Xã năm 50 năm sau Ngày Giải phóng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Năm thuộc địa phận Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh ngày nay, đã đoàn kết, đồng lòng, góp nhiều sức người, sức của cùng cả nước đứng lên đánh giặc. 50 năm qua, âm hưởng hào hùng của một thời kháng chiến vẫn luôn cổ vũ Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đinh Trang Thượng không ngừng nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và trù phú.

Các thôn, buôn ở xã Đinh Trang Thượng ngày càng khởi sắc

Các thôn, buôn ở xã Đinh Trang Thượng ngày càng khởi sắc

ANH HÙNG TRONG KHÁNG CHIẾN

Những ngày tháng Tư lịch sử, trong không khí cùng cả nước ra sức thi đua lao động, sản xuất, lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), mỗi người dân Đinh Trang Thượng lại bồi hồi nhớ về những năm tháng gian khó, hào hùng của dân tộc, đặc biệt là trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và qua nhiều giai đoạn lịch sử, xã Năm có thời gian trực thuộc K2, có lúc trực thuộc sự chỉ đạo của K3. Vùng căn cứ xã Năm chủ yếu là người Mạ, K’Ho. Từ năm 1937 - 1938, bà Ka Nhài và các già làng buôn Gung Răng đã vận động tổ chức đồng bào Mạ hưởng ứng phong trào quyên góp đồng xu đồng để rèn cung tên, giáo mác chống Pháp nổ ra rầm rộ khắp các xã. Giai đoạn 1950 - 1954, liên tiếp nổ ra những cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp bắt xâu, bắt lính trong thanh niên. Đến những năm 1961, xã đã xây dựng được những cơ sở cách mạng tại chỗ. Năm 1963, khi địch gom dân lập ấp chiến lược ở địa phương đã có 350 đồng bào các buôn trong xã được giác ngộ cách mạng chạy vào rừng sống, chống địch, xây dựng vùng căn cứ cách mạng và lập nên xã Năm.

Ông K’Brền - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đinh Trang Thượng chia sẻ: “Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Năm là một trong những vùng căn cứ cách mạng quan trọng, án ngữ phía Bắc huyện Di Linh, nối liền tỉnh Tuyên Đức với K2, K1 (nay là huyện Bảo Lâm) và là hành lang chiến lược về Trung ương cục miền Nam”.

Sau quá trình xây dựng căn cứ xã sơ khai trong rừng, năm 1965, đồng bào vùng căn cứ xã Năm đã bắt tay tiến hành xây dựng chính quyền buôn, xã, xúc tiến xây dựng căn cứ, tự vệ vũ trang. Phong trào du kích chiến tranh ngày càng được mở rộng mạnh mẽ, liên tục, trong suốt 10 năm xây dựng, đấu tranh vũ trang và binh vận kết hợp; Nhân dân và lực lượng quân dân du kích xã Năm đã đánh 55 trận, tiêu diệt 165 tên địch, bắt sống 65 tên, thu 101 súng các loại, bắn cháy 10 máy bay.

Xã Năm có 350 người nhưng đã có 29 liệt sĩ, 5 thương binh và 2 bệnh binh; 33 gia đình được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến các loại. Mẹ Ka Lin là mẹ của 3 liệt sĩ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Với những chiến công hiển hách trong chiến đấu và xây dựng bảo vệ vùng căn cứ, ngày 6/11/1978, Nhân dân và lực lượng du kích xã Năm vinh dự được Nhà nước tuyên dương, tặng thưởng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Quân khu 6 tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công Giải phóng và Cờ luân lưu.

XUẤT HIỆN NHIỀU HỘ GIA ĐÌNH TRIỆU PHÚ

Trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, xã Đinh Trang Thượng đã lãnh đạo Nhân dân tập trung phát triển kinh tế - xã hội và đã gặt hái được những thắng lợi nhất định. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giáo dục, y tế từng bước phát triển, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn xã.

Dẫn chúng tôi đến thăm một số buôn, ông K Sor Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng cho biết: Những năm qua, xã luôn chú trọng vận động Nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Hiện, tổng diện tích cà phê toàn xã 2.517 ha, năng suất đạt 3 - 3,5 tấn/ha, với sản lượng ước đạt 8.809,5 tấn. Thu nhập bình quân của người dân đạt 47 triệu đồng/người/năm. Xã cũng đã xuất hiện nhiều hộ gia đình triệu phú như: K’Chiều, K’Krăng, K’Wệ, K’Đồng, K’Té, K’Thường, K’Pil, K’Nga, K’Mé, K’Té, Nròng K’Chi, K’Bảo... thu nhập từ cà phê với sản lượng đạt từ 10 đến dưới 30 tấn cà phê nhân/năm. Theo thống kê từ đầu năm 2025 đến nay, toàn xã đã có gần 100 hộ dân đầu tư kinh phí xây dựng ngôi nhà mới có trị giá từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng và toàn xã đã có trên 30 hộ đồng bào mua xe ô tô phục vụ sinh hoạt gia đình...

Đến thăm gia đình và vườn rẫy của anh K’Chiều (45 tuổi) ở Thôn 1, dù hạn chế về kiến thức kỹ thuật, nhưng anh luôn ý thức làm sao để thoát khỏi cuộc sống khó khăn, cái đói, cái nghèo đeo bám gia đình. Anh K’Chiều bày tỏ: “Năm 1996, tôi lập gia đình và được bố mẹ chia cho đất cà phê, đất rẫy và đất được đền bù thuộc Dự án Thủy điện Đồng Nai 3, nên tổng diện tích đất canh tác của gia đình được 5 ha. Thực hiện chủ trương đa dạng hóa cây trồng của chính quyền địa phương, ngoài cây trồng chủ lực cà phê, những năm qua, gia đình tôi đã chú trọng xen canh sầu riêng, mắc ca, mít và cây bơ để tăng thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích”. Vượt qua tất cả những rào cản, hạn chế, nhất là trình độ kiến thức kỹ thuật, nhưng bằng nghị lực vươn lên, anh hăng say trong lao động, chịu khó tìm tòi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, quyết tâm làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. “Với 5 ha cà phê, mỗi năm gia đình tôi thu từ 22 - 25 tấn cà phê nhân. Năm 2023, với giá bán với giá từ 50.000 - 100.000 đồng/kg nên lợi nhuận thu được trên 1 tỷ đồng. Riêng niên vụ 2024, doanh thu cà phê của gia đình đạt 3 tỷ đồng. Vừa qua, tôi đã đầu tư 1,8 tỷ đồng vừa xây dựng ngôi nhà mới, vừa mua sắm nông cụ phục vụ sản xuất…”, anh K’Chiều cho biết.

Tương tự, anh K’Ròng (43 tuổi) ở Thôn 4, có tổng diện tích 3,5 ha cà phê giống cao sản và xen canh trên 150 gốc sầu riêng. Mỗi năm gia đình anh thu từ 10 - 15 tấn cà phê nhân. Anh K’Ròng bộc bạch: “Năm 2023, gia đình tôi thu được 15 tấn cà phê nhân, bán với giá 120.000 đồng/kg. Số tiền thu được tôi đã sử dụng 1,3 tỷ đồng để mua 3 sào đất, còn lại cho bà con vay lấy lãi theo ngân hàng để tạo điều kiện cho bà con lối xóm có vốn đầu tư thâm canh cây trồng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Trong niên vụ cà phê năm 2024, do năng suất giảm, gia đình chỉ thu được 11 tấn cà phê nhân, đến nay, tôi đã bán 4,5 tấn với giá 134.000 đồng/kg, từ số tiền bán cà phê tôi tiếp tục đầu tư mua 5 tấn phân bón các loại và cho bà con vay với mục đích phát triển sản xuất. Ngoài ra, tôi luôn động viên, chia sẻ cùng bà con về kinh nghiệm lao động sản xuất để cùng nhau tiến bộ, góp sức xây dựng quê hương”.

Ông K’Đô - Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng khẳng định: “Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Đinh Trang Thượng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, xã Đinh Trang Thượng tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, nên kinh tế phát triển ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững và diện mạo nông thôn ngày càng thêm khởi sắc; đồng bào các dân tộc trong xã tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua lao động, học tập, cùng nhau thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

NDONG B'RỪM

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202505/xa-nam-50-nam-sau-ngay-giai-phong-5b21cfc/
Zalo