Xã miền núi Phú Đô tích cực giảm nghèo

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, xã Phú Đô (Phú Lương) đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10,75% (năm 2019), xuống còn 3,64% (năm 2023). Đây là kết quả đáng ghi nhận của xã miền núi còn nhiều khó khăn này.

Gia đình chị Nguyễn Thị Rõ, ở xóm Phú Nam 3, xã Phú Đô, được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua máy móc, thiết bị sao sấy chè.

Gia đình chị Nguyễn Thị Rõ, ở xóm Phú Nam 3, xã Phú Đô, được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua máy móc, thiết bị sao sấy chè.

Xã Phú Đô hiện có 1.539 hộ dân, với 6.437 nhân khẩu, trong đó 60% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Sán Chay, Mông); bà con chủ yếu là sản xuất nông nghiệp… Ông Phạm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đô, cho biết: Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, UBND xã đã tích cực tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Nhà nước; quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để vươn lên phát triển kinh tế.

Từng thuộc diện hộ nghèo của xóm Phú Nam 3, chị Nguyễn Thị Rõ chia sẻ: Từ năm 2019 trở về trước, gia đình tôi rất khó khăn do cả 2 vợ chồng đều không có việc làm ổn định, ai thuê gì thì làm nấy, 2 con nhỏ đang tuổi ăn học… Năm 2020, tôi được tiếp cận, vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Lương số tiền 50 triệu đồng để phát triển sản xuất. Năm 2021, gia đình tôi thoát nghèo và tiếp tục được vay 100 triệu đồng cũng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua cây giống, cải tạo, trồng thay thế giống chè cũ sang giống LDP1 cho năng suất, chất lượng cao hơn; đầu tư máy móc, thiết bị sao, vò chè, máy hút chân không… Đến nay, trên 5.000m2 chè đang cho thu hoạch mỗi năm 7 tạ búp khô. Với giá bán bình quân từ 180-200 nghìn đồng/kg, gia đình tôi có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Cuộc sống, kinh tế ổn định hơn trước rất nhiều.

Gia đình chị Rõ là một trong số rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Phú Đô được tạo điều kiện tiếp cận, vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất. Hiện, tổng dự nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên toàn xã là trên 42,6 tỷ đồng, trong đó 73 hộ nghèo đang có dư nợ khoảng 4,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 nay, xã Phú Đô đã tích cực rà soát các đối tượng khó khăn về nhà ở; phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp tuyên truyền, vận động các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí 1,8 tỷ đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 32 hộ nghèo, cận nghèo, giúp các gia đình yên tâm sống trong những ngôi nhà vững chãi.

Gia đình bà Tạ Thị Nguyệt (bên trái), ở xóm Phú Đô, xã Phú Đô, được các cấp, ngành, đoàn thể hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới để ổn định cuộc sống.

Gia đình bà Tạ Thị Nguyệt (bên trái), ở xóm Phú Đô, xã Phú Đô, được các cấp, ngành, đoàn thể hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới để ổn định cuộc sống.

Bà Tạ Thị Nguyệt, ở xóm Phú Đô xúc động, nói: Trước đây, gia đình tôi sống trong căn nhà xuống cấp, dột nát nên nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa to, gió lớn. Cuối năm 2022, được các cấp, ngành, đoàn thể quan tâm, hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới, giờ đây, gia đình đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.

Để giúp người dân có thêm kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, hằng năm, UBND xã Phú Đô còn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong đó ưu tiên các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo. UBND xã phối hợp với với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên tổ chức các phiên tư vấn, giới thiệu, định hướng nghề nghiệp, tập trung vào đối tượng là người nghèo, còn sức khỏe để tham gia làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp. Hiện, Phú Đô đã có hàng chục người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được giới thiệu và đang làm việc tại trong các công ty, doanh nghiệp, có thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Phú Đô đã giảm đáng kể qua từng năm. Hiện nay, địa phương chỉ còn 56 hộ nghèo và 56 hộ cận nghèo (đều chiếm tỷ lệ 3,64%). Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2023 đạt 47,6 triệu đồng/người/năm (tăng gần 20 triệu đồng với năm 2019).

Ông Phạm Xuân Hưởng cho biết thêm: Thời gian tới, UBND xã tiếp tục tuyên truyền để người dân, nhất là các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hiểu rõ về các chương trình hỗ trợ của Nhà nước có tác dụng động viên, khuyến khích, là “đòn bẩy”; cái chính vẫn là các hộ phải có ý chí, vươn lên thoát nghèo bền vững. Phấn đấu cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống chỉ còn 2,86%, cận nghèo là 2,53%; thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt trên 50 triệu đồng/người/năm…

Vi Vân

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202410/xa-mien-nui-phu-do-tich-cuc-giam-ngheo-d820bd2/
Zalo