Xã hội hóa phim truyền hình: Vẫn còn bất cập
Xã hội hóa là xu thế tất yếu trong phát triển truyền hình, đặc biệt là phim truyền hình, nhằm tạo nên một thị trường phim sôi động, cạnh tranh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực có những bộ phim xã hội hóa vẫn bộc lộ những hạn chế, nhất là về chất lượng…
Thêm nhiều sự lựa chọn
Xã hội hóa phim truyền hình ở Việt Nam đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh ngành truyền hình phát triển nhanh chóng. Quá trình này mang lại nhiều thành tựu. Nhiều bộ phim truyền hình đã gây tiếng vang như: “Bí mật Tam giác vàng”, “Ngược sóng”, “Về nhà đi con”, “Người phán xử”, hay “Hương vị tình thân”… Các bộ phim này không chỉ thu hút khán giả bằng nội dung chặt chẽ, phù hợp với đời sống thường nhật, mà còn được đầu tư mạnh về kỹ thuật quay phim và hậu kỳ.
Nhiều đề tài, lĩnh vực đã được mở rộng, đi sâu phản ánh hiện thực cuộc sống. Trong đó, một số tác phẩm xây dựng được câu chuyện có thời gian và không gian rộng lớn, những sự kiện đan xen phức tạp, kịch tính, diễn biến tình tiết phim phù hợp với tâm lý, văn hóa của người Việt… cho thấy sự đầu tư, sáng tạo của ê kíp làm phim. Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên sức hấp dẫn của phim chính là các đạo diễn đã khai thác đề tài một cách linh hoạt, phản ánh chân thực những xung đột, hiện thực cuộc sống, tạo cho người xem một cảm giác chân thực nhất.
Có thể nói, xã hội hóa phim truyền hình là xu hướng tất yếu, cho phép huy động và tận dụng hiệu quả nguồn lực từ xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, xã hội hóa phim truyền hình cũng còn những mặt hạn chế. Số lượng phim ngày càng tăng, song chất lượng không theo tỷ lệ thuận. Yếu tố lợi nhuận có thể khiến một số nhà sản xuất, chạy theo xu hướng giải trí ngắn hạn hoặc đầu tư sơ sài cả về kịch bản, diễn viên, trang phục...
Như năm 2011, bộ phim “Anh chàng vượt thời gian” buộc phải tạm dừng phát sóng vì chất lượng dở. Gần đây, “Đi giữa trời rực rỡ” cũng khiến khán giả thất vọng khi càng về cuối phim chất lượng càng đuối, chưa kể nhiều tình tiết trong phim thiếu logic, trang phục của diễn viên cũng gây tranh cãi.
Theo đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, việc xã hội hóa phim truyền hình giúp cho thị trường được mở rộng, số lượng phim sản xuất nhiều hơn với những thể loại đa dạng hơn thì khán giả truyền hình sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Ngoài những bộ phim truyền hình chính thống trên sóng Nhà Đài thì ai cũng có thể tự chọn cho mình một series phim nào đó theo sở thích ở trên các nền tảng OTT. Các nhà làm phim, các diễn viên cũng có nhiều cơ hội hơn để thực hiện những bộ phim của mình.
“Tuy nhiên, một trong những bất cập lộ ra, đó là chất lượng chênh lệch giữa các bộ phim truyền hình. Điều này đến từ rất nhiều yếu tố, như mức kinh phí đầu tư, sự chọn lọc kịch bản của mỗi đơn vị, lựa chọn êkip sản xuất… Đôi khi, sự chênh lệch này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của bộ phim”- đạo diễn Đinh Tuấn Vũ bày tỏ.
Tránh mang hướng “một màu”
Việc xã hội hóa mảng phim truyền hình là một nhu cầu tất yếu. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, việc xã hội hóa phim truyền hình về nguyên tắc sẽ mang lại sự đa dạng về nội dung cũng như nghệ thuật cho mỗi bộ phim. Đây là điều rất quan trọng, hình thành bởi nguyên lý cạnh tranh thị trường. Các nhà sản xuất tư nhân luôn mong muốn có phim hay để kêu gọi được nhiều quảng cáo nhằm sinh lợi nhuận vì thế họ sẽ đầu tư rất tốt cho phim.
Tuy nhiên, bà Nhã cho biết, do có khá nhiều các nhóm sản xuất mới chưa đủ kinh nghiệm và hiểu biết về lĩnh vực truyền hình cũng như các nguyên tắc kiểm duyệt. Bên cạnh đó, không ít phim vẫn khai thác một cách đơn giản, sơ lược, chủ đề không bám sát cuộc sống, coi trọng yếu tố giải trí đơn thuần, ngắn hạn.
“Một phim truyền hình dài tập cần được phát sóng ít nhất 5 đến 10 tập mới gây được sự chú ý của khán giả. Với tần xuất phát sóng mỗi ngày một tập, việc vừa viết kịch bản vừa sản như một trò đi trên dây. Tôi chắc chắn như vậy vì nhiều biên kịch của chúng ta chưa đủ độ chuyên nghiệp để có thể vừa chuyển mình theo yêu cầu của khán giả vừa đảm bảo logic tổng thể của câu chuyện mà họ đã vạch ra từ đầu. Đây có lẽ là lý do khiến nhiều phim truyền hình mang hơi hướng “một màu” với việc khai thác mãi một đề tài gia đình, tình yêu – những đề tài an toàn và dễ thành công” - bà Nhã chia sẻ.
Về giải pháp, theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, VTV cũng như nhiều đài truyền hình khác có mong muốn tham gia thị trường này cần xây dựng một đội ngũ biên tập viên giàu kinh nghiệm, nghiệp vụ tốt… để có thể giải quyết tất cả các đề tài khác nhau mà nhà sản xuất xã hội hóa mang tới. Đội ngũ biên tập viên này phải tạo chiến lược cho mảng phim truyền hình trong ít nhất 3 năm, trong đó phải có sự đa dạng đề tài cũng như kế hoạch phát sóng cho từng dự án.
Một số ý kiến cho rằng, phim xã hội hóa chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ vẫn thiếu tính chuyên nghiệp. Sự hợp tác chủ yếu dừng ở mức song phương nên các dự án chưa thể phát triển toàn diện. Còn theo đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, sau một thời gian, mỗi khán giả sẽ tự có câu trả lời cho mình rằng họ có thể xem một bộ phim truyền hình tốt ở đâu. Khi đó, những đơn vị làm chưa tốt, chưa đủ tiêu chuẩn sẽ phải tự nâng cấp, vì chỉ có những bộ phim tốt, được đầu tư chỉn chu, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khán giả mới có đời sống.
Đặc biệt, cần có cơ chế và chính sách hỗ trợ hợp tác công - tư trong sản xuất phim, bao gồm đào tạo đội ngũ biên kịch, đạo diễn, diễn viên; khuyến khích đầu tư vào trường quay, kỹ thuật và công nghệ - những yếu tố quan trọng để làm một bộ phim truyền hình.