Xả trạm không thu phí nếu xảy ra ùn tắc trong dịp nghỉ Lễ Giỗ Tổ
Để chủ động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng ngừa ùn tắc, tai nạn giao thông, ngày 5/4, Cục Đường bộ Việt Nam đã gửi văn bản tới các Khu Quản lý đường bộ; các Sở Xây dựng, doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án BOT; Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ thu phí yêu cầu bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025.

Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo xả trạm để bảo đảm giao thông an toàn nếu có tình trạng ùn tắc. (Ảnh: Phong Lê)
Cục Đường bộ Việt Nam nhận định: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025, người dân được nghỉ liền 3 ngày, do đó, dự báo lưu lượng giao thông có thể tăng cao.
Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống quốc lộ theo tiêu chuẩn, tiêu chí quy định. Kiểm tra tình hình hoạt động các bến phà, cầu phao, hầm, các thiết bị, bảo đảm việc vận hành, khai thác ổn định, an toàn.
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ có phương án tăng cường nhân viên trực gác; phối hợp với lực lượng chức năng có phương án phân luồng, điều tiết giao thông hợp lý, khi cần thiết mở cửa trạm để xử lý ùn tắc giao thông theo quy định để hạn chế ùn tắc; giải tỏa các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, đặc biệt trên các cửa ngõ ra, vào Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa điểm du lịch lớn.
Với các doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án BOT, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm; có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn; có phương án bố trí nhân lực để phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức, điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc.
Tại văn bản, Cục Đường bộ yêu cầu chủ dự án xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông kịp thời hoàn trả mặt đường, các bộ phận công trình đường bộ bảo đảm giao thông an toàn, thuận lợi.
Đối với các nhà thầu thi công phải có kế hoạch bố trí cán bộ, nhân viên, người lao động trực, gác, hướng dẫn, điều tiết giao thông; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ, các dự án sửa chữa, bảo trì đường bộ và các công trình đang thi công trên đường đang khai thác.
Các nhà cung cấp dịch vụ thu phí có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, bảo đảm việc thu phí được ổn định, bố trí cán bộ trực 24/7, bảo đảm kịp thời xử lý các tình huống, sự cố (nếu có) tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ có bố trí hệ thống thu phí tự động không dừng do đơn vị mình quản lý vận hành.
Các Khu Quản lý đường bộ, các Sở Xây dựng, Sở Giao thông công chính Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp dự án BOT, VEC tổ chức trực đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin, các tình huống nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt và nâng cao chất lượng vận tải, phục vụ người dân tốt nhất.