Xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Các vụ cháy, nổ xảy ra thường gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Để giảm thiểu thiệt hại cũng như nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) được coi là giải pháp lâu dài, huy động toàn dân góp sức, góp của vì mục tiêu chung.

Mới đây, ngày 23/11, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) tổ chức chương trình trải nghiệm về PCCC và CNCH, thu hút hơn 1 nghìn học sinh, người dân trên địa bàn TP Bắc Giang tham gia. Đồng hành với cơ quan chức năng có Công ty cổ phần Giáo dục khoa học an toàn Việt Nam. Tại đây, đơn vị đã cử 1 chuyên gia, 4 huấn luyện viên giảng dạy, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước, sinh tồn, cứu nạn cho người dân, học sinh. Cùng đó, Công ty chuẩn bị không gian thực tế gồm 2 bể nước, 4 mô hình người phục vụ đào tạo miễn phí cách sơ cấp cứu cho nạn nhân khi bị đuối nước, băng bó vết thương hở. Người dân được huấn luyện thực hành theo hướng “cầm tay, chỉ việc”, học đến đâu thạo đến đó.

 Cán bộ Công ty cổ phần Giáo dục khoa học an toàn Việt Nam hướng dẫn học sinh TP Bắc Giang cách sơ cấp cứu người đuối nước.

Cán bộ Công ty cổ phần Giáo dục khoa học an toàn Việt Nam hướng dẫn học sinh TP Bắc Giang cách sơ cấp cứu người đuối nước.

Bà Đinh Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giáo dục khoa học an toàn Việt Nam cho biết: “Công ty được thành lập từ tháng 1/2024, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực giáo dục kỹ năng CNCH trong doanh nghiệp, trường học. Ngoài chương trình này, Công ty đã tham gia tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm tương tự ở 3 địa phương khác. Mỗi buổi trải nghiệm thu hút hàng nghìn học sinh, người dân tham gia. Qua đây, học sinh, người dân có thể hiểu, nắm bắt cơ bản kiến thức, vận dụng vào thực tế khi có tình huống xảy ra”.

Không chỉ góp sức, góp công, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm trên địa bàn tỉnh cũng chung tay ủng hộ bình chữa cháy tặng hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn khi cấp ủy, chính quyền địa phương phát động phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”. Nhờ đó, hai năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 10 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được trao tặng bình chữa cháy. Nguồn kinh phí do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ. Điển hình như Công ty cổ phần Đầu tư phát triển bền vững Evergreen Bắc Giang trao 1 nghìn bình chữa cháy cho thị xã Việt Yên vào cuối năm 2023. Số bình này được phân bổ những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn và UBND các xã, phường. Hay Công ty cổ phần Thép Việt Úc, Công ty cổ phần Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình ủng hộ hàng trăm bình chữa cháy cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Yên Dũng...

Ngoài ra, mỗi năm có hàng nghìn người dân được tham gia các lớp, buổi huấn luyện, giáo dục phổ biến pháp luật về PCCC và CNCH do UBND các xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, đơn vị tổ chức. Từ đây, những hạt nhân nòng cốt (bí thư, trưởng thôn hay thành viên đội dân phòng, tổ bảo vệ) trở thành các tuyên truyền viên tích cực tại cơ sở. Họ hướng dẫn người dân kỹ năng phòng cháy, thoát nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 460 nghìn hộ gia đình có bình chữa cháy, đạt 98%; 760 tổ liên gia PCCC; hơn 2 nghìn đội dân phòng với gần 22 nghìn đội viên. Dân phòng trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH tại cơ sở. Qua đó phát hiện và dập tắt kịp thời nhiều vụ cháy khi phát sinh, giúp ngăn chặn cháy lớn, hạn chế thiệt hại.

Ông Phùng Như Thống, Đội trưởng Đội Dân phòng tổ dân phố My Điền 1, phường Nếnh (thị xã Việt Yên) nói: “Mỗi năm, tôi được tham gia 2 đến 3 buổi huấn luyện kiến thức phòng cháy. Sau đó, tại các buổi sinh hoạt tổ dân phố, tôi chia sẻ những kiến thức đã nắm bắt được cho bà con khu phố, công nhân xóm trọ. Từ đó hy vọng khi xảy ra sự cố cháy, nổ, bà con xung quanh biết xử lý, không để ngọn lửa bùng lớn, lan rộng gây thiệt hại nặng nề”.

Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) thông tin, đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC và CNCH được thể hiện ở 3 nhiệm vụ chính. Đó là tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH; huấn luyện nghiệp vụ bảo đảm an toàn phòng cháy; thẩm định, kiểm tra thiết bị lĩnh vực này. Những năm qua, công tác xã hội hóa về PCCC đã bước đầu đạt được kết quả. Từ đó, góp phần bảo đảm phương châm 4 tại chỗ “Lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân, chỉ huy ở trong dân”.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 460 nghìn hộ gia đình có bình chữa cháy, đạt 98%; 760 tổ liên gia PCCC; hơn 2 nghìn đội dân phòng với gần 22 nghìn đội viên. Dân phòng trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH tại cơ sở. Qua đó phát hiện và dập tắt kịp thời nhiều vụ cháy khi phát sinh, giúp ngăn chặn cháy lớn, hạn chế thiệt hại. Phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” cũng phát triển rộng khắp, các mô hình ở cơ sở trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng chuyên môn, là một bộ phận quan trọng của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Để thực hiện tốt công tác xã hội hóa PCCC và CNCH, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương và lực lượng chức năng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức PCCC và CNCH cho người dân. Giúp người dân thấy được nguy cơ, nguyên nhân và tác hại do cháy gây ra; hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa. Đồng thời, đánh giá thực trạng phong trào quần chúng PCCC; tăng cường công tác phòng cháy tại những cơ sở có nguy cơ cao. UBND cấp huyện, xã tổ chức các đợt kiểm tra điều kiện an toàn phòng cháy đối với các cơ sở được phân cấp theo thẩm quyền; tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ đối với đội dân phòng, người dân địa phương…

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/xa-hoi-hoa-cong-tac-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-091332.bbg
Zalo