Xây đập dâng có cứu được sông Hồng?
Trước nguy cơ lòng dẫn sông Hồng ngày càng hạ thấp, Bộ NN&PTNT đề xuất xây 2 đập dâng để nâng đáy sông, dùng nước bổ cập cho các dòng sông chết.
Xây đập để nâng đáy sông Hồng
Ngày 21/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện các dòng sông lớn ở nước ta đều có tình trạng chung "tụt" đáy do ở thượng nguồn làm công trình thủy điện, hồ chứa… khai thác cát thiếu kiểm soát, dẫn đến lòng dẫn bị hạ xuống trong đó. Đồng bằng sông Hồng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đến là khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long .
Đối với sông Hồng, lòng dẫn ngày càng có nguy cơ bị hạ thấp. Cách đây 10 năm, các hồ thủy điện ở miền Bắc chỉ cần xả khoảng 1-2 tỷ m3 là đủ nước tưới cho vụ Đông Xuân. Nhưng đến nay, do lòng sông Hồng bị hạ thấp nên gần như các trạm bơm không lấy được nước.
Theo ông Hiệp, đây là vấn đề rất lớn, không chỉ riêng với sông Hồng mà với nhiều dòng sông khác trên cả nước, do đó cần nghiên cứu các giải pháp để nâng cao đáy sông lên. Nếu không nâng được đáy sông thì phải nâng mực nước lên.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết hiện Bộ đã nghiên cứu và nghiệm thu, đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp đầu tư, xây dựng hai đập dâng lớn trên sông Hồng. Tuy nhiên, khi làm đập dâng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng phụ khác như làm dòng chảy thay đổi, kéo theo một loạt vấn đề môi trường, tác động tới hệ sinh thái, sinh vật, chất lượng nước…
"Mặc dù có những mặt trái và tác động, nhưng chúng ta không thể không làm. Việc xây đập trên sông Hồng không phải chỉ để phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng, mà việc xây đập sông Hồng còn đảm bảo môi trường nước cho Hà Nội và các khu vực xung quanh", ông Hiệp chia sẻ.
Khi nước sông Hồng dâng lên thì sông Nhuệ, sông Đáy cũng sẽ trở lại dòng chảy tự nhiên như xưa. Thậm chí có thể bổ cập nước cho những dòng sông "chết" như sông Tô Lịch, nhờ đó sẽ giải quyết được vấn đề môi trường. "Việc này là rất quan trọng bởi muốn các dòng sông sống lại như xưa thì phải xây dựng đập dâng sông Hồng. Cùng đó, trong Quy hoạch Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch thành phố hai bên sông, mà không thể xây dựng thành phố hai bên sông mà nhìn mãi không thấy sông, thấy nước", ông Hiệp nói.
"Chúng tôi đang dự kiến cùng UBND TP Hà Nội nghiên cứu để đưa dự án đập dâng sông Hồng vào thực hiện. Theo đề xuất, sẽ xây dựng trước hai đập dâng tại khu vực Xuân Quan (Văn Giang - Hưng Yên) và tại khu vực cống Long Tửu (Đông Anh - Hà Nội), dự kiến khởi công vào giai đoạn 2026-2030", ông Hiệp cho hay.
Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết, tính toán các công trình hiện nay lấy nước ven sông Hồng có lưu lượng thiết kế là 400m3/giây, lưu lượng bình quân tháng mùa kiệt bình quân từ 1.300 đến 1.700m3/giây. Nếu lấy hết công suất thì vẫn còn dòng chảy tối thiểu trên 1.000m3/giây và đảm bảo dòng chảy cho môi trường. Ngoài ra, việc không phải xả 3 đến 5 tỷ m3 nước sẽ tiết kiệm nguồn điện năng rất lớn cho miền Bắc trong đợt cao điểm.
Phải hạn chế thấp nhất thay đổi tự nhiên
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi, khi xây dựng đập dâng, các dòng sông "chết" như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích, sông Bắc Hưng Hải sẽ được làm 'sống lại', vấn đề ô nhiễm bấy lâu nay sẽ được giải quyết. Hà Nội đang lập Quy hoạch Thủ đô nên rất cần dâng nước để cải thiện tình trạng nhiều thuyền phải nằm cạn, sông trơ đáy, gây cản trở giao thông cũng như việc triển khai các tuyến du lịch. Do đó, việc dâng mực nước từ cốt 4, cốt 5 sẽ góp phần phát triển thành phố và phù hợp với quy hoạch.
Cùng góc nhìn về việc xây dựng đập dâng tại cống Xuân Quan và Long Tửu, GS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, cái được đầu tiên là dâng được mực nước để các công trình thủy lợi ở ven sông cũng như các sông nội địa đều có thể lấy nước một cách chủ động.
Việc thứ hai rất quan trọng và những người trong ngành thủy lợi đều rất quan tâm, đó là hiện nay tỷ lệ phân lưu mùa lũ giữa sông Hồng và sông Đuống đang có hướng phát triển thiên về sông Đuống. Trong khi đó, hệ thống sông Đuống – sông Thái Bình lại đang rất yếu kém. Và như vậy thì sự an toàn của đê sẽ bị đe dọa.
Do đó, xây dựng đập dâng còn có tác dụng khống chế tỷ lệ phân lưu giữa hai dòng sông theo đúng tính toán cũng như thiết kế của hệ thống đê đã được xây dựng để chống lũ trước đây. Tuy vậy khi xây đập dâng, chắc chắn sẽ có những tác động tiêu cực bởi nguyên tắc của đập xây trên sông là có liên quan tới thoát lũ và có thể sẽ gây cản trở. Tuy nhiên, khoa học công nghệ hiện đại như ngày nay có thể giải quyết được vấn đề này.
"Mỗi công trình khi xây dựng đều đặt ra những lợi ích rất lớn, nhưng trong đó có những tác động tiêu cực cần các nhà khoa học nghiên cứu để giải quyết. Ví dụ như giao thông thì có âu thuyền cho tàu bè; thoát lũ thì phải quản lý để không ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ. Còn về luồng cá di chuyển, khi dâng nước lên thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần tính toán, thiết kế để đảm bảo luồng cá trong trạng thái gần như bình thường khi chưa xây dựng đập. Từ đó, đảm bảo cuộc sống của người dân ven sông, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản", ông Học chia sẻ.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng khi xây đập dâng trên sông Hồng cần phải tính toán rất kỹ lưỡng. Sông Hồng là dòng sông cổ, độ dốc gần bằng 0. Con người nạo vét cát đã làm cho dòng sông bị thấp xuống. Các nhà khoa học từng chứng minh, những hạt cát, hạt lơ lửng đã bị hồ chứa Hòa Bình, Sơn La giữ mất, giờ lại thêm mấy đập dâng ở giữa sông, cát không xuống được nữa, dòng sông Hồng sẽ xuống thấp không phải 1m mà là 2m.
Do vậy chuyên gia cảnh báo, cần tính toán cẩn trọng khi làm đập dâng thì lòng sông sẽ biến đổi như thế nào? Vào mùa cạn thì nhu cầu tưới tiêu khu vực hạ du tính toán ra sao. Khi giải được tất cả các bài toán này thì mới nên tiến hành xây dựng đập dâng trên sông Hồng.