Xã hội hóa trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Những năm qua, từ việc đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục pháp luật, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành trong việc triển khai và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nên hoạt động xã hội hóa trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có nhiều chuyển biến và đạt kết quả nhất định.
Trong 2 năm (2023 - 2024), Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em đã vận động và hỗ trợ cho hơn 124 trẻ em được khám sàng lọc, phẫu thuật tim, chỉnh hình… với tổng kinh phí hơn 9,8 tỷ đồng. Trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ sống trong gia đình hộ nghèo, cận nghèo và trẻ mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, khuyết tật nặng, trẻ em nhiễm chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo được bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng, kinh phí địa phương đảm bảo mua bảo hiểm y tế cho 100% đối tượng.
Công tác khám, quản lý sức khỏe trẻ em tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, các trường tiểu học và THCS, khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Bình quân mỗi năm có hơn 80% trẻ em được khám sức khỏe định kỳ, hơn 2.000 trẻ em được khám, chữa bệnh miễn phí, với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Tại các trung tâm bảo trợ xã hội và trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật cũng đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ trẻ em khuyết tật.
Trưởng phòng Trẻ em, bình đẳng giới Đặng Huy Châu cho biết, từ năm 2019 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã triển khai thực hiện mô hình “Kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” tại 66 xã, phường, thị trấn đã hỗ trợ cho 196 trẻ, với số tiền hơn 373 triệu đồng. Mô hình đã góp phần hỗ trợ cho nhiều trường hợp trẻ em còn khó khăn về vật chất, cũng như về tinh thần có điều kiện và cơ hội được phát triển và vươn lên trong cuộc sống.
Nhằm tạo môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh, toàn tỉnh duy trì tốt các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh, thiếu nhi địa bàn dân cư tại các phường, xã, thị trấn. Đến nay, toàn tỉnh có 93 nhà văn hóa xã, các ấp thuộc xã nông thôn mới đều có sân chơi giành cho trẻ em, điểm vui chơi giải trí thiếu nhi và nhiều khu vui chơi do các hộ kinh doanh cá thể đầu tư góp phần phục vụ tốt cho các hoạt động vui chơi giải trí nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho Nhân dân nói chung và trẻ em nói riêng.
Toàn tỉnh đã củng cố và thành lập 28 Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em tại 11 huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia của hơn 1.000 học sinh của các trường trung học cơ sở. Sở LĐ-TB&XH còn phối hợp đoàn thanh niên và ngành giáo dục - đào tạo tại 11 huyện, thị xã, thành phố thành lập hơn 700 câu lạc bộ trẻ em tại các trường học và cộng đồng nhằm tổ chức sinh hoạt, vui chơi, tuyên truyền các chính sách liên quan đến trẻ em cho chính đối tượng là trẻ em tại nhà trường và cộng đồng.
Về hỗ trợ học tập, xã hội hóa công tác giáo dục đối với học sinh trong nhà trường cũng được đẩy mạnh. Hàng năm, có hàng nghìn học sinh được hỗ trợ các chương trình học bổng, hỗ trợ khó khăn để tiếp tục tiếp bước đến trường, thông qua Hội Khuyến học, Hội Phụ huynh học sinh và các tổ chức xã hội khác. Cụ thể, hỗ trợ học bổng hơn 3.000 em, với số tiền trên 5 tỷ đồng; quà tiếp sức đến trường hơn 60.000 em, với số tiền trên 15 tỷ đồng; hỗ trợ xe đạp, góc học tập... cho hơn 1.500 em, với số tiền trên 1 tỷ đồng.
Từ nguồn ngân sách và kinh phí vận động xã hội hóa, 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn được các cấp, ngành và địa phương vận động mọi nguồn lực để tổ chức thăm, tặng quà và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Cụ thể, trong 2023 - 2024 đã tổ chức thăm tặng quà Tết Nguyên đán cho hơn 20.000 trẻ, tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng; tặng quà dịp 1/6 cho 10.000 trẻ, tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng; tặng quà ngày Tết Trung thu cho 150.000 trẻ, tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng.
Theo ông Đặng Huy Châu, tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác bảo vệ, chăm lo cho trẻ em, nhất là thực hiện xã hội hóa để bảo vệ trẻ em còn nhiều tồn tại, khó khăn. Giải pháp cần quan tâm là tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân, các cấp chính quyền và toàn xã hội về chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ em; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành; từng bước mở rộng chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc dưới các hình thức khác nhau…