Xã Ngọc Biên: Người dân ứng dụng mô hình nuôi heo công nghệ sinh học hiệu quả

Ngọc Biên là xã vùng sâu của huyện Trà Cú, có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm 81,1%. Đời sống người dân trong xã chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi. Song song với cây đậu phộng, ớt chỉ thiên, mô hình nuôi heo sinh học khép kín của người dân trong xã được đánh giá mô hình nông thôn mới cấp tỉnh đem lại hiệu quả cao, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hộ Thạch Thị Pha Ly, ấp Rạch Bót, xã Ngọc Biên chăm sóc heo sinh sản.

Hộ Thạch Thị Pha Ly, ấp Rạch Bót, xã Ngọc Biên chăm sóc heo sinh sản.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, người dân xã Ngọc Biên tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm hàng hóa. Hàng năm, xã thực hiện chuyển đổi từ 350 - 400ha đất lúa sang luân canh từ 02 - 03 vụ màu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, từ giữa năm 2018 thị trường heo hơi tăng, nên một số hộ dân mạnh dạn đầu tư nuôi heo tập trung (trang trại, công nghiệp), kết hợp với kỹ thuật nuôi hiện đại theo hướng đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm mang lại hiệu quả cao.

Qua khảo sát, mô hình nuôi heo khép kín theo công nghệ sinh học của xã được chọn là mô hình nông thôn mới cấp tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, giải quyết việc làm lao động địa phương. Điển hình như mô hình nuôi heo thịt gia công của hộ dân Dư Thị Tú Ngân, ấp Ba Cụm, xã Ngọc Biên được đầu tư 02 giai đoạn với diện tích gần 0,8ha với tổng kinh phí trên 2,8 tỷ đồng.

Theo bà Ngân, giai đoạn đầu gia đình đầu tư nuôi 3.000 con heo với sản lượng đạt 306 tấn, giá bán 75 triệu đồng/tấn, tổng doanh thu gần 23 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 04 tỷ đồng. Hiện nay, hàng năm bà liên kết với doanh nghiệp nuôi gia công 1.700 con/đợt, sau 4,5 tháng xuất bán cho doanh nghiệp với sản lượng hơn 180 tấn. Trong quá trình nhận nuôi gia công, doanh nghiệp đầu tư con giống, thuốc, thức ăn công nghiệp, gia đình đối ứng mặt bằng, vật tư chăn nuôi và người lao động, sau hơn 04 tháng nuôi chất lượng heo đạt trọng lượng 110kg/con, gia đình bà hưởng lợi gia công 500.000 đồng/con. Hướng tới, gia đình tiếp tục mở rộng mô hình nuôi gia công kết hợp với trồng cây lâu năm nhằm tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Tương tự, gia đình ông Diệp Tấn Thành, ấp Sà Vần B, xã Ngọc Biên là hộ tiên phong chuyển đổi thành công mô hình nuôi heo sinh sản ứng dụng công nghệ sinh học đem lại lợi nhuận cao. Ông Thành cho biết: trước đây kinh tế gia đình phụ thuộc nghề trồng lúa, nhưng làm lúa thu nhập thấp, sau đó ông chuyển sang nuôi thủy sản (cá lóc), thời gian gần đây nghề nuôi thủy sản hiệu quả không cao do chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá bán ra rất thấp. Mặc dù 03 năm nay ông đã chuyển sang nuôi heo sinh sản ứng dụng công nghệ sinh học nhưng vẫn duy trì nghề nuôi cá lóc 01 vụ/năm, vụ nuôi cá lóc vừa qua đạt lợi nhuận 30 - 40 triệu đồng/năm.

Đối với mô hình nuôi heo sinh sản khép kín, hiện nay ông nuôi khoảng 182 con heo sinh sản, bình quân heo sinh sản 02 đợt/năm; mỗi con sinh sản từ 10 - 14 con, bình quân xuất bán 100 con heo con/tháng, giá bán vừa qua 1,9 triệu đồng/con, lợi nhuận đạt từ 300.000 - 400.000 đồng/con. So với những tháng trước, giá heo con đợt này tăng 200.000 đồng/con, lợi nhuận tăng lên, không chỉ riêng hộ gia đình ông những hộ nuôi heo trên địa bàn vô cùng phấn khởi.

Từ mô hình này có nhiều hộ dân trong xã học hỏi ứng dụng thực hiện trong chăn nuôi mang lại thu nhập cao, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ gia đình. Điển hình như hộ của bà Thạch Thị Pha Ly, ấp Rạch Bót, xã Ngọc Biên mặc dù điều kiện kinh tế gia đình không đáp ứng nuôi heo với quy mô khép kín nhưng với tinh thần hăng say lao động, tích cực học hỏi, cần cù, chịu khó cũng chuyển đổi sang nuôi heo sinh sản đem lại hiệu quả cao.

Bà Ly cho biết: với gần 10 con heo sinh sản và heo phối giống, hàng tháng mỗi con heo sinh sản khoảng 10 con heo con, mỗi con heo con lợi nhuận 50%. Song song đó, 03 con heo phối giống bình quân thu nhập 01 triệu đồng/ngày. Cùng với đó, gia đình bà tập trung sản xuất 0,8ha đất lúa 03 vụ/năm và trồng 0,2ha đất trồng cỏ nuôi 11 con bò sinh sản, bình quân mỗi năm xuất bán 05 con bò. Nhờ linh hoạt, sáng tạo trong sản xuất, lấy công làm lời và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch phục vụ chăn nuôi nên lợi nhuận đạt 50%.

Đồng chí Thạch Quanh Tha, công chức nông nghiệp xã Ngọc Biên cho biết: những năm gần đây mô hình nuôi heo sinh học trên địa bàn xã đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chăn nuôi, góp phần thực hiện hiệu quả chuyển đổi đất kém hiệu quả, vườn tạp sang chăn nuôi phù hợp với tình hình thực tế địa phương, thúc đẩy kinh tế gia đình tại địa phương, hạn chế đi làm ăn xa. Đến nay toàn xã có 1.077 hộ nuôi 2.659 heo thịt và 433 heo sinh sản; 3.461 con bò sinh sản và 2.174 con bò thịt.

Trong chăn nuôi, môi trường là yếu tố quan trọng, do đó, dự án nuôi heo được xây dựng khép kín không thải ra môi trường là mục tiêu quan trọng người chăn nuôi cần thực hiện tốt. Vì thế, xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường khi ứng dụng mô hình chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời trang bị khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao trình độ, năng lực sản xuất của hộ dân, góp phần bảo vệ môi trường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình và cộng đồng dân cư.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/xa-ngoc-bien-nguoi-dan-ung-dung-mo-hinh-nuoi-heo-cong-nghe-sinh-hoc-hieu-qua-39012.html
Zalo