'Xanh hóa' lối sống: Văn hóa tiêu dùng bền vững 'nở rộ' trong cộng đồng giới trẻ

Không còn thờ ơ với những vấn đề toàn cầu, giới trẻ đang ngày càng thể hiện vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy lối sống bền vững, đặc biệt thông qua những thay đổi mạnh mẽ trong văn hóa tiêu dùng. Nhận thức sâu sắc về những hệ lụy từ việc tiêu thụ thiếu trách nhiệm, một bộ phận lớn Gen Z và thế hệ Millennials đang chủ động tìm kiếm và ưu tiên những sản phẩm thân thiện với môi trường, từng bước 'xanh hóa' tủ đồ, gian bếp và cả thói quen hàng ngày.

Từ "fast fashion" đến "slow living": Cuộc chuyển dịch ý thức mạnh mẽ

Trong bối cảnh "fast fashion” từng thống trị tủ đồ của nhiều bạn trẻ, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường như ô nhiễm nguồn nước, chất thải khổng lồ và điều kiện làm việc tồi tệ, một làn sóng phản đối mạnh mẽ đang trỗi dậy. Giới trẻ ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, quy trình sản xuất và tuổi thọ của sản phẩm.

Đỗ Ngọc Ánh (sinh năm 2001) hiện đang làm thiết kế thời trang chia sẻ: “Cuộc chuyển dịch ý thức từ fast fashion (thời trang nhanh) đến slow living (sống chậm) như phản ánh một chuyển dịch văn hóa – xã hội sâu sắc trong giới trẻ hiện nay, biểu hiện của sự trưởng thành trong tư duy sống. Chúng mình ngày càng ý thức rõ hơn về hậu quả của thời trang nhanh, nghiêm trọng nhất đó chính là ô nhiễm môi trường. Bản thân mình là người quan tâm đến thời trang bền vững. Trước khi mua một món đồ, mình luôn tự đặt câu hỏi trước khi mua, tự nhận thức và chậm lại. Mình chọn mua ít lại, chọn kĩ hơn hoặc tái sử dụng những món đồ cũ, đồ second – hand”.

Đỗ Ngọc Ánh lựa chọn đồ second – hand cho trang phục thường ngày và hướng đến thời trang bền vững.

Đỗ Ngọc Ánh lựa chọn đồ second – hand cho trang phục thường ngày và hướng đến thời trang bền vững.

"Menu xanh" và cuộc cách mạng trong gian bếp

Không chỉ thời trang, thói quen ăn uống của giới trẻ cũng đang có những thay đổi đáng chú ý. Xu hướng lựa chọn thực phẩm hữu cơ, sản phẩm có nguồn gốc địa phương, giảm thiểu thịt động vật và hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần đang ngày càng lan rộng.

Khánh Thương (sinh viên trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP. HCM) chia sẻ: “Mình rất quan tâm tới việc nấu ăn ở nhà, một phần để đảm bảo sức khỏe và cũng một phần là rèn luyện kỹ năng sống cho chính bản thân. Vì khi tự nấu ăn mình sẽ hiểu hơn về những chất cần thiết qua từng loại rau củ, món ăn để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng cơ thể, tránh béo phì hay những bệnh lý. Dù lịch trình đi học, đi làm cũng khá bận rộn nhưng mình vẫn luôn dành thời gian đi chợ, lựa chọn rau củ, vừa để healing vừa đi dạo khuây khỏa. Bên cạnh đó, hiện tại mình đang ăn chay nên thực phẩm mình chọn cũng sẽ là thuần chay”.

Khánh Thương (sinh viên trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP. HCM) lại rất quan tâm đến việc nấu ăn ở nhà và lựa chọn thực phẩm.

Khánh Thương (sinh viên trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP. HCM) lại rất quan tâm đến việc nấu ăn ở nhà và lựa chọn thực phẩm.

"Second-hand is the new first": Sự trỗi dậy của thị trường đồ cũ

Quan niệm về đồ cũ cũng đang dần thay đổi trong mắt giới trẻ. Các cửa hàng second-hand, chợ đồ cũ online trở thành những "thiên đường" mua sắm thú vị, nơi các bạn trẻ có thể tìm thấy những món đồ độc đáo, chất lượng với giá cả phải chăng, đồng thời góp phần kéo dài vòng đời sản phẩm và giảm thiểu rác thải.

Nguyễn Hà Yến Vy (sinh viên Đại học Kinh Tế TP.HCM) chia sẻ: “Lý do lớn nhất mà mình lựa chọn đồ 2hand (second-hand) là vì tính bền vững và giá trị cá nhân hóa. Ở quê mình (Tiền Giang), từ nhỏ đã quen với nếp sống tiết kiệm, trân quý từng món đồ. Mình thích cảm giác tìm thấy một chiếc áo khoác vintage, một chiếc váy có họa tiết không đụng hàng với ai và là chiếc độc nhất, cảm giác như mình không chạy theo số đông mà đang mặc lên người một phần ký ức, một phần phong cách riêng của bản thân. Hơn nữa, mình nghĩ chọn đồ 2hand cũng là một cách sống có trách nhiệm với môi trường. Ngành thời trang nhanh đang tạo ra quá nhiều rác thải và ô nhiễm. Sống với phương châm cũ người, mới ta. Khi mình chọn một món đồ đã qua tay người khác nhưng còn rất đẹp và có giá trị, có thể mình đã góp phần giảm áp lực lên môi trường”.

Nguyễn Hà Yến Vy (sinh viên Đại học Kinh Tế TP.HCM) chia sẻ niềm yêu thích đặc biệt đối với đồ second-hand.

Nguyễn Hà Yến Vy (sinh viên Đại học Kinh Tế TP.HCM) chia sẻ niềm yêu thích đặc biệt đối với đồ second-hand.

Công nghệ và mạng xã hội - "Vũ khí" lan tỏa ý thức tiêu dùng bền vững

Sức mạnh của mạng xã hội và các ứng dụng công nghệ đang được giới trẻ tận dụng triệt để để lan tỏa ý thức tiêu dùng bền vững. Các trang mạng xã hội chia sẻ kiến thức về lối sống xanh, các ứng dụng tìm kiếm sản phẩm thân thiện với môi trường, các cộng đồng trao đổi đồ cũ...đang ngày càng thu hút đông đảo người tham gia.

Nhiều KOLs và influencers trẻ cũng tích cực truyền tải thông điệp về tiêu dùng bền vững thông qua nội dung sáng tạo của mình, tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Những thách thức và động lực tiếp theo

Mặc dù văn hóa tiêu dùng bền vững đang có những bước phát triển tích cực trong cộng đồng trẻ, vẫn còn không ít thách thức. Giá thành của các sản phẩm thân thiện với môi trường thường cao hơn so với các sản phẩm thông thường, sự tiện lợi của các sản phẩm dùng một lần vẫn là một yếu tố khó thay đổi trong thói quen tiêu dùng của nhiều người.

Tuy nhiên, với sự gia tăng nhận thức, sự sáng tạo trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế và sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và chính sách, xu hướng tiêu dùng bền vững của giới trẻ hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng một tương lai xanh hơn cho không chỉ các thành phố lớn, mà còn cả Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định: "Sự thay đổi trong văn hóa tiêu dùng của giới trẻ là một tín hiệu đáng mừng. Họ không chỉ nhận thức được vấn đề mà còn hành động một cách chủ động. Đây là một lực lượng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội".

Thảo Trần

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/xanh-hoa-loi-song-van-hoa-tieu-dung-ben-vung-no-ro-trong-cong-dong-gioi-tre-post1742931.tpo
Zalo