Xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ vượt quá mức trung bình nhiều năm

Theo chuyên gia, mức độ xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong giai đoạn từ tháng 2-4 sẽ vượt quá mức trung bình nhiều năm.

Dự báo xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ vượt quá mức trung bình nhiều năm. Ảnh: H.P

Dự báo xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ vượt quá mức trung bình nhiều năm. Ảnh: H.P

Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đã đưa ra cảnh báo về tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong mùa khô năm 2025. Theo ông, mức độ xâm nhập mặn trong giai đoạn từ tháng 2-4 sẽ vượt quá mức trung bình nhiều năm, TTXVN đưa tin

Các đợt xâm nhập mặn dự kiến sẽ xâm nhập sâu vào các cửa sông, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt và các hoạt động kinh tế - xã hội tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang và Cà Mau.

Mức độ xâm nhập mặn tại các cửa sông chính trong thời gian này tăng cao với chiều sâu ranh mặn 4‰, lan rộng từ 30-50km trên các sông như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Hậu và Cái Lớn.

Theo dự báo, xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô năm 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

Các đợt xâm nhập mặn cao điểm ở các cửa sông sẽ diễn ra trong các khoảng thời gian vào khoảng tháng 2-3, từ ngày 29-1 đến ngày 4-3 và tháng 3-4, từ 27-2 đến ngày 1-5, đặc biệt tập trung ở các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn.

Tình hình xâm nhập mặn ở vượn lúa lớn nhất cả nước vẫn còn nhiều biến động do ảnh hưởng của nước từ thượng nguồn Mekong và triều cường. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo các tỉnh thành cần theo dõi sát sao dự báo và chủ động phòng chống. Hiện nay, cảnh báo độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL cấp 2.

Xâm nhập mặn sâu vào hệ thống sông, kênh rạch không chỉ đe dọa nguồn nước sinh hoạt mà còn gây ra những thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Để đối phó với tình trạng này, người dân cần chủ động tích trữ nước ngọt trong mùa khô, hạn chế tưới tiêu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các giống cây trồng chịu mặn. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, người dân có thể trang bị hệ thống lọc nước mặn, giúp loại bỏ muối trong nước, cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, hỗ trợ tưới tiêu, tận dụng nguồn nước sẵn có, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

Gia Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xam-nhap-man-o-dbscl-se-vuot-qua-muc-trung-binh-nhieu-nam/
Zalo