Dạy tiếng Việt cho đồng bào Chăm

Phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới không chỉ góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội mà còn góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thời gian qua, ngoài việc nỗ lực bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Chăm, tỉnh An Giang nói chung, trong đó có xã Vĩnh Hậu quan tâm, tạo điều kiện cho đồng bào được học tiếng Việt.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học B Vĩnh Trường, xã Vĩnh Hậu Trần Văn Hiền chia sẻ: “Được sự đồng ý của Sở Giáo dục và Đào tạo, đây là lớp học đầu tiên của xã được tổ chức tại trường với gần 30 đồng bào Chăm theo học. Hiểu sự khác biệt giữa tiếng Chăm và tiếng Việt, từ cấu trúc ngữ âm đến ngữ pháp và hệ thống chữ viết… Đa phần, những người tham gia học tiếng Việt là người lớn tuổi, môi trường giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Chăm trong cộng đồng cũng làm hạn chế cơ hội sử dụng và rèn luyện tiếng Việt, dẫn đến vốn tiếng Việt ít và gặp khó khăn trong việc hành văn, diễn đạt… Ban giám hiệu trường thường xuyên gần gũi, động viên bà con; đồng thời, lưu ý giáo viên đứng lớp kiên trì giúp bà con vượt qua rào cản ngôn ngữ để học tập tốt”.

Biết đọc, biết viết chữ tiếng Việt, đồng bào Chăm ai cũng vui mừng. “Sau hơn 4 tuần được học tiếng Việt, tôi hiểu khoảng 80% tiếng Việt, tôi rất vui mừng. Không chỉ học viên như tôi mừng mà cả xóm, ban giáo cả đều vui mừng. Tôi vui và cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Chăm trong việc dạy chữ cho người dân. Tôi mong học viên cố gắng học tập nghiêm túc, tiếp thu những gì đã học một cách tốt nhất”, ông Mách Ta Rếs, ngụ ấp La Ma bày tỏ.

Cô Phan Thị Ngọc Dung, người đứng lớp giảng dạy Tiếng Việt cho đồng bào Chăm tại xã Vĩnh Hậu

Cô Phan Thị Ngọc Dung, người đứng lớp giảng dạy Tiếng Việt cho đồng bào Chăm tại xã Vĩnh Hậu

Khai giảng từ ngày 16/6 đến nay, đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần vào lúc 14 - 16 giờ hàng ngày, ngoài thời gian buôn bán, chị Rori Giá, ngụ ấp La Ma đều tranh thủ đến lớp học. Chị nói đây là ước mơ bao năm rồi nên cho dù công việc gia đình nhiều chị vẫn cố gắng sắp xếp không bỏ học buổi nào. Chị Rori Giá chia sẻ: “Hiện, tôi học được 4 tuần. Dù không bằng những người biết chữ nhưng đứng trước tấm bảng đọc được vài câu, vài chữ, tôi mừng lắm”.

Theo bà Phan Thị Ngọc Dung - người đứng lớp giảng dạy, khi đến lớp học, các cô, chú và các em phải làm quen với ngôn ngữ khác hoàn toàn tiếng mẹ đẻ nên trong quá trình học tập bị ảnh hưởng. Vốn tiếng Việt còn hạn chế nên tiếp thu bài học chậm. Khi giáo viên giảng bài, các cô, chú, các em không hiểu được nghĩa của từ nên mau quên. Vì thế, giáo viên luôn tạo không khí thoải mái, không gây áp lực, khích lệ và động viên kịp thời để bà con tự tin giao tiếp. “Vào lớp, tôi thường hỏi ý kiến học viên xem chương trình dạy nhanh không, cô giáo nói tiếng Việt nhanh không để điều chỉnh cho phù hợp giữa người dạy và người học, từ đó, giáo viên và học viên cùng bắt nhịp được chương trình”, cô Dung nói.

Ông Trần Văn Hiền thông tin: “Ban giám hiệu luôn tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất để bà con đến học; đồng thời phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào Chăm chưa biết chữ sắp xếp thời gian tham gia lớp học đầy đủ”. Theo kế hoạch, chương trình dạy tiếng Việt cho đồng bào Chăm của xã Vĩnh Hậu trong 3 tháng, cuối tháng 9/2025 kết thúc.

Đồng bào Chăm biết tiếng Việt không chỉ là điều kiện để hòa nhập tốt hơn vào đời sống xã hội, dễ dàng trao đổi, làm việc và sinh hoạt cùng cộng đồng người Kinh và các dân tộc khác… mà còn là điều kiện để bà con tiếp cận dịch vụ công, tiếp cận kiến thức khoa học, kỹ thuật, thông tin thị trường, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm... góp phần nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài và ảnh: ĐĂNG SƠN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/day-tieng-viet-cho-dong-bao-cham-a424654.html
Zalo