Xanh hóa thương mại điện tử: Bắt đầu từ đâu?

Thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng nhanh nhưng đã và đang bộc lộ rõ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là những tác động xấu tới môi trường. Trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng theo hướng xanh hóa và bền vững, xanh hóa logistics (dịch vụ hậu cần) trong TMĐT đóng vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững.

Tốp 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới

Từ khái niệm thương mại điện tử còn khá xa lạ với người tiêu dùng thì những năm gần đây, tốc độ phát triển TMĐT tại Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu của các nước trong khu vực và trên thế giới, khi liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16-30%/năm và quy mô thị trường đã đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023. Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường sẽ vượt mốc 25 tỷ USD, giúp Việt Nam lọt tốp 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của TMĐT cũng kéo theo những hệ lụy xấu đối với môi trường. Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, có hai khâu chính tác động xấu tới môi trường, bao gồm: Khâu giao hàng (liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải ra lượng lớn khí carbon) và khâu đóng gói (hộp carton, bao bì ni lông, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần). Những tác động xấu này còn ở mức độ cao hơn trong trường hợp giao hàng siêu tốc.

Hoạt động ở trung tâm phân loại hàng hóa của Lazada tại Hà Nội.

Hoạt động ở trung tâm phân loại hàng hóa của Lazada tại Hà Nội.

Thường xuyên đặt hàng trên các nền tảng TMĐT, chị Nguyễn Thị Thanh ở quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội phải thốt lên “quá nhiều bao bì nhựa và ni lông” khi các cửa hàng bọc gói sản phẩm. Ví dụ, đóng gói một sản phẩm mỹ phẩm, vì sợ móp méo hàng, ngoài hộp đựng, cửa hàng sẽ chèn thêm ni lông, quấn chặt bằng băng dính. “Tiện lợi nhưng quá nhiều chất thải không cần thiết”, chị Thanh nêu quan điểm.

Nhìn nhận rõ về thực trạng này, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp cao Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, theo tính toán, hoạt động TMĐT ở Việt Nam trong năm 2023 đã sử dụng 332.000 tấn bao bì, trong đó, khối lượng bao bì nhựa các loại là 171.000 tấn. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 20-25%/năm, quy mô TMĐT nước ta năm 2030 sẽ gấp hơn 4 lần hiện nay; nếu không có những giải pháp mạnh mẽ thay đổi quy trình đóng gói hàng hóa, lượng rác thải nhựa từ TMĐT sẽ lên tới khoảng 800.000 tấn.

Về khâu vận chuyển, thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động 10-20%. Trong chi phí logistics, vận chuyển có tỷ lệ cao nhất, khoảng 60-80%. Do đó, việc tối ưu hóa chi phí vận chuyển không những giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí mà còn đóng góp đáng kể vào việc giảm lượng phát thải từ hoạt động vận chuyển.

Xây dựng hệ sinh thái logistics xanh hiệu quả

Chuyển đổi logistics xanh trong TMĐT không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là con đường phát triển bền vững và mạnh mẽ. “Việc tối ưu hóa chi phí vận chuyển giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, cũng như đóng góp đáng kể vào việc giảm lượng phát thải từ hoạt động vận chuyển”, bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh.

Logistics xanh trong TMĐT bao gồm việc tối ưu vòng quay phương tiện và năng lực vận chuyển của các phương tiện để làm giảm xe rỗng, đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời liên kết các phương thức vận tải nhằm làm giảm những phương thức không thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong bao gói sản phẩm và tìm cách tái sử dụng bao bì. Việc áp dụng các giải pháp logistics xanh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội.

Theo nghiên cứu của các tổ chức Google, Temasek và Bain & Company, việc tối ưu hóa hoạt động vận chuyển trong TMĐT như giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng những vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường để đóng gói hàng hóa... sẽ góp phần cắt giảm được 30-40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo bà Lê Hoàng Oanh, sự chuyển đổi này cần sự hợp tác chặt chẽ từ doanh nghiệp, Chính phủ và người tiêu dùng để tạo ra một hệ sinh thái logistics xanh hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các giải pháp logistics xanh, đầu tư vào công nghệ, tối ưu hóa hoạt động, sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Chính phủ cần ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi logistics xanh, xây dựng hệ thống giao thông xanh và cơ sở hạ tầng phù hợp. Người tiêu dùng cũng nên ủng hộ, ưu tiên các doanh nghiệp có cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và bao bì thân thiện, chung tay bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đẩy mạnh xanh hóa chuỗi hoạt động. Đơn cử như Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), trong quá trình vận hành, Viettel Post đã áp dụng mô hình “bưu cục di động”. Các bưu cục này được thiết kế trên xe tải, được ứng dụng công nghệ chia sẻ dữ liệu để kết nối giữa các bưu cục với nhau cũng như bưu tá với bưu cục. Hàng hóa của người gửi sẽ được chia chọn, phân tuyến trực tiếp ngay trên xe và thực hiện quy trình xuất nhập kho qua ứng dụng di động để nhanh chóng xử lý những công đoạn tiếp theo.

Với mô hình này, Viettel Post đã cắt giảm được các khâu trung gian, giảm 15% quãng đường vận chuyển và số lượng xe trung chuyển. Nhờ đó hạn chế tần suất hoạt động của xe, giảm lượng khí thải ra môi trường, hạn chế luân chuyển hàng hóa giúp tối giản việc bọc các lớp ni lông chống sốc cho bưu phẩm... Đặc biệt, Viettel Post cũng triển khai giải pháp lắp đặt điện mặt trời cho hệ thống kho chia chọn phân phối để cung cấp năng lượng cho thiết bị chiếu sáng, máy điều hòa nhiệt độ...

Bài và ảnh: KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xanh-hoa-thuong-mai-dien-tu-bat-dau-tu-dau-808785
Zalo