'Xanh hóa' cảng biển - đổi mới để phát triển bền vững

Giữa bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, 'xanh hóa' cảng biển không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu cấp thiết của ngành logistics.

Cảng “xanh” là xu thế tất yếu

Cảng biển từ lâu đã là huyết mạch của ngành vận tải, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển là những tác động tiêu cực không nhỏ đến môi trường. Các nghiên cứu chỉ ra rằng ngành vận tải biển chiếm khoảng 3% tổng lượng phát thải carbon toàn cầu, đồng thời đóng góp tới 15% lượng phát thải sulfur và 11% lượng phát thải hạt nhựa hàng năm. Đây là những con số không hề nhỏ, đặt ra thách thức lớn cho ngành hàng hải trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Cảng Tân Cảng Cát Lái đã và đang xây dựng, khai thác theo mô hình “xanh hóa”.

Cảng Tân Cảng Cát Lái đã và đang xây dựng, khai thác theo mô hình “xanh hóa”.

Trước thực trạng đó, Tổ chức Hàng hải quốc tế đã đưa ra mục tiêu cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về mức 0 vào năm 2050. Điều này buộc các quốc gia phải chuyển đổi sang mô hình cảng xanh - mô hình không chỉ là lựa chọn, mà đã trở thành điều kiện tiên quyết trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của ngành vận tải biển toàn cầu. Trong xu thế hội nhập, việc xây dựng cảng biển thông minh, cảng “xanh” được xem là một ưu tiên hàng đầu của các quốc gia có biển, bao gồm cả Việt Nam.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, năm 2020, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Đề án phát triển cảng “xanh” tại Việt Nam. Sau đó, Cục Hàng hải Việt Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cảng “xanh” được chia làm ba giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn đầu tiên (2021-2025) tập trung vào nghiên cứu cơ chế chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, đồng thời ứng dụng công nghệ sạch trong khai thác cảng biển.

Trong đó, giai đoạn 2023-2025 sẽ điều chỉnh quy định liên quan đến quản lý, đầu tư và xây dựng cảng biển để phù hợp với tiêu chí cảng “xanh”. Đến năm 2030, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về cảng “xanh” sẽ được xây dựng và áp dụng tự nguyện, tiến tới áp dụng bắt buộc trên toàn hệ thống cảng biển Việt Nam từ sau năm 2030.

Tân Cảng Sài Gòn tiên phong phát triển cảng xanh

Đại tá Nguyễn Thanh Trúc, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (Tân Cảng Sài Gòn) cho biết, đơn vị đã triển khai mạnh mẽ việc xây dựng và phát triển hệ thống cảng “xanh” trong giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch này nhằm mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực quản lý môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững trong ngành cảng biển. Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển cảng xanh của Tổng công ty đã báo cáo những kết quả nổi bật đạt được trong năm 2024.

Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép được công nhận là cảng xanh của APSN.

Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép được công nhận là cảng xanh của APSN.

Trong năm 2024, Tân Cảng Sài Gòn đã nộp 16 báo cáo định kỳ đến các cơ quan chuyên môn, bao gồm Quân chủng Hải quân, Bộ Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý.

Trong lĩnh vực đào tạo, Tân Cảng Sài Gòn đã tổ chức bốn khóa học chuyên môn trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ nhân viên. Các khóa học tiêu biểu bao gồm ứng dụng công nghệ trong tự động hóa cảng tại Trung Quốc, quy hoạch và vận hành cảng tự động tại châu Âu, cùng với các chương trình về kinh tế tuần hoàn và năng suất xanh do Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Năm 2024, Tổng công ty đã giới thiệu các sáng kiến về số hóa và xanh hóa đến hơn 88 đoàn khách trong và ngoài nước, thu hút sự chú ý của hơn 555 lượt khách. Các chiến dịch quảng bá thông qua website, báo chí quốc tế và mạng xã hội đã tiếp cận tới 1,7 triệu độc giả tại 10 quốc gia.

Trong hoạt động vận hành, Tân Cảng Sài Gòn đã đầu tư mua sắm hai xe buýt chạy điện, thay thế các máy thủy từ động cơ 2 kỳ sang 4 kỳ, và hoàn thiện quy trình giao nhận container, qua đó giảm thời gian xe đậu chờ và phát thải khí nhà kính. Đồng thời, các giải pháp công nghệ thông tin như lệnh giao hàng điện tử, phần mềm ePort và ứng dụng check-in online đã được triển khai tại các cảng của Tổng Công ty, nâng cao hiệu quả vận hành và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Tân Cảng Sài Gòn đã nghiên cứu và ứng dụng phần mềm theo dõi nhiệt độ container lạnh tự động tại cảng Cát Lái, đồng thời triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống cảng. Các dự án này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn tối ưu hóa năng suất hoạt động của hệ thống cảng.

Ngoài ra, hệ thống thu gom xử lý nước thải đặc biệt được đầu tư tại các cơ sở sửa chữa trang thiết bị và container, giúp kiểm soát ô nhiễm hiệu quả. Các chương trình đào tạo về bảo vệ môi trường cho cán bộ công nhân viên, cùng sự tham gia tích cực của các tổ chức như Công đoàn và Đoàn thanh niên, đã góp phần nâng cao nhận thức và tạo động lực xây dựng môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp.

Theo lãnh đạo cảng Tân Cảng Cát Lái (thuộc quản lý của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn), quá trình chuyển đổi xanh của cảng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tiêu biểu là việc áp dụng sáu tiêu chí đo lường cảng xanh tại Việt Nam. Những tiêu chí này bao gồm: nhận thức về cảng “xanh”, sử dụng tài nguyên, quản lý chất lượng môi trường, sử dụng năng lượng, ứng dụng công nghệ thông tin, và giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu. Để được công nhận là cảng xanh, một cảng phải đáp ứng ít nhất 60% các tiêu chí trên.

Ngày 15/11/2018, tại Singapore, Cảng Tân Cảng Cát Lái đã vinh dự nhận Giải thưởng Cảng Xanh của APEC. Đây là sự công nhận của Mạng lưới Dịch vụ Cảng APEC (APSN) dành cho những nỗ lực bền bỉ của Tân Cảng Sài Gòn trong việc đổi mới thiết bị sử dụng năng lượng sạch, tổ chức các lớp đào tạo nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và thực hiện các dự án cải thiện cảnh quan, môi trường tại cảng.

Năm 2020, Cảng Tân Cảng - Cái Mép được công nhận là cảng xanh của APSN, khẳng định vị thế tiên phong của Tân Cảng Sài Gòn trong lĩnh vực phát triển bền vững.

Ngân Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xanh-hoa-cang-bien-doi-moi-de-phat-trien-ben-vung-369044.html
Zalo