Xã luận: Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Tây Ban Nha
Từ ngày 8 đến 10-4, Thủ tướng Vương quốc Tây Ban Nha Pedro Sánchez thăm chính thức Việt Nam, theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Tây Ban Nha đến Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1977, đồng thời là hoạt động trao đổi đoàn cấp Thủ tướng đầu tiên giữa hai nước trong vòng hơn 20 năm qua.
Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ 14 thế giới, thứ 4 trong Liên minh châu Âu (EU), với GDP đạt 1,73 nghìn tỷ USD (2024). Tây Ban Nha tham gia tích cực trong EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có quan hệ truyền thống chặt chẽ với khu vực Mỹ Latin và Caribe, duy trì ảnh hưởng tại khu vực Địa Trung Hải, Bắc Phi và Trung Đông; chú trọng thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại và nỗ lực đóng vai trò dẫn dắt trong thúc đẩy phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và tài chính cho phát triển.

Ảnh minh họa: TTXVN
Chuyến thăm của Thủ tướng Pedro Sánchez tới Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Tây Ban Nha tiếp tục phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Tây Ban Nha là nước đầu tiên trong EU thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (2009). Hai bên duy trì các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trong đó có hoạt động tiếp xúc song phương của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Pedro Sánchez trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN-EU tại Bỉ (tháng 12-2022) và Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil (tháng 11-2024).
Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và ASEAN. Trong vấn đề Biển Đông, Tây Ban Nha ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Về kinh tế-thương mại-đầu tư, kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 4,72 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, cũng là con số kỷ lục trong trao đổi thương mại giữa hai nước. Tây Ban Nha là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong EU, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Tây Ban Nha trong ASEAN. Tây Ban Nha hiện có 97 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 143,88 triệu USD; Việt Nam có 3 dự án đầu tư tại Tây Ban Nha với tổng vốn 64,2 triệu USD. Tháng 1-2022, Tây Ban Nha đã phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Về hợp tác phát triển, Tây Ban Nha đã cam kết cho Việt Nam vốn vay ODA, viện trợ không hoàn lại hơn 1 tỷ USD thông qua các chương trình hợp tác tài chính trên một số lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, phát triển bền vững, thúc đẩy bình đẳng giới, y tế, khoa học-công nghệ. Hai bên đang hoàn tất các thủ tục để ký kết nghị định thư khung về hợp tác tài chính với khoản tín dụng ưu đãi trị giá 305 triệu euro.
Hai bên đã ký một số hiệp định hợp tác về du lịch, văn hóa, giáo dục và khoa học; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh, triển lãm, xúc tiến du lịch tại mỗi nước. Việt Nam hiện miễn thị thực đơn phương cho công dân Tây Ban Nha trong thời hạn 45 ngày. Hai bên đã ký bản ghi nhớ hợp tác về khoa học-công nghệ và ý định thư hợp tác về chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Việc Việt Nam đón tiếp trọng thể Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez góp phần khẳng định đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng về độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các đối tác quan trọng, trong đó có Tây Ban Nha.
Chúng ta tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng Pedro Sánchez sẽ thành công tốt đẹp, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược hướng tới tương lai giữa Việt Nam và Tây Ban Nha, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.