Xanh tươi bát ngát Tây Hồ

Có buổi chiều thanh mát, nổi hứng lên, tôi đi bộ từ nhà ra hồ Tây ngắm sóng và đón gió. Nhất là vào những buổi chiều cuối thu như thế này, một chút man mát, một chút se se và một chút nắng vàng. Ngắm hoàng hôn buông trên sóng nước, tựa lưng trên chiếc ghế gỗ dọc đường Thanh Niên gió lộng, tôi thả cái nhìn vút ra xa và chợt nhận thấy, hồ Tây là biểu tượng thanh bình của Thủ đô nghìn năm văn hiến quả không sai.

Muôn màu nỗi nhớ

Khi hoàng hôn buông xuống, những ánh đèn lung linh trên hồ và hình ảnh các con thuyền nhỏ lướt trên mặt nước tạo nên khung cảnh huyền bí, lôi cuốn bất kỳ ai đặt chân đến đây. Hồ Tây không chỉ là một địa điểm du lịch mà còn là một biểu tượng văn hóa và tinh thần của Hà Nội, nơi mà bạn có thể hòa mình trong vẻ đẹp tinh khôi của thiên nhiên. Chợt nhớ câu thơ của tác giả Hồng Hoa trong bài thơ mang tên “Nỗi nhớ”: “Hồ Tây chiều trời cũng vội buông sương/ Hàng liễu đứng cũng dường như than thở/ Một mình em từng giờ gom nỗi nhớ/ Lòng bâng khuâng duyên nợ của đôi mình”.

Mà sao thế nhỉ? Cứ nói về hồ Tây lại thấy nói về nỗi nhớ. Có phải chăng vì trong dáng chiều hôm, mặt hồ chừng như cũng loang đỏ, dấu hiệu cho thấy một ngày sắp trôi qua, dấu hiệu cho thấy sắp có cuộc chia ly? Nên nỗi nhớ tưởng như đâu đâu lại ùa về chật kín tơ lòng. Nhưng đấy là người thơ nói trong thơ, chứ thực tình hồ Tây buổi chiều cuối thu đẹp và gợi xao xuyến lắm. Bởi vào mùa thu, hồ Tây khoác lên mình một vẻ đẹp thơ mộng, yên bình với những hàng liễu rủ, bạch đàn lá vàng và những dáng người ngồi trầm tư suy nghĩ. Tôi dám cuộc rằng, một khi bạn có tâm tư, hãy tới ngồi bên bờ hồ Tây vào chiều cuối thu. Khi ráng chiều rót những giọt hồng cuối cùng xuống nước rồi không gian chìm vào bóng tối là khoảng thời gian cho ta sự tĩnh tại nhất. Và dù đang có tâm tư gì chưa giải tỏa được thì thời khắc đó cũng khiến lòng mình bình an.

Đền Quán Thánh nơi thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ bên hồ Tây

Đền Quán Thánh nơi thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ bên hồ Tây

Có người đã bảo, nét đặc sắc hồ Tây khi tới mùa thu là sương mỏng lơ lửng, lãng đãng trên mặt hồ. Sương mỏng như mây như khói. Sóng lô nhô phản chiếu ánh mặt trời như đang nháy mắt tinh nghịch chơi trò đuổi bắt. Lại có người cho rằng, ai bắt gặp bình minh hay hoàng hôn trên hồ Tây cũng có một cảm giác choáng ngợp. Nhưng hồ Tây thơ và mộng là vào những đêm trăng sáng, mặt hồ được tãi vàng ròng. Ông trăng trên trời cao và ông trăng dưới nước cùng màu sáng xanh. Trăng hồ Tây luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca. Và nếu như Nguyễn Mộng Tuân tức cảnh: “Một trời lấp lánh lưu ly/ Chín tầng vàng ngọc đan thi mặt hồ”, Phùng Khắc Hoan viết về ánh trăng Tây Hồ ma mị huyền ảo: “Chuông sớm giục thanh lòng Phật đó/ Trăng tròn soi một bóng tiêu thôi”, thì Nguyễn Công Trứ lại la đà: “Buồn nửa lá trăng thanh gió dịu/ Chiều đâu đây một tiếng chuông rơi”, và Tản Đà: “Hắt hiu Hồ Tây chiều lá rơi/ Đêm thu vằng vặc bóng theo người/ Mảnh tình sẻ nửa ngây vì nước/ Tri kỷ trông là đắng tận trời”.

Mùa thu, hồ Tây khoác lên mình một vẻ đẹp thơ mộng, yên bình

Mùa thu, hồ Tây khoác lên mình một vẻ đẹp thơ mộng, yên bình

Vẳng tiếng chuông chùa

Cũng có hôm tôi dậy sớm, đạp xe quanh hồ Tây. Đấy là quãng thời gian thật dễ chịu. Vừa đạp xe, vừa hít thở đón từng làn gió trong lành thổi từ ngoài hồ tới. Nếu đạp nhanh, đạp theo kiểu tập trung rèn luyện thì chỉ hơn 1 giờ sẽ đi hết 17km vòng hồ. Còn đạp kiểu thong dong, vừa đi vừa ngắm cảnh, có khi còn dừng lại để chụp ảnh thì chẳng biết đến bao giờ mới đi hết. Bởi quanh hồ Tây là một cảnh quan biến hóa, biến hóa dưới từng góc của ánh mặt trời, qua từng sắc sáng và từng góc hồ.

Lúc mới đạp xe, lấy vườn hoa Lý Tự Trọng làm điểm xuất phát, sẽ thấy mặt trời đang lên ở phía sau lưng. Dường như bắt đầu có một cuộc rượt đuổi giữa mặt trời và con người vậy. Càng đạp thì mặt trời càng dần lên cao, ánh nắng soi ấm dần lưng áo. Ánh nắng chiếu xuống mặt hồ bắt đầu có những đổi thay. Ban đầu mặt hồ còn lãng đãng màn sương, sau đó loang dần, loang dần… rồi tan vào không gian, mặt nước rõ nét hơn. Thảo nào, từ thuở xa xưa, hồ Tây đã là nơi nghỉ ngơi, thưởng cảnh của nhiều vị vua chúa với rất nhiều cung điện, lầu gác. Trong số đó, có nơi đã thành di tích lịch sử và cũng là điểm du lịch tâm linh, văn hóa. Một số địa điểm không nên bỏ qua như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên, đền Quán Thánh, chùa Tảo Sách… Tôi đã phát hiện ra những danh thắng đó nhờ vào những lần đạp xe quanh hồ Tây. Tưởng như văng vẳng bên tai tiếng kinh cầu, tiếng mõ chùa lốc cốc vọng lên từ mặt nước. Tưởng như chớp mắt là thấy từng cánh chim chao liệng chào gọi ban mai.

Hồ Tây lãng mạn trong buổi chiều tà

Hồ Tây lãng mạn trong buổi chiều tà

Quả thực, hồ Tây là một trong những thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở Thủ đô, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Thăng Long xưa. Vẻ đẹp của hồ Tây là một nét chấm phá lãng mạn, thi vị trong bức tranh đầy màu sắc của Hà Nội, nơi gặp gỡ, ghi dấu kỷ niệm của biết bao người, nơi níu chân du khách mỗi lần đến thăm. Lại vang bên tai câu hát “Xanh xanh bát ngát Tây Hồ” trong bài “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. Tôi dám quả quyết rằng, nhà văn kiêm thi sĩ kiêm nhạc sĩ ấy đã phải lòng hồ Tây nên mới có được câu hát yêu đời đến vậy.

Có lần tôi may mắn được lên nóc tòa nhà của khách sạn Thắng Lợi, và tôi sửng sốt bởi trước mắt là một hồ Tây có hình dáng giống chiếc càng cua, với góc phía Đông được bao quanh bởi đường Thanh Niên, phần còn lại được bao quanh bởi đất liền. Hồ Tây không chỉ đẹp bởi mặt nước xanh mênh mông quanh năm dập dềnh, lượn sóng, mà còn mang vẻ đẹp thơ mộng bởi sắc hồng thơm ngát của hoa sen, sắc tím của hoa bằng lăng, hay vẻ rực rỡ của những cánh phượng hồng mỗi độ hè về. Không gian xung quanh hồ luôn phảng phất những làn gió mát khiến ai đến đây cũng đều cảm thấy thư thái. Chẳng thế mà Nguyễn Công Trứ đã thốt lên: “Cảnh Tây Hồ khen ai khéo đặt/ Trong thị thành riêng một áng lâm tuyền/ Bóng kỳ đài trăng mặt nước như in”.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xanh-tuoi-bat-ngat-tay-ho-post593022.antd
Zalo