Xây dựng Ðảng về đạo đức và sứ mệnh vẻ vang của báo chí hiện nay

(Tiếp theo kỳ trước)

Ba là, tuyên truyền cổ động các quy định về trách nhiệm của cấp ủy các cấp, tạo chuyển biến thực sự trong tổ chức đảng đủ sức phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và tẩy trừ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; giải quyết một cách đồng bộ và có hiệu quả những vấn đề chủ yếu, những khâu trọng điểm về cơ chế vận hành, thể chế, chế độ, chính sách, từ mỗi cán bộ, đảng viên đến từng tổ chức bộ máy của Đảng và của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm giám sát đạo đức và “dưỡng liêm”, “dưỡng đức” một cách thống nhất trong toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà.

Đạo đức trong Đảng đang là một phần cơ bản sinh mệnh của Đảng. Nó hệ trọng với từng đảng viên, càng đặc biệt hệ trọng với các đảng viên giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, sao cho mỗi người dù ở cương vị nào phải thực sự là tấm gương đạo đức trong sáng, công tâm, tận tụy, hy sinh.

Đổi mới mạnh mẽ tuyên truyền, cổ động về cơ chế vận hành, kiểm tra, giám sát, sửa đổi thể chế, chính sách, quy định nhằm chủ động, kiên quyết từng bước đẩy lùi các chứng bệnh về đạo đức trong Đảng, trực tiếp là tệ quan liêu, thói vô trách nhiệm, bệnh vô cảm, nhất là lãng phí và tham nhũng, từ tham nhũng kinh tế đến chính trị, nhất là các biểu hiện “lợi ích nhóm”, nguy cơ xuất hiện những “sứ quân” trong hoạch định chính sách và công tác cán bộ - hai trọng điểm có nguy cơ trở thành “cục nghẽn mạch” nguy hiểm nhất hiện nay.

Nghiên cứu, tuyên truyền, cổ động về việc lập Quỹ Dưỡng liêm, dưỡng đức; hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới vấn đề đạo đức. Đây là giềng mối, là lực đẩy mạnh mẽ về tinh thần và thực tiễn, giữ gìn và đề cao đạo đức trong toàn Đảng và trong xã hội.

Thứ hai, báo chí giám sát, cổ vũ, biểu dương và phê phán đảng viên, cán bộ của toàn hệ thống chính trị về đạo đức hành động và hành động đạo đức.

Là người tổ chức tập thể, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, mỗi tờ báo, tạp chí chủ động làm sâu sắc hơn về đạo đức, theo chức năng của mình về cá nhân liêm, chính, làm sao cho mỗi đảng viên, cán bộ tự mình ngộ ra.

Xây dựng Đảng về đạo đức là một bộ phận hữu cơ tự nhiên hợp thành nội dung chỉnh thể và phù hợp của công tác xây dựng Đảng, là bảo đảm cho xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nói cụ thể, đạo đức cùng với năng lực tạo nên nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên; đến lượt nó, nhân cách của từng đảng viên, của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy phản ánh diện mạo, hành động đạo đức, nhân cách của Đảng. Đó chính là nguồn gốc làm nên đạo lý của Đảng đối với dân tộc và nhân dân, với tư cách là “đứa con nòi của giai cấp lao động”.

Theo đó, báo chí kiên định kiến giải rõ ràng và sinh động rằng, làm một người chân chính thì dù là ai, cũng không thể xa rời liêm, chính. Ấy là cái hồn để chăm cho cái căn bản con người ngày càng xứng đáng là con người, cái cốt để vun cho cái gốc thể chế vững mạnh. Đó cũng là những giềng mối căn bản làm nên địa vị, tiếng tăm, sức mạnh một đảng viên, cán bộ; góp phần bảo vệ vị thế, nâng cao sức mạnh đất nước và gìn giữ thanh danh của Đảng, chế độ. Và, dù cho thế nào, đã bao thời qua và nay nhân dân đã xác quyết: Ai đó có thể bị nghiêng, ai đó có thể tự diệt, vì không đạo đức, chứ quyết không thể để nước nghiêng, bị diệt hay tự diệt.

Tất cả, để nhân dân tin tưởng hơn công cuộc xây dựng, chỉnh đốn đạo đức hiện nay.

Báo chí cần biểu dương rằng, người có đạo đức thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham cầu, cũng chẳng ham hố vật chất, giữ vững tinh thần chí công vô tư, “dĩ công vi thượng” và biết quên mình mà làm chuyện ích lợi chung; luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được thơm tho, không lợi dụng địa vị để chiếm công vi tư, để nhũng nhiễu, bóc lột đồng loại.

Báo chí tiếp tục làm sâu sắc hơn, đa dạng hơn rằng, sự vô đạo đức, để thức tỉnh và để mọi đảng viên, cán bộ tự thức tỉnh. Ấy là khi không làm tròn phận sự của mình; khi nước còn nghèo, nhân dân còn thiếu thốn, mà mình dùng những phương tiện bất chính để trở nên “giàu có bất thường”, dư dật kệch cỡm. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “sinh hoạt vật chất, hết thời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt, sẽ truyền đến ngàn đời sau”.

Báo chí cần cảnh giới rằng, nếu phi đạo đức thì của gì cũng cả gan lấy, việc gì cũng bất chấp làm, nhất định không chỉ rước họa thân bại danh liệt và mọi tai họa không thể không đến. Người giữ trọng trách các cấp mà cái gì cũng rắp mưu đoạt, việc gì cũng bằng mọi thủ đoạn làm, nhất định nhà sẽ suy bại, thiên hạ tất loạn, quốc gia nguy cơ rơi vào vòng nô lệ. “Tiền vua thì có thần, tiền dân thì có ma”. Trộm cắp, suy thoái, hủ bại đạo đức thì chính là tự diệt mình, lại làm phong hóa bại hoại, khiến cho đạo lý bị tổn thương. Đồng thời, biểu dương những hành động giữ mình thanh liêm, lại không phù hoa xa xỉ, không sa vào trộm cắp, lấy liêm để răn mình, lấy chính để sửa mình, góp sức sửa sang thể chế, đặng tu dưỡng chính khí, khắc chế mọi hủ bại…

Báo chí tiếp tục phê phán tình trạng không ít đảng viên, cán bộ do đạo đức kém mà chỉ nghĩ đến lợi lộc, áo cơm vị kỷ, mặc gia phong, vận nước nổi trôi. Nhất là những đảng viên, cán bộ khi tài, đức không xứng với chức vị, khi không có tài, đức mà dám cầm trọng trách, để cho cơ đồ tan hoang, đổ vỡ; nhất là tình trạng không ít người khi đã ở cấp lãnh đạo mà không làm cho đạo đức được thi hành, quốc pháp được tuân thủ, lại chuyên sống xảo trá, quỷ quyệt, ăn cắp quốc khố... thì đó chính là đã làm vấy bẩn đạo đức và xâm phạm lợi ích của nhân dân, của quốc gia. Đặc biệt, những bậc đứng chủ trì việc công mà kém đạo đức thì thân không chỉ tự mình chuốc lấy ươn hèn mà nhà phải suy bại, nước phải nguy vong!

Báo chí cổ động đảng viên, cán bộ thực hành đạo đức bằng những việc cụ thể như “tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư, không động đến cái kim, sợi chỉ của dân;... mua bán phải công bình, mượn cái gì phải trả tử tế, hỏng cái gì phải bồi thường”. Cán bộ nhất thiết phải liêm vì họ cần làm gương cho dân, vì quyền hành mà họ có nếu không đi liền với lương tâm và liêm sỉ sẽ tạo cho họ cơ hội đục khoét của công, ăn đút lót của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ không chỉ thực hành chữ liêm mà còn phải có trách nhiệm giáo dục đức liêm cho người khác, nếu không, dù họ trong sạch đến mấy vẫn chỉ là “liêm một nửa”.

Báo chí góp phần nâng cao ý thức để toàn dân thấm sâu và thực hành đạo đức, trực tiếp nhất là làm cho cán bộ, công chức, viên chức hiểu rằng, “trộm cắp tiền bạc của nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa”, “tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”. Nếu không giữ được đức liêm, “khi lộ ra, bị phạt thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng”. Một mặt, tuyên truyền thực hành đạo đức, nhưng phải đi đôi sự tự giáo dục, tự thức tỉnh lương tri phải đi liền với kiểm soát; mặt khác, phải bằng các định chế kỷ luật và pháp luật từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.

Báo chí dành sự quan tâm đặc biệt, nhất là điều tra về sự phất lên chóng mặt đến mức bất thường của những khối tài sản to sụ có dấu hiệu bất liêm, bất chính, những “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”… khiến nhân dân bất bình, đảng viên, cán bộ nghi kỵ. Đồng thời, lên án những mánh lới quẩn quanh, dối trá mưu toan che đậy những âm mưu bất chính: “lẻn” vào chốn quan trường, rắp “cả họ làm quan”, “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ...”. Rồi những thói lươn lẹo, xảo trá, khuất tất nơi chính trường… phải bị phanh phui! Vạch trần những kẻ rình rập trộm cắp cả trăm, ngàn tỷ đồng trong quốc khố, giở trò “đạo vị” (“ăn cắp chức vụ” - Chủ tịch Hồ Chí Minh) bất chấp đạo lý ở chốn công đường mà làm ngơ quốc nhục, thậm chí cả mưu mô “ăn cắp, buôn bán niềm tin” của nhân dân, tình trạng lên mặt rao giảng nghĩa khí, hô hào về đạo đức nhưng hành động bất chấp cả đạo lý, luân thường của không ít cán bộ, đảng viên.

Báo chí tiếp tục đi đầu trong cuộc đấu tranh mất còn, sinh tử, chống đại nạn tham nhũng của chúng ta đang mạnh mẽ hơn hết lúc nào. Nhớ lại, tháng 10-1946, tại kỳ họp thứ 2, khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng khái: “Chính phủ hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ - đã trừng trị, đang trừng trị và sẽ trừng trị cho kỳ hết”. Đó cũng chính là sự phát triển tư tưởng của bản “Quốc lệnh” do Người phê chuẩn ngày 26-1-1946, vào thời khắc chính quyền cách mạng non trẻ của nhân dân ra đời chỉ gần 5 tháng; trong đó xác quyết án tử hình dành cho tệ trộm cắp, tại Điều 8 phần phạt: “Trộm cắp của công sẽ bị xử tử”, cùng với 9 loại án tử khác.

Theo đó, báo chí phải góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự quyết liệt. Phải làm sao cho ai cũng thấy và hiểu rằng, một cơ quan công quyền liêm chính ắt không dung thứ cho việc tham ô, tham nhũng, tức là bất liêm, bất chính. Vì, “tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội”, với muôn vàn hệ lụy mới: "lợi ích nhóm", “sân trước, sân sau”… Phải minh bạch hóa tham nhũng là giặc nội xâm chứ không chỉ là “quốc nạn”. Đặc biệt, phải công khai hóa việc phát hiện và xử lý không chỉ những tên kẻ trộm “đường hoàng” - những tên “tệ hơn” lũ “mật thám, phản quốc”, nhất là các đảng viên, cán bộ coi thường pháp luật, nhũng nhiễu, tham ô, nhận hối lộ… như Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn vạch trần.
(còn nữa)

TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/161098/xay-dung-dang-ve-dao-duc-va-su-menh-ve-vang-cua-bao-chi-hien-nay
Zalo