Xâm hại trẻ em - nỗi lo ở những bản làng vùng cao Bắc Kạn

Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, đoàn thể và nhà trường, sự quan tâm của mỗi bậc cha mẹ, nhất là trước những mặt trái của mạng xã hội là đòi hỏi cấp thiết hiện nay, để việc xâm hại trẻ em không còn là nỗi lo ở những bản làng vùng cao.

Thời gian qua, tình trạng xâm hại và bạo hành trẻ em tại vùng cao Bắc Kạn đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp và gây ra những hệ lụy khôn lường. Bởi thế, việc chung tay ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em cần tiếp tục có sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội cũng như chính các bậc cha mẹ.

Tiếng khóc nấc của em bé 4 tuổi ở huyện vùng cao Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn khiến mọi người xung quanh nghẹn lòng. Xót xa hơn khi em được sinh ra từ hậu quả của một vụ xâm hại tình dục. Năm 2020, cô gái trẻ tên T. (dân tộc Nùng ở một xã vùng cao của huyện Ba Bể) bị một thanh niên trong bản xâm hại dẫn tới mang thai và sinh con. Tuy nhiên, khi con mới được 2 tuổi, T. đã bỏ nhà đi... Vậy nên dù được ông bà nuôi nấng, hết mực thương yêu nhưng giấc mơ có bố, có mẹ của em là khoảng trống không thể nào bù đắp.

Còn với chị H. tại huyện vùng cao Pác Nặm, gia đình chị đã không còn bình yên sau khi con gái bị xâm hại tình dục. Một đêm tháng 4/2023, cháu N. (con gái chị H.) đi chơi với bạn, trên đường trở về nhà bị 2 người bạn nam đi cùng cưỡng ép.

Hàng chục đối tượng có hành vi xâm hại trẻ dưới 16 tại Bắc Kạn đã được xử lý

Hàng chục đối tượng có hành vi xâm hại trẻ dưới 16 tại Bắc Kạn đã được xử lý

Chị H. cho biết: “Thời gian lúc đầu người nó cũng đờ đờ, kiểu nó chưa biết gì, nó còn trẻ con, nó còn đang đi học, nó đã đi đâu bao giờ đâu. Thời gian đấy mọi người cũng đồn thổi nhiều rồi nó bỏ học, gia đình bảo cố đi học nhưng mà nó nhất quyết không học nữa, sau đó cháu bỏ nhà đi”.

Đó chỉ là số ít trong số hàng chục câu chuyện đau lòng về việc các bé gái ở thôn, bản vùng cao bị xâm hại tình dục, khiến nhiều em rơi vào bế tắc, tâm lý bất ổn; cuộc sống của cả gia đình bị đảo lộn. Theo thông tin từ Công an tỉnh Bắc Kạn, chỉ riêng trong năm 2023, tại Bắc Kạn đã có 5 vụ liên quan đến bạo lực, bạo hành trẻ em; 8 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi; 12 vụ giao cấu hoặc có hành vi quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi và 1 vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi. Từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù số vụ được phát hiện đã giảm sâu, nhưng vẫn có tới 11 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 2 vụ hiếp dâm và 9 vụ quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi. Trong đó, nhiều đối tượng là người quen thậm chí có quan hệ thân thuộc với nạn nhân.

Một nữ sinh ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: “Trong thôn em cách trường chính rất là xa vì thế phải đi trọ ở ngoài này. Bạn nữ đi học xong là bị các bạn nam dụ dỗ, rồi xảy ra xâm hại tình dục. Bạn ấy còn rất trẻ, đang học lớp 9 thôi, bây giờ đã lỡ rồi bạn ấy phải bỏ học để ở nhà, không thể tiếp tục con đường đi học”.

Thực tế là thanh niên, trẻ em gồm cả đối tượng lẫn nạn nhân hiện rất dễ tiếp xúc với các thông tin xấu, độc qua nhiều kênh, đặc biệt là mạng xã hội. Cùng với đó, sự thiếu sát sao của gia đình khiến các em dễ lệch lạc trong ý thức, hành vi của mình. Điển hình như năm 2020, tại huyện Pác Nặm có trường hợp thiếu nữ dưới 16 tuổi mang thai, qua lời khai đã giám định ADN đến 5 đối tượng có liên quan nhưng vẫn chưa thể tìm ra cha của em bé. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề xâm hại trẻ em, thậm chí cho rằng việc trẻ tuy chưa đủ tuổi nhưng kết hôn tự nguyện là hoàn toàn bình thường.

Thượng tá Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết: Cùng với xử lý nghiêm các vụ việc, Công an tỉnh Bắc Kạn sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương để hạn chế thấp nhất loại tội phạm này.

“Làm sao tuyên truyền, vận động, nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em mình và trách nhiệm của Nhà trường trong giáo dục, đào tạo các cháu. Đồng thời, có giải pháp ngăn chặn hiệu quả các loại phim ảnh, mạng xã hội có chứa nội dung bạo lực khiêu dâm phòng ngừa các cháu học tập, làm theo. Đồng thời, làm sao đẩy mạnh giáo dục pháp luật, nang cao đời sống vật chất, kinh tế, tinh thần cho bà con, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn để bà con từng bước đẩy lùi những quan niệm, hủ tục trong đời sống…” - Thượng tá Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn nói.

Những chương trình ngoại khóa, giáo dục giới tính, tìm hiểu pháp luật được Tỉnh đoàn Bắc Kạn phối hợp ngành giáo dục tổ chức tại các địa phương vùng sâu, vùng xa

Những chương trình ngoại khóa, giáo dục giới tính, tìm hiểu pháp luật được Tỉnh đoàn Bắc Kạn phối hợp ngành giáo dục tổ chức tại các địa phương vùng sâu, vùng xa

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là của chính các bé gái trong việc tự bảo vệ mình, lực lượng chức năng cùng các cấp chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là hội Phụ nữ, đoàn thanh niên và các trường học đã có nhiều chương trình thiết thực như ngoại khóa, tổ chức các buổi học giáo dục giới tính…

Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Chúng tôi cũng có nhiều chương trình tuyên truyền, đặc biệt chúng tôi vận động ở những CLB thủ lĩnh ở các trường thuộc Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" chúng tôi tuyên truyền rất mạnh mẽ về vấn đề này để các em có kiến thức tự phòng vệ, tự bảo vệ bản thân mình, nhất là trẻ em gái, là những đối tượng hay bị xâm hại tình dục nhất…”

Qua các chương trình tập huấn, tuyên truyền nhiều bậc cha mẹ đã có sự nghiêm túc, nhận thức và quan tâm nhiều hơn đến con cái. Tuy vậy, mặt trái của mạng xã hội và thông tin sai lệch trên internet cũng gây nhiều khó khăn trong việc quản lý, định hướng suy nghĩ và hành vi của con em, nhất là với các bậc phụ huynh không có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Ông Đinh Quang Chúc, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Bắc Kạn cho rằng: “Việc phòng, chống xâm hại trẻ em không chỉ riêng của ngành nào, cấp nào, mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội. Do vậy các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh cần chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em để đảm bảo mọi trẻ em đều được phát triển một cách toàn diện”

Các đối tượng xâm hại, bạo hành trẻ em đều đã nhận được những án phạt đích đáng cho hành vi của mình. Nhưng hệ lụy từ những vụ việc đau lòng vẫn còn đeo đẳng, ám ảnh suốt cả quãng thời gian sau đó của nạn nhân và gia đình. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, đoàn thể và nhà trường, sự quan tâm hơn sát sao của chính mỗi bậc cha mẹ đến con cái mình, nhất là trước những mặt trái của mạng xã hội là đòi hỏi cấp thiết hiện nay, để việc xâm hại trẻ em không còn là nỗi lo ở những bản làng vùng cao.

Công Luận - Thúy Kiều/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/xam-hai-tre-em-noi-lo-o-nhung-ban-lang-vung-cao-bac-kan-post1130835.vov
Zalo