Xâm nhập mặn tại TPHCM nghiêm trọng nhất trong 5 năm qua
Bước vào mùa khô năm 2025, TPHCM và các, tỉnh thành miền Tây Nam bộ đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn, mức độ mặn tại TPHCM nghiêm trọng nhất kể từ năm 2019
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, dữ liệu quan trắc tại các trạm đo ở TPHCM cho thấy đợt 1 tháng 2/2025 có độ mặn được ghi nhận cao hơn so với độ mặn cùng kỳ được ghi nhận trong 5 năm gần đây. Giá trị mặn cao nhất được ghi nhận trong đợt 1 tháng 2/2025 (ngày 11 - 12/2/2025 – triều kém) là 11,13‰ tại trạm Mũi Nhà Bè.
Cụ thể, độ mặn cao nhất được ghi nhận vào tháng 2 trong 5 năm gần đây tại trạm Mũi Nhà Bè như sau: năm 2019 là 8,95‰; năm 2021 là 10,79‰; năm 2022 là 9,2‰; năm 2024 là 9,7‰.
So với cùng kỳ năm 2024, độ mặn cao nhất được ghi nhận vào đầu tháng 2/2025 tăng 1,43‰; cao hơn năm 2021 (10,79‰), vốn là năm có xâm nhập mặn nghiêm trọng thứ hai trong giai đoạn này.
![Diễn biến độ mặn cao nhất trên các tuyến sông, kênh rạch khu vực TPHCM từ cuối năm 2024 đến đầu tháng 2/2025. Nguồn: Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_20_51487741/0ea2a4bb97f57eab27e4.jpg)
Diễn biến độ mặn cao nhất trên các tuyến sông, kênh rạch khu vực TPHCM từ cuối năm 2024 đến đầu tháng 2/2025. Nguồn: Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ
Từ tháng 12 năm 2024 đến đầu tháng 2/2025, tình hình xâm nhập mặn trên các sông, kênh rạch tại TPHCM có xu hướng gia tăng. Độ mặn bắt đầu tăng từ tháng 12/2024, với giá trị tối đa lên đến 11,13‰.
Dự báo đặc trưng giá trị độ mặn tại các trạm trên địa bàn TPHCM vào kỳ giữa tháng 2/2025 như sau:
Vị trí Mũi Nhà Bè thường thể hiện rõ rệt về sự thay đổi nồng độ mặn trong ngày. Dự báo độ mặn kỳ giữa tháng 2/2025 nơi đây đạt giá trị mặn cao nhất là 11,05‰. Độ mặn cao nhất tại cầu Thủ Thiêm (sông Sài Gòn) là khoảng 4,64‰, tại phà Cát Lái là 7,09‰, cầu Ông Thìn là 7.09‰.
![Bản đồ dự báo độ mặn lúc 7h, ngày 16/2/2025 trên các sông rạch TPHCM. Nguồn: Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_20_51487741/8cbd25a416eaffb4a6fb.jpg)
Bản đồ dự báo độ mặn lúc 7h, ngày 16/2/2025 trên các sông rạch TPHCM. Nguồn: Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ
“Tình hình xâm nhập mặn đang diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đến các khu vực ven sông như Mũi Nhà Bè, Phà Cát Lái, Cầu Thủ Thiêm và Cầu Ông Thìn. Xu hướng xâm nhập mặn cao đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới để kịp thời đưa ra giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất”- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ khuyến cáo.
Trong khi đó, dự báo tình hình xâm nhập mặn tại khu vực Nam bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, mực nước trên dòng chính sông Mê Công biến đổi chậm và phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,55m, tại Châu Đốc 1,75m, ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,2-0,3m.
Từ ngày 11 - 20/2, mực nước tại trạm Vũng Tàu dao động ở mức cao và có xu hướng giảm dần. Đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng 390 – 400cm, thời gian xuất hiện đỉnh triều chủ yếu vào khoảng từ 0h đến 3h và 14h đến 17h hằng ngày.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_20_51487741/b8f610ef23a1caff93b0.jpg)
Mực nước thủy triều phía biển Tây (trạm Rạch Giá) từ ngày 11 - 20/2 dao động ở mức cao và có xu hướng giảm dần. Đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng từ 55 - 60cm, thời gian xuất hiện trong khoảng từ 3 đến 6 giờ hằng ngày.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, xu thế xâm nhập mặn từ ngày 11 - 20/2: Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cao đến ngày 16/2, sau đó giảm dần.
Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 2/2024, riêng một số trạm ở Cà Mau có độ mặn cao hơn. Chiều sâu ranh giới mặn 4‰ tại các cửa sông chính: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (phạm vi xâm nhập mặn 45-55km); Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại (phạm vi xâm nhập mặn 40-45km); sông Hàm Luông (phạm vi xâm nhập mặn 45-55km); sông Cổ Chiên (phạm vi xâm nhập mặn 45-55km); sông Hậu (phạm vi xâm nhập mặn 45-55km); sông Cái Lớn (phạm vi xâm nhập mặn 30-40km).
Dự báo xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô năm 2024 - 2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019-2020.
![Bản đồ dự báo phân bố độ mặn cao nhất từ 11-20/2/2025 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_20_51487741/7f6cd075e33b0a65532a.jpg)
Bản đồ dự báo phân bố độ mặn cao nhất từ 11-20/2/2025 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 - 3/2025 (từ ngày 10 - 16/2; 27/2 - 4/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 - 4/2025 (từ ngày 10 - 15/3; 29/3 - 2/4; 27/4 - 1/5). Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.