Xanh hóa giao thông trong Vành đai 1: Hạ tầng cần đi cùng chính sách

Hà Nội dự kiến hạn chế ô tô cá nhân và cấm xe máy dùng xăng dầu tại Vành đai 1 từ 1/7/2026. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng về điện, trạm sạc và an toàn tại khu dân cư hiện cần được đánh giá kỹ.

Hà Nội dự kiến cấm hoàn toàn xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu lưu thông trong phạm vi Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026, và hạn chế xe ô tô cá nhân, tiến tới mở rộng ra Vành Đai 3. Chủ trương này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của thành phố trong việc thúc đẩy giao thông xanh, giảm phát thải, song cũng đặt ra bài toán lớn về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống cung cấp điện và đảm bảo an toàn sử dụng phương tiện trong đô thị.

Trạm sạc: Số lượng tăng nhưng chưa đến đúng chỗ

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, đến tháng 7/2025, cả nước có khoảng 150.000 cổng sạc xe điện công cộng, phần lớn tập trung tại Hà Nội và TP.HCM. Riêng Hà Nội đã có hàng nghìn điểm sạc được triển khai tại các trung tâm thương mại, bãi đỗ xe và khu đô thị mới.

Tuy vậy, khoảng cách giữa vùng phủ trạm sạc và nhu cầu thực tế của cư dân trong Vành đai 1 vẫn còn khá lớn. Nhiều khu dân cư cũ, đặc biệt là nhà ống, chung cư xây dựng trước năm 2010, chưa được tích hợp hạ tầng sạc. Việc lắp đặt mới gặp trở ngại về diện tích, điện lưới và quy chuẩn kỹ thuật.

Một số doanh nghiệp lớn như VinFast (qua hệ sinh thái V-Green) đã tích cực đầu tư trạm sạc nhanh tại các trục giao thông chính. Tuy nhiên, việc phổ cập sạc đến từng cụm dân cư, từng tầng hầm tòa nhà vẫn là bài toán chưa có lời giải đồng bộ, nhất là với nhóm cư dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện phổ thông.

Hệ thống điện nội đô: Cần tính toán lại công suất

Theo thống kê từ Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), sản lượng điện tiêu thụ toàn thành phố trung bình đạt khoảng 85 triệu kWh/ngày trong mùa hè. Ước tính, khu vực này là nơi sinh sống thường xuyên của khoảng 600.000 người, chiếm khoảng 7% dân số thành phố (dân số Hà Nội năm 2025 ước tính gần 9 triệu người). Hiện tại, khu vực này có khoảng 450.000 xe máy chạy xăng, chưa kể ô tô cá nhân.

Nếu toàn bộ 450.000 xe máy tại khu vực Vành đai 1 được thay thế bằng xe điện, thì riêng hoạt động sạc có thể tiêu thụ khoảng 900.000 kWh/ngày, tương đương hơn 1% tổng công suất điện tiêu thụ trung bình mỗi ngày của toàn TP Hà Nội.

Con số này chưa bao gồm hàng chục nghìn ô tô, xe tải nhỏ và xe buýt điện có thể được triển khai song song trong khu vực này.

Theo số liệu của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện thành phố Hà Nội, lượng điện tiêu thụ toàn thành phố liên tục tăng do nắng nóng. Cụ thể, nếu như ngày 06/07, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 79,704 triệu kWh, thì sang ngày 7/7, con số này đã tăng lên 91,081 triệu kWh - tức tăng hơn 14,2%. Đáng chú ý hơn, đến ngày 8/7, sản lượng điện tiếp tục tăng vọt lên 100,272 triệu kWh, tức tăng thêm 10,09% so với ngày trước đó. Như vậy, nếu vào các ngày nắng nóng cao điểm như tháng 6 vừa qua, công suất tiêu thụ điện của thành phố sẽ tăng thêm bởi các xe điện.

Trong khi đó, nhiều tuyến cáp hạ thế, trạm biến áp trong khu vực nội đô đã hoạt động gần mức tải tối đa, nhất là vào buổi tối – thời điểm cao điểm tiêu thụ điện và cũng là lúc người dân có nhu cầu sạc xe.

Một số khu chung cư chưa được thiết kế để cung cấp điện cho nhiều thiết bị công suất cao hoạt động đồng thời. Việc nâng công suất điện, bổ sung trạm biến áp hoặc lưới trung thế cần thời gian và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, ngành điện và chủ đầu tư các tòa nhà.

Giao thông Hà Nội thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Đình Huy

Giao thông Hà Nội thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Đình Huy

An toàn cháy nổ: Mối quan tâm tại khu dân cư

Từ đầu năm 2024, nhiều tòa nhà ở Hà Nội đã bắt đầu siết quy định liên quan đến việc sạc xe điện: cấm kéo dây qua hành lang, không để thiết bị sạc qua đêm, thậm chí có nơi từ chối xe điện vào hầm.

Các chuyên gia phòng cháy chữa cháy cho rằng, dù xe điện chính hãng thường an toàn, nhưng các rủi ro như quá nhiệt, chập điện, cháy pin lithium vẫn có thể xảy ra nếu sạc không đúng cách, thiết bị không đạt chuẩn, hoặc lắp đặt tại nơi thiếu thông gió.

Vấn đề đặt ra là: liệu các tòa chung cư – nhất là chung cư cũ – đã có quy trình và trang bị đầy đủ để xử lý tình huống khẩn cấp liên quan đến cháy nổ từ xe điện hay chưa? Tính đến giữa năm 2025, Hà Nội vẫn chưa ban hành bộ quy chuẩn riêng về an toàn phòng cháy cho khu dân cư có xe điện. Theo tìm hiểu, vấn đề này, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn 427/UBND-SXD, bao gồm Phụ lục A hướng dẫn chi tiết việc tổ chức khu vực đỗ xe và sạc điện an toàn ở chung cư mini, nhà trọ.Nội dung quy định rõ: diện tích để xe tối thiểu 6 m²/căn hộ, phân ô để xe điện, bố trí khu vực sạc riêng biệt, cài đặt hệ thống giám sát sạc, không sạc qua đêm, trang bị bình chữa cháy chuyên dụng, bộ ngắt tự động và tay, cách điện, cách ly lửa nhiệt…

Tuy nhiên, đa số chung cư tại Việt Nam hiện nay chưa có quy trình xử lý cháy nổ xe điện phù hợp với tính chất nguy hiểm đặc thù của loại cháy này.

Đây không đơn thuần là lỗ hổng kỹ thuật, mà là một khoảng trống chính sách, đòi hỏi: Quy chuẩn quốc gia bắt buộc cho khu dân cư có xe điện; Chuyển đổi vai trò PCCC cơ sở từ bị động sang chủ động; Chính sách hỗ trợ cải tạo tầng hầm cũ, tích hợp tiêu chuẩn mới về PCCC điện hóa.

Khi chính sách và hạ tầng cùng bước một nhịp

Chắc chắn rằng, việc hạn chế, cấm xe xăng không phải là trở ngại nếu người dân có nơi sạc thuận tiện, chi phí điện hợp lý và không phải lo lắng về rủi ro an toàn.

Tại các quốc gia như Đức, Pháp, Na Uy, vùng cấm phát thải được triển khai từng bước, đi kèm hỗ trợ tài chính lắp cổng sạc tại nhà, yêu cầu chủ đầu tư bất động sản tích hợp trạm sạc ngay từ khi cấp phép xây dựng.

Hà Nội hiện mới chỉ đặt ra mốc thời gian, trong khi nhiều yếu tố nền tảng như quy hoạch trạm sạc, cải tạo điện lưới, tiêu chuẩn an toàn cháy nổ vẫn đang được nghiên cứu. Việc điều chỉnh lộ trình, phân chia thành các giai đoạn nhỏ, hoặc thí điểm tại một số khu vực trước khi nhân rộng toàn Vành đai 1 là điều nên cân nhắc.

Việc cấm, hạn chế xe xăng dầu cá nhân lưu thông trong Vành đai 1 là một định hướng đúng, thể hiện rõ cam kết của Hà Nội với chuyển đổi năng lượng và cải thiện chất lượng môi trường đô thị. Tuy nhiên, sự thành công của chính sách không chỉ nằm ở văn bản, mà phụ thuộc lớn vào năng lực triển khai thực tiễn.

Người dân sẽ sẵn sàng đồng hành nếu họ nhìn thấy những điều kiện tối thiểu đã được đảm bảo: có nơi sạc gần nhà, hệ thống điện ổn định, môi trường sống an toàn. Và các doanh nghiệp cũng sẽ mạnh dạn đầu tư nếu có cơ chế minh bạch, đồng hành rõ ràng từ phía chính quyền.

Trong quá trình đó, lắng nghe, điều chỉnh và xây dựng các bước đi linh hoạt là điều cần thiết – không phải để lùi bước, mà để đi xa hơn.

Duy Khánh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/xanh-hoa-giao-thong-trong-vanh-dai-1-ha-tang-can-di-cung-chinh-sach-100356.html
Zalo