Xã Đức Hợp: Khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão, lũ

Do ảnh hưởng của bão số 3 và nước sông dâng cao khiến hơn 360 héc-ta lúa, rau màu, cây ăn quả ở xã Đức Hợp (Kim Động) bị ngập úng cục bộ; hơn 12 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 32 chuồng trại bị tốc mái; 24 lồng bè nuôi cá bị hư hại...

Nông dân xã Đức Hợp (Kim Động) dọn dẹp vườn chuối sau bão, lũ

Nông dân xã Đức Hợp (Kim Động) dọn dẹp vườn chuối sau bão, lũ

Để phục hồi sản xuất nông nghiệp, ngay sau khi nước rút, xã đã nhanh chóng hướng dẫn nông dân kịp thời khoanh vùng, tập trung tiêu úng để cây trồng không bị ngập sâu trong nước thời gian dài; cắt tỉa cành gãy, bổ sung dinh dưỡng cân đối để cây nhanh hồi phục; đối với diện tích rau màu bị mất trắng, xã vận động nông dân tích cực cải tạo đất, lựa chọn đa dạng cây trồng thay thế, có thời gian sinh trưởng ngắn để đáp ứng nhu cầu thị trường; các khu vực lúa, chuối, ngô... bị hỏng do ngập úng, nông dân bắt tay vào dọn ruộng, thu hoạch sớm để làm thức ăn cho gia súc. Người dân thu gom xác gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi để đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định; khẩn trương vệ sinh chuồng trại, định kỳ phun hóa chất, rắc vôi bột khử trùng chuồng trại 1 lần/tuần để hạn chế dịch bệnh phát sinh; rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm theo đúng quy định; thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh lồng bè, lưới trong khu vực lồng nuôi cá; xã tiến hành thống kê số hộ chăn nuôi cần hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi... Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể trong xã tích cực hỗ trợ người dân trong việc dọn dẹp, phục hồi diện tích cây trồng, đồng thời, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật nhằm giúp người dân khắc phục thiệt hại.

Bão số 3 làm 5 dãy chuồng nuôi bò của gia đình anh Trần Văn Chuyên, thôn Đức Phú bị sập mái. Những ngày này, anh Chuyên chủ động kiểm tra, tu sửa chuồng nuôi, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh, bảo đảm điều kiện chăn nuôi. Anh Chuyên cho biết: Hiện nay, gia đình tôi tiến hành dọn dẹp khu vực chăn nuôi, phát quang cây đổ, dựng lại tường rào, mái ngói, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực chăn nuôi bảo đảm điều kiện tái sản xuất. Tuy nhiên, do lượng thức ăn thô xanh đều bị hỏng vì úng ngập, tôi và các hộ chăn nuôi đang tìm nguồn thức ăn thay thế để duy trì chăn nuôi.

Toàn xã có hơn 110 héc-ta trồng chuối, trung bình 1 sào chuối mang lại thu nhập cho nông dân từ 10 đến 15 triệu đồng/năm. Cây chuối được xem là cây trồng chủ lực và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Theo thống kê, đợt mưa bão vừa qua đã khiến trên 80% diện tích chuối bị gãy, đổ không còn khả năng phục hồi. Để khắc phục thiệt hại, người dân đã chủ động chặt bỏ, thu dọn sạch những cây chuối bị gãy, đổ. Đối với diện tích còn khả năng phục hồi, làm sạch bùn bám trên thân, lá, rắc vôi bột lên mặt luống trồng chuối, kết hợp xử lý bằng thuốc bảo vệ thực vật để phòng bệnh gây hại; khơi thông hệ thống tiêu thoát nước; tranh thủ khi vườn khô ráo tiến hành bón phân nhằm thúc cho cây nhanh phục hồi... Gia đình anh Bùi Văn Mạnh ở thôn Đức Trung đã gắn bó với cây chuối gần 10 năm nay, anh Mạnh chia sẻ: Ảnh hưởng của mưa bão làm hơn 9 sào chuối tây và chuối tiêu hồng của gia đình tôi đang trong giai đoạn buồng quả non bị đổ gãy. Hiện nay, gia đình tôi dồn sức để chặt bỏ diện tích chuối bị gãy, đổ, thu dọn, vệ sinh để lấy diện tích xuống giống cho vụ mới. Đồng thời, cố gắng tận thu những buồng có thể bán được để mang đi tiêu thụ, chuối non để làm thực phẩm, các sản phẩm phụ như: Hoa chuối dùng làm rau bán cho các nhà hàng, lá chuối bán cho các chủ hộ chế biến giò, chả, nem chua, thân cây dùng cho chăn nuôi, chuối con tách chồi từ cây mẹ có thể sử dụng làm cây giống đem bán hay dùng trồng cho vụ kế tiếp, giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu.

Đồng chí Hà Thị Thanh Hoa, Chủ tịch UBND xã Đức Hợp cho biết: Thời gian tới, xã tập trung nguồn lực, phương tiện để giúp người dân giảm thiểu thiệt hại bởi bão, lũ sớm khôi phục và ổn định sản xuất. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại sau mưa bão; phối hợp với các cơ quan chức năng để tư vấn, hỗ trợ cho người dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cho từng loại cây trồng, vật nuôi; chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp chính quyền phương án hỗ trợ con giống, hóa chất khử trùng, thuốc và vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi...

Vân Anh

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-duc-hop-khoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-sau-bao-lu-3175985.html
Zalo