Xã Đoàn Huyền Hội: Hiệu quả từ mô hình 'Góp vốn xoay vòng phát triển kinh tế' trong thanh niên
Năm 2024, Đoàn Thanh niên xã Huyền Hội, huyện Càng Long đã thành lập mô hình 'Góp vốn xoay vòng phát triển kinh tế'. Đây là hoạt động nhằm tạo nguồn vốn giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp.

Nhờ mô hình trồng hẹ, gia đình anh Nguyễn Ngọc Sơn có nguồn thu nhập ổn định.
Chị Lê Thị Liêm, Bí thư Xã Đoàn Huyền Hội cho biết: toàn xã có 100 đoàn viên, sinh hoạt ở 13 chi đoàn (09 chi đoàn ấp, 01 Chi đoàn Công an, 01 Chi đoàn Quân sự và 02 Chi đoàn trường học). Mô hình “Góp vốn xoay vòng phát triển kinh tế” được thành lập vào tháng 10/2024 với 14 thành viên là bí thư các chi đoàn và bí thư, phó bí thư Xã Đoàn với mức đóng góp 01 triệu đồng/thành viên/tháng. Đến nay, mô hình đã hỗ trợ vốn cho 08 lượt thành viên với tổng số vốn 112 triệu đồng phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn, Bí thư Chi đoàn (thành viên đội Dân quân tự vệ) của ấp Lưu Tư là 01 trong số những thành viên được hỗ trợ vốn từ mô hình, anh Sơn cho biết: với số vốn 14 triệu đồng nhận được từ mô hình góp vốn của Xã Đoàn tôi thuê cơ giới cải tạo 0,4ha đất trồng lúa sang trồng dừa xen chanh.
Ngoài ra, đầu năm 2025 thông qua Xã Đoàn tôi được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Càng Long hỗ trợ vay 50 triệu đồng để trồng thêm cây hẹ với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Hiện nay, mỗi tháng gia đình tôi thu hoạch hẹ 01 lần, sản lượng từ 05 tấn trở lên, bán cho thương lái với giá dao động từ 10.000 - 14.000 đồng/kg. Trừ đi các khoản chi tiêu còn lời trên 30 triệu đồng.
Theo anh Sơn chia sẻ: trước khi thực hiện mô hình tôi đã học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn ở địa phương từ đó áp dụng theo và thấy mô hình hiệu quả. Để trồng cây hẹ phát triển tốt phải chú ý từ cách làm đất, bón phân, chọn giống tốt, hẹ sẽ phát triển và cho thu hoạch nhanh hơn. Hẹ được tách ra từng tép, trồng mỗi bụi từ 03 - 04 tép, khoảng cách 15 x 20cm. Sau khi trồng, tiến hành phủ trên liếp bằng rơm, tưới nước đủ ẩm.
Cây hẹ khác với các loại rau phải gieo hạt mỗi lứa, cây hẹ chỉ cần trồng gốc một lần, thu hoạch quanh năm, chăm sóc tốt thì 03 - 04 năm sau mới trồng lại. Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, cho thu nhập thường xuyên. Phân bón cho hẹ chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ hoai mục và lân, hẹ cũng là loại cây có sức đề kháng tốt nên ít khi cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, hẹ được coi là rau sạch, được thị trường ưa chuộng, giá ổn định nên mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.
Ngoài việc hỗ trợ vốn sản xuất cho các thành viên, mô hình “Góp vốn xoay vòng phát triển kinh tế” còn tạo môi trường sinh hoạt bổ ích cho các thành viên, mỗi tháng các thành viên sẽ chọn ngẫu nhiên một chi đoàn để sinh hoạt lệ và bốc thăm nhận vốn. Có thể nói mô hình “Góp vốn xoay vòng phát triển kinh tế” là cầu nối tình đoàn kết, tương thân tương ái của Xã Đoàn Huyền Hội cùng nhau vươn lên trong cuộc sống không chỉ trong công tác chuyên môn mà còn giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Mô hình đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi giúp thanh niên tích cực tham gia phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp làm giàu chính đáng, rèn luyện cho cán bộ Đoàn tính tiết kiệm tương trợ nhau.
Chị Lê Thị Liêm cho biết thêm, từ khi thực hiện mô hình đến nay, việc sinh hoạt lệ của Ban Chấp hành xã Đoàn trở nên sôi động hơn, các thành viên dự họp đầy đủ hơn, ngoài triển khai các nội dung liên quan công tác Đoàn, các cán bộ Đoàn còn học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh… cùng giúp nhau phát triển kinh tế. Ngoài duy trì mô hình “Góp vốn xoay vòng phát triển kinh tế” trong cán bộ Đoàn, từ đầu năm 2025 đến nay, Xã Đoàn Huyền Hội còn phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân số vốn 100 triệu đồng giúp 02 thanh niên trong xã thực hiện mô hình trồng màu và nuôi bò sinh sản.