năm, vào mỗi dịp hè, bể bơi có khoảng 150 - 200 học viên đăng ký học lớp bơi; trung bình một ngày có khoảng 100 lượt khách đến vui chơi, tắm mát tại bể. 1 khóa học bơi với kinh phí 800.000 đồng, các em học sinh, học viên được các thầy giáo hướng dẫn kỹ thuật bơi, các kiểu bơi phổ biến, cách thở đúng khi bơi, các kỹ năng cứu đuối... Từ năm 2019 đến nay, bể bơi đã hỗ trợ xe đưa đón học sinh đến học bơi, đảm bảo sự an toàn cho các em, tạo nên sự yên tâm của phụ huynh khi gửi gắm con học, vui chơi trong dịp hè.

Em Lại Hồng Khánh, 10 tuổi, thôn Vạn Bảo, xã Ngọc Trạo được bố mẹ đăng ký khóa học bơi tại bể bơi Quyết Cường. Em Khánh chia sẻ: Em rất vui vì dịp hè được bố mẹ cho tham gia lớp học bơi. Em được thầy giáo Nguyễn Văn Sáu hướng dẫn kỹ năng bơi và hiện nay em đã bơi thành thạo sau 3 tuần vui chơi, tập luyện cùng các bạn.

Không chỉ các em trong độ tuổi học sinh, chị Phạm Thị Hương, năm nay 42 tuổi, xã Vân Du cũng đang tham gia lớp học bơi tại bể bơi Quyết Cường. Chị Hương cho biết: Với tôi, học bơi chưa bao giờ là muộn. Sau khi cho các con đăng ký học bơi, tôi cũng đã quyết định học bơi, vừa là cách bảo vệ bản thân phòng, tránh đuối nước, vừa rèn luyện, nâng cao sức khỏe.

Tại xã Quan Sơn, hiện nay chỉ duy nhất 1 bể bơi tư nhân Duy Hằng hoạt động, là địa điểm vui chơi, học bơi của các em trên địa bàn, tuy nhiên, số lượng học viên đến học bơi không nhiều. Chị Lò Kim Hằng, đại diện bể bơi Duy Hằng cho biết: Mặc dù bể bơi chỉ thu vé 15.000 đồng/lượt khách, nhưng số lượng người đến vui chơi, tắm mát, học bơi tại bể khá khiêm tốn. Mùa hè 2025, bể bơi có 2 lớp học, với 20 học viên là các em trong độ tuổi thiếu niên, nhi đồng. Đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nên chủ yếu phụ huynh cho con em tắm mát tại sông, suối, chủ yếu là tự học bơi.

Góp phần phòng, chống đuối nước

Thông tin từ Phòng Quản lý Thể dục - Thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa), qua rà soát thực tế, toàn tỉnh có 269 bể bơi, hồ bơi, các điểm sông, suối, ao hồ... Trong đó, khu vực miền núi chỉ có 25 bể bơi được cấp phép hoạt động kinh doanh, ngoài ra còn có 15 điểm sông, suối, ao hồ.

Để xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục, thể thao, nhất là xây dựng bể bơi, tổ chức các lớp tập huấn, dạy bơi cho các em học sinh trong độ tuổi thanh, thiếu niên, giải pháp được đặt ra ở khu vực miền núi, vùng cao đó là, địa phương cần bố trí quy hoạch đất, đầu tư cơ sở vật chất và đẩy mạnh xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ về kinh phí các nguồn lực để xây dựng, lắp đặt bể bơi, hồ bơi tại các xã, đặc biệt là trường học để triển khai việc dạy bơi cho trẻ em, học sinh.

Bể bơi Thạch Thành thuộc xã Kim Tân thu hút các em học sinh đến vui chơi, học bơi trong dịp hè.

Bể bơi Thạch Thành thuộc xã Kim Tân thu hút các em học sinh đến vui chơi, học bơi trong dịp hè.

Tổ chức các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em; đảm bảo thực hiện các quy định an toàn trong môi trường nước, các quy định an toàn khi tham gia giao thông đường thủy theo quy định. Lồng ghép các mục tiêu về phòng, chống tai nạn thương tích nói chung, đuối nước trẻ em nói riêng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và các chương trình hành động của các ban, ngành, đoàn thể. Tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em tại cộng đồng, nâng cao kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh.

Hàng năm, phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tổ chức tập huấn cho giáo viên dạy bơi, giáo viên giáo dục thể chất trong các trường học, đặc biệt ở các trường tiểu học; tập huấn, tư vấn trực tiếp trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em; tập huấn kỹ năng sơ cứu, cấp cứu các trường hợp bị đuối nước tại cộng đồng cho cán bộ làm công tác trẻ em, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em, đặc biệt là vùng có tỷ lệ trẻ em tử vong cao do đuối nước. Tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, tổ chức hội thi bơi, lặn cứu đuối dành cho học sinh vào dịp nghỉ hè; in ấn tài liệu, kỹ thuật dạy bơi trườn sấp và bơi ếch, tài liệu phổ biến kiến thức kỹ năng phòng, tránh đuối nước dành cho trẻ em...

Vận động công tác xã hội hóa phòng, chống đuối nước trẻ em. Kêu gọi tài trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và của toàn xã hội để đáp ứng cơ sở vật chất trang thiết bị tập luyện. Các cơ sở hoạt động dịch vụ có chế độ miễn, giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em, học sinh phổ thông và dành ít nhất 30% thời gian dành cho các trường học thực hiện chương trình dạy bơi cho học sinh. Bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em trong nguồn ngân sách của đơn vị, địa phương để hỗ trợ cho việc tổ chức dạy bơi, học bơi và tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho Nhân dân, đặc biệt cho trẻ em trong các nhà trường, nhà thiếu nhi, nhà văn hóa và trên địa bàn dân cư. Tổ chức kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện về bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em và các cơ sở kinh doanh dịch vụ bơi, lặn để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm chỉ đạo các địa phương, đơn vị tích cực thực hiện chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em và tuyên dương khen thưởng kịp thời đến các tổ chức và cá nhân có thành tích đặc biệt. Cục Thể dục Thể thao thường xuyên phối hợp với các tỉnh mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, huấn luyện viên, giáo viên thể dục, hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ; tổ chức các hoạt động như: Lễ phát động mùa bơi, tổ chức các hội thi bơi, lặn cứu đuối... Đồng thời, kiến nghị với tỉnh bố trí quy hoạch đất, đầu tư cơ sở vật chất cho các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn; tăng mức đầu tư kinh phí sự nghiệp thể dục thể thao các cấp tính theo đầu người; chỉ đạo xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án và các cơ chế, chính sách để phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững trong xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục thể thao, nhất là xây dựng bể bơi, tổ chức các lớp tập huấn, dạy bơi cho các em học sinh trong độ tuổi thanh, thiếu niên...

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/xay-dung-be-boi-nbsp-cho-tre-em-mien-nui-vung-cao-38208.htm
Zalo