Xanh hóa là cơ hội để ngành da giày bứt phá trong năm nay

Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững không chỉ là xu hướng chung mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành da giày; đồng thời cũng là cơ hội để ngành da giày Việt Nam nâng cao giá trị thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Chuyển đổi xanh đang là yêu cầu bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ngành da giày nói riêng.

Chuyển đổi xanh đang là yêu cầu bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ngành da giày nói riêng.

Kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 26 - 27 tỷ USD

Ngày 9/7 vừa qua, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức Hội nghị quốc tế ngành da giày năm 2024 nhằm mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt tìm kiếm đối tác xuất khẩu. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Da và Giầy Việt Nam, diễn ra từ ngày 10 - 12/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuỗi hội chợ triển lãm quy tụ hơn 800 đơn vị từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Italy, Ðức, Ðài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Hầu hết đơn vị tham gia đều trưng bày đa dạng máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, sản phẩm thành phẩm da và giày, gồm: Thiết bị gia công hàng may mặc, dệt thoi, máy thuộc da, da dùng trong nội thất, nhuộm và hoàn thiện, hóa chất ngành da giày và túi cặp các loại…

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Lefaso Việt Nam, chuỗi hội chợ triển lãm được tổ chức thường niên tại Việt Nam không nằm ngoài mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, giao thương và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Riêng doanh nghiệp Việt Nam được tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm đến người mua, bạn hàng trong và ngoài nước nhằm tăng cường xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường; còn doanh nghiệp các nước khác tìm nguồn cung cấp hàng từ Việt Nam.

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD trong năm 2024.

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD trong năm 2024.

Thông tin từ Lefaso, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong năm 2024, Lefaso dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD. Như vậy, trước làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang nhiều quốc gia khác, Việt Nam nói chung và ngành da giày nói riêng đang có nhiều cơ hội.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lefaso nhận định, Việt Nam là quốc gia có nhiều Hiệp định thương mại tự do, chiếm hơn 60% khối lượng thương mại toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước.

Do đó, Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư ngành da giày vào Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam cũng đã ký kết chiến lược phát triển ngành da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Trong chiến lược này Việt Nam muốn thu hút nhiều nhà đầu tư vào ngành da giày, trước tiên là các nhà sản xuất nguyên phụ liệu.

“Ngoài ra, tại khu vực Tây Nam Bộ và miền Trung Việt Nam vẫn còn nhiều lao động, chi phí nhân công rẻ, diện tích đất trống lớn… Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp tục phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành da giày của Việt Nam”, bà Thanh Xuân chia sẻ.

Trách nhiệm xã hội trước "xu thế xanh"

Tham luận tại hội nghị, diễn giả từ nhiều nước trên thế giới đều bày tỏ, chuyển đổi xanh đang tạo áp lực cho ngành da giày rất lớn. Tuy nhiên, là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở các quốc gia đang phát triển, doanh nghiệp ngành da giày đều nhận thấy trách nhiệm xã hội trước "xu thế xanh".

Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững không chỉ là xu hướng chung mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành da giày; đồng thời cũng là cơ hội để ngành da giày Việt Nam nâng cao giá trị thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Thuấn khẳng định: “Doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Chuyển đổi xanh là cơ hội để ngành da giày Việt Nam nâng cao giá trị thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Chuyển đổi xanh là cơ hội để ngành da giày Việt Nam nâng cao giá trị thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Để làm được như vậy, theo ông Thuấn, vấn đề nghiên cứu phát triển trong thiết kế, nguyên vật phụ liệu, đầu tư ứng dụng công nghệ và phương thức phân phối, kênh phân phối cũng cần có sự thay đổi - hướng đến yếu tố chất lượng, thẩm mĩ, giảm chi phí, giảm phát thải CO2 hướng đến yếu tố phục vụ cho người tiêu dùng đầu cuối.

Với trường hợp Trung Quốc, quốc gia này không chỉ sản xuất và xuất khẩu giày dép đứng đầu thế giới, mà còn là nước xuất khẩu nguyên phụ liệu ngành da giày số 1, với chuỗi cung ứng cùng các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về ngành này.

Sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn và tuân thủ các yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu đang là yêu cầu bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ngành da giày nói riêng. Để hàng hóa vào được các thị trường như EU, các doanh nghiệp da giày sẽ phải khẩn trương hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó hướng tới phát triển bền vững.

Quỳnh Hoa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/xanh-hoa-la-co-hoi-de-nganh-da-giay-but-pha-trong-nam-nay-379510.html
Zalo