Xanh hóa chuỗi logistics cho chuyển đổi công nghiệp

Chuyển đổi logistics xanh là giải pháp cũng là yêu cầu tất yếu để chuyển đổi công nghiệp theo hướng bền vững.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Doanh nghiệp xanh chủ đề: “Giải pháp logistics bền vững trong chuyển đổi công nghiệp: Từ nhà máy đến khu công nghiệp và cảng biển” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, ngày 24/9.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc phòng chống và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm hiệu ứng nhà kính ngày càng trở nên quan trọng và trở thành trách nhiệm chung của toàn cầu. Hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0", Chính phủ Việt Nam đã chính thức cam kết tại Hội nghị COP26, từ đó, định hình xu hướng phát triển kinh tế xanh như một mục tiêu tất yếu trong quá trình phát triển của mọi doanh nghiệp và của toàn bộ quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 - 2030 hướng tới thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, từ đó, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Với kế hoạch này, nhiệm vụ chính bao gồm: tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối xanh, năng lượng xanh, nước sạch và tuần hoàn nước, tuần hoàn vật liệu, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng, khởi nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo xanh, mảng xanh đô thị và nông nghiệp xanh và hệ sinh thái Cần Giờ xanh. Đây đều là những nhiệm vụ cấp thiết giúp thúc đẩy nền kinh tế của thành phố theo hướng bền vững và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia chia sẻ giải pháp chuyển đổi logistics xanh cho công nghiệp tại diễn đàn. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Các chuyên gia chia sẻ giải pháp chuyển đổi logistics xanh cho công nghiệp tại diễn đàn. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Theo bà Cao Thị Phi Vân, một trong những ưu thế của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế là việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Tuy nhiên, các hiệp định này cũng đặt ra yêu cầu cao về quy trình sản xuất với tiêu chí năng lượng xanh và nguyên liệu sạch, vừa tạo ra cơ hội và cả thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam; đặc biệt, trong việc đổi mới quy trình sản xuất và đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về bền vững.

Ông Cao Minh Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho biết, logistics xanh là hoạt động logistics hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Để xanh hóa chuỗi logistics cần đồng bộ xanh hóa hoạt động vận tải, hoạt động kho bãi, hoạt động đóng gói, hệ thống thông tin và thu hồi, xử lý bao bì (nếu có).

Các tiêu chí đánh giá mức độ xanh hóa hoạt động logisctics tại doanh nghiệp bao gồm chiến lược, chính sách liên quan đến an toàn môi trường; có tiêu chí về giảm khí thải trong mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp; sử dụng năng lượng tái tạo thiết bị, phương tiện thân thiện với môi trường nhà kho, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa hoạt động kho hàng. Doanh nghiệp cũng cần ban hành quy trình xử lý chất thải. Về vận tải, thay thế phương tiện chạy bằng xăng, dầu sang phương tiện chạy bằng điện, nhiên liệu sinh học; ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa hoạt động đóng gói sản phẩm; thu hồi, xử lý sản phẩm, bao bì…

Theo ông Cao Minh Nghĩa, để phát triển logistics xanh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, nhà nước cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin, hạn chế việc sử dụng văn bản in ấn thông thường, tiết kiệm thời gian xử lý thông tin; đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm xanh hóa hoạt động logistics, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức.

Cùng với đó, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh, đặc biệt là các quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, điều chỉnh phát thải khí thải, hạn chế lượng khí CO2 từ các phương tiện vận tải; ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển logistics xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logixtics xanh hay chỉ số năng lực phát triển logistics xanh.

Từ phía doanh nghiệp, sớm xây dựng, điều chỉnh hoàn thiện chiến lược phát triển logistics xanh. Kiểm soát logistics xanh ngay tại kho, cải tiến chất lượng phương tiện vận tải, triển khai công nghệ, thông tin tiên tiến. Tận dụng các ưu đãi của nhà nước; đồng thời, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics.

Bà Catherine Trần, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Leong Lee International, mục tiêu của Việt Nam là giảm khí thải nhà kính xuống 43,5% vào năm 2030; năm 2040 sẽ ngưng hoạt động các nhà máy nhiệt điện và đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050. Để đạt được các mục tiêu trên, cần tích hợp giải pháp bền vững cho cả hoạt động sản xuất và logistics. Bởi khí thải carbon của một doanh nghiệp nhiều khi phát sinh chủ yếu từ các hoạt động bên ngoài công ty, thông qua nhà cung cấp và giao nguyên vật liệu , máy móc, sản phẩm và dịch vị liên quan đến sản phẩm của họ.

Theo đó, doanh nghiệp cần tính toán CO2 và đo lường khí thải, phương án cân bằng cho toàn chuỗi từ nhà máy, khu công nghiệp đến cảng…Một trong những giải pháp phổ biến hiện nay là chuyển đổi nguồn cung năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ, phương tiện dùng nhiên liệu xanh.

Các doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực logistics xanh tại diễn đàn. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Các doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực logistics xanh tại diễn đàn. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Bà Phương Nguyễn, Giám đốc Công ty cổ phần Tona Syntegra Solar, thông tin, lĩnh vực công nghiệp hiện tiêu thụ đến 54% tổng năng lượng sử dụng tại Việt Nam; trong đó riêng ngành vận tải chiếm 20% tổng mức sử dụng năng lượng. Sự gia tăng đáng kể trong hoạt động vận tải với sự phát triển kinh tế và tăngtrưởng dân số ngày càng tăng khiến năng lượng trở thành vấn đề vô cùng quan trọng của quốc gia.

Với mục tiêu Net Zero vào năm 2050, đòi hỏi phải có lộ trình chuyển đổi năng lượng cho giao thông xanh tại Việt Nam. Đối với logistics cho công nghiệp, lộ trình chuyển đổi cần ưu tiên theo quy trình: Tối ưu hiệu quả năng lượng, lựa chọn vận chuyển hiệu quả, có giám sát và quản lý năng lượng - sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo – phương tiện phát thải thấp và cuối cùng là bù carbon thông qua các tín chỉ. Việc áp dụng năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng có thể giúp các ngành thương mại và công nghiệp tiết kiệm ít nhất 35% năng lượng sử dụng và chi phí, giảm lượng khí thải và bù carbon.

Trong khi đó, ông Juergen Weber, Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Logistics Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, việc cắt giảm lượng khí thải từ hoạt động logistics là điều cấp thiết để làm chậm quá trình nóng lên của trái đất. Với logistics Việt Nam, việc giảm carbon từ hoạt động vận tải có thể áp dụng là tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển hàng hóa, chuyển sang các phương thức vận chuyển phát thải carbon thấp, giảm hàm lượng carbon trong năng lượng sử dụng cho logistics.

“Logistics đóng vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng khí hậu, và việc giải quyết tác động của nó đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện bao gồm công nghệ, chính sách và thay đổi hành động; trong đó, nhận thức và năng lực của con người đóng vai trò quan trọng để chuyển đổi, vận hành chuỗi cung ứng xanh.”, ông Juergen Weber nhấn mạnh.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xanh-hoa-chuoi-logistics-cho-chuyen-doi-cong-nghiep/348164.html
Zalo