Xác định rõ vai trò của các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 15.2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quyết tâm chính trị rất cao trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng

Đa số ĐBQH tán thành việc bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; cho rằng, đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, chuẩn bị nền tảng cho kỷ nguyên cất cánh của đất nước ngay sau Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, Chính phủ đã xây dựng kịch bản tăng trưởng 8% với nhiều nội dung cụ thể và mang tính vượt trội. Quốc hội cũng đã rất quyết liệt trong việc nhanh chóng hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

 ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp Đề án đã nêu; đồng thời đề nghị, tiếp tục tập trung thực hiện tốt Kết luận số 97-KL/TW ngày 5.10.2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kinh tế - xã hội năm 2024 - 2025 đã được thể chế hóa cụ thể trong Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội. Đặc biệt là triển khai quyết liệt, hiệu quả Kết luận số 123-KL/TW của Trung ương và tùy tình hình thực tế có các giải pháp điều hành phù hợp.

Cần cơ chế để phát huy vai trò của các địa phương

Vai trò của các địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng là rất quan trọng. Nêu rõ điều này, một số ĐBQH đề nghị, trong Đề án cũng như Nghị quyết của Quốc hội cần xác định rõ vai trò, vị trí, cơ hội, trách nhiệm của các địa phương, tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tốt, vươn lên, nhất là trong đầu tư công và sự bắt nhịp, tham gia các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến,…

Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, không phải tỉnh nào cũng phát triển giống nhau, mà mỗi địa phương, mỗi khu vực có tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng; vấn đề quan trọng là phải làm sao để đánh giá đúng, và tạo cơ chế thuận lợi nhằm phát huy được sự vào cuộc thực sự của các địa phương. Từ đó, sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển của đất nước.

 ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan điểm này, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, dưới góc độ địa phương, việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra nhiều thách thức lớn, bao gồm cả vấn đề nội tại và tác động từ bối cảnh chung của nền kinh tế.

Nhiều địa phương vẫn dựa vào tăng trưởng theo chiều rộng, phụ thuộc vào vốn đầu tư và khai thác tài nguyên, trong khi hiệu quả sử dụng vốn và năng suất lao động còn thấp.

Ở nhiều tỉnh, đặc biệt là các địa phương thuần nông, quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và kinh tế số còn gặp nhiều hạn chế do thiếu nhân lực chất lượng cao, công nghệ lạc hậu và thiếu liên kết chuỗi giá trị.

Nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc vẫn thiếu hệ thống giao thông, làm giảm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong sản xuất kinh doanh còn thấp, gây khó khăn cho việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…

 Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Do đó, để giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển - xã hội trong giai đoạn tới, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương cần có những chính sách đồng bộ, hỗ trợ cụ thể để tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển cho các địa phương.

"Nếu có thể, xem xét bổ sung vào dự thảo Nghị quyết về việc hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển bền vững". Nêu đề xuất này, đại biểu Thạch Phước Bình. cũng cho rằng, cần tiếp tục ban hành cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù cho các địa phương có tiềm năng nhưng còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, nguồn lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu ưu tiên ngân sách đầu tư vào hệ thống giao thông huyết mạch để tăng cường kết nối giữa các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao theo nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số…

Có chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, hỗ trợ phát triển sinh thái, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, giúp doanh nghiệp địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiếp tục có chính sách hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên…; hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch bền vững, có cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số…

T. Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xac-dinh-ro-vai-tro-cua-cac-dia-phuong-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-post404640.html
Zalo