Xâm nhập mặn gia tăng ở Nam bộ từ ngày 21 đến 31-1
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ ngày 21 đến 31-1, khu vực Nam bộ sẽ đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn gia tăng.
Nguyên nhân do nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 30-33 độ C, có nơi cao hơn. Mực nước trên sông Tiền, sông Hậu và mực nước thủy triều tại các trạm Vũng Tàu, Rạch Giá đều có xu hướng tăng nhẹ trong giai đoạn này. Đỉnh triều tại Vũng Tàu dao động từ 3,9-4m, còn tại Rạch Giá từ 0,5-0,55m.
Xâm nhập mặn ở ĐBSCL được dự báo có xu hướng tăng dần vào cuối kỳ. Độ mặn cao nhất tại đa số các trạm đo có thể thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, một số khu vực như Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau lại ghi nhận mức mặn cao hơn.
Chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính được xác định như sau: sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây từ 40-50km; các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên và sông Hậu từ 30-40km; riêng sông Cái Lớn là 25-30km.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia khuyến cáo các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt trong thời điểm triều thấp để phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt.
Dự báo, tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025 sẽ cao hơn mức trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như các mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020.
Các đợt cao điểm xâm nhập mặn tại cửa sông Cửu Long sẽ xảy ra vào các khoảng thời gian: từ 29-1 đến 3-2, từ 10-2 đến 16-2 và từ 27-2 đến 4-3. Trong khi đó, xâm nhập mặn tại các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn sẽ tập trung vào tháng 3 và tháng 4-2025.