Xác định vùng phát thải thấp: Cần nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng

UBND TP Hà Nội đã giao Sở TN&MT chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp. Sở GTVT Hà Nội tham gia đóng góp ý kiến về các tiêu chí liên quan đến lĩnh vực giao thông.

Theo các chuyên gia, mục tiêu xác định "vùng phát thải thấp" là rất đúng đắn. Tuy nhiên đây là vấn đề rất lớn, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi áp dụng.

Hà Nội có khoảng 9 triệu phương tiện lưu thông

Số liệu do Sở GTVT Hà Nội cung cấp cho thấy, hiện nay Hà Nội có tới hơn 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó khoảng 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy. Bên cạnh đó, có trên 1 triệu phương tiện từ các tỉnh, TP khác thường xuyên lưu thông trên địa bàn Thủ đô.

Trong khi đó diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội mới đạt 12,13% thấp hơn nhiều so với mục tiêu 20 - 26% theo quy hoạch.

Tỷ lệ gia tăng phương tiện giao thông bình quân 5%/năm nhưng tỷ lệ tăng diện tích đất dành cho giao thông chỉ khoảng 0,65%/năm. Chính vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường nhiều năm qua vẫn diễn biến rất phức tạp.

Tình hình ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra vào giờ cao điểm.

Tình hình ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra vào giờ cao điểm.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo chia sẻ, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua được Hà Nội quan tâm, tập trung đầu tư nguồn lực nhưng vẫn chưa thể theo kịp với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân. Hệ thống giao thông công cộng phát triển chưa tương xứng quy mô đô thị, chủ yếu vẫn là xe buýt, mới chỉ có một số tuyến đường sắt đô thị như: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội.

Ông Bảo nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Một trong số đó đến từ việc kết cấu hạ tầng giao thông bị quá tải. Tại nhiều tuyến đường hiện nay, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông vượt quá rất nhiều lần so với lưu lượng thiết kế ban đầu.

Hiện Sở GTVT đang xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng sang sử dụng năng lượng sạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến từ năm 2025, Hà Nội sẽ chuyển đổi toàn bộ phương tiện sang sử dụng năng lượng sạch thay vì xăng, dầu.

"Các chuyên gia đã nhận định, khí thải từ phương tiện giao thông hiện chiếm 70% nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí. Cá nhân tôi cũng đồng tình với nhận định, đánh giá này.

Hiện các phương tiện giao thông chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu. Quá trình phương tiện sử dụng loại nhiên liệu này hoạt động đã tạo nên nguồn phát thải chính gây ô nhiễm môi trường", ông Trần Hữu Bảo nói.

Cần xác định mức ảnh hưởng tới người dân

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin thêm, để có thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như ùn tắc giao thông, UBND TP Hà Nội đã giao Sở TN&MT chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp.

Còn Sở GTVT Hà Nội tham gia đóng góp ý kiến về các tiêu chí liên quan đến lĩnh vực giao thông. Bao gồm số lượng phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoạt động trong vùng, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo nhận định về biện pháp thực thi trong thực tế, có thể là hạn chế số lượng phương tiện đi vào vùng phát thải thấp, hoặc chuyển đổi, chỉ cho phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch đi vào, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Hàng dài phương tiện nối đuôi nhau di chuyển.

Hàng dài phương tiện nối đuôi nhau di chuyển.

"Tuy nhiên đây là một vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến đại đa số nhân dân nên cần phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, vừa bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhưng đồng thời cũng phải giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô. Vì vậy hiện chưa thể xác định chính xác thời điểm bắt đầu lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân", ông Trần Hữu Bảo khẳng định.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã sẵn sàng phối hợp với các sở, ngành để xác định khu vực thí điểm áp dụng “vùng phát thải thấp”, dự kiến tập trung tại hai khu vực: phố cổ; Hồ Gươm và vùng phụ cận, nơi có các tuyến đường, phố phục vụ đi bộ.

"Mục tiêu xác định "vùng phát thải thấp" là rất đúng đắn, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp một số thách thức. Đầu tiên, cần xác định chỉ số và tiêu chí đo lường khí thải từ các phương tiện giao thông. Tiếp đó, cần xây dựng hệ thống giám sát và quản lý khí thải, kèm theo các chế tài phù hợp", ông Nguyễn Toàn Thắng nhận định.

Theo ông Thắng, để xác định được vùng phát thải thấp, địa phương phải xây dựng được khu vực trung chuyển ở ngoại biên, cùng với đó là phát triển hạ tầng cho phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Ví dụ như quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với một số đơn vị liên quan, phát triển hạ tầng nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe điện; đồng thời mở rộng mô hình xe điện du lịch để phục vụ người dân, du khách. Nếu chỉ xác định một khu vực nhỏ là vùng phát thải thấp thì hiệu quả sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Muốn có môi trường đô thị xanh, sạch, bền vững phải xác định đồng bộ những vùng phát thải thấp rộng khắp trên địa bàn TP.

Lê Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xac-dinh-vung-phat-thai-thap-can-nghien-cuu-ky-truoc-khi-ap-dung-10294301.html
Zalo