Xã Chu Điện (Lục Nam): Tăng giá trị cây vụ đông
Khai thác lợi thế đất nông nghiệp, những năm qua, nông dân xã Chu Điện, huyện Lục Nam (Bắc Giang) năng động phát triển cây vụ đông. Nhờ sản xuất theo hướng thâm canh theo vùng tập trung, giá trị cây vụ đông tăng cao, đời sống người dân được cải thiện.
Thu nhập cao
Dẫn chúng tôi đi thăm các xứ đồng, ông Hoàng Văn Đềm, Chủ tịch UBND xã Chu Điện chia sẻ, nếu như trước đây, vào vụ đông phần lớn người dân trong xã bỏ ruộng, đi làm thời vụ để có thêm thu nhập thì gần chục năm nay, ngày nào mọi người cũng tất bật ngoài đồng.
Trên thửa ruộng của gia đình, anh Nguyễn Văn Đức (SN 1975), thôn Bình An đang chăm sóc cho những luống su hào xanh tốt. Theo lời anh, cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn, 9 năm trước, anh bắt đầu chú trọng phát triển cây vụ đông. Ban đầu chỉ canh tác trên vài sào ruộng của gia đình, sau thấy hiệu quả, anh thuê lại ruộng của các hộ dân khác, mở rộng diện tích canh tác lên hơn 1 mẫu.
Để nâng cao thu nhập, chỉ trong 3 tháng vụ đông, anh thâm canh, gối vụ nhiều loại cây trồng khác nhau. Ngay như vụ đông năm nay, trên diện tích 1,2 mẫu, anh trồng 5 sào củ đậu, 4 sào su hào, còn lại trồng hành. “Cách đây vài ngày, gia đình tôi thu hoạch 2 sào su hào sớm, sản lượng đạt 1 tấn/sào. Với giá bán 11 nghìn đồng/kg, tôi thu về 11 triệu đồng/sào. Thời gian một vụ su hào ngắn (khoảng 1,5 tháng) nên trên diện tích này, vợ trồng tôi trồng gối thêm 1 vụ nữa để có sản phẩm bán dịp Tết Nguyên đán”, anh Đức chia sẻ.
Với 520 ha đất nông nghiệp, hằng năm, toàn xã Chu Điện trồng hơn 400 ha cây vụ đông, trong đó có 100 ha củ đậu, 100 ha hành, 140 ha su hào (2 vụ), còn lại trồng cà chua, cây rau màu khác… Từ sản xuất cây vụ đông, nhiều hộ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Ví như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồ (SN 1959), thôn Bình An. Trước đây, trên diện tích 5 sào đất nông nghiệp của gia đình, bà chỉ cấy 2 vụ lúa để có gạo ăn, còn lại bỏ không. Được cấp ủy, ban quản lý thôn tuyên truyền, chi hội nông dân thôn hướng dẫn, từ năm 2023, bà trồng thêm cây vụ đông. Nhờ đó bà có thêm thu nhập, dự kiến ra khỏi diện cận nghèo vào cuối năm nay.
Hay như trường hợp vợ chồng bà Nguyễn Thị Tuân (SN 1969), thôn Hà Mỹ, với 7 sào ruộng, cùng với canh tác 2 vụ lúa, vợ chồng bà trồng củ đậu vụ đông. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng loại cây này, sản lượng và chất lượng củ đậu của gia đình bà được đánh giá cao. “Mỗi một sào củ đậu nếu chăm sóc tốt sẽ đạt khoảng hơn 2 tấn củ sau 3 đến 3,5 tháng trồng. Với giá bán ổn định 6-8 nghìn đồng/kg, người dân sẽ thu 14-16 triệu đồng/sào. Từ trồng củ đậu, vợ chồng tôi có điều kiện nuôi dạy các con trưởng thành và có tiền gửi tiết kiệm”, bà Tuân chia sẻ.
Thêm chính sách hỗ trợ
Kinh tế phát triển, người dân trong xã Chu Điện có điều kiện góp công, góp của mở rộng đường quê. Đến nay, 100% đường trục chính của xã được mở rộng từ 3,5m trở lên; 95% đường ngõ, xóm được đổ bê tông. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, 80% kênh mương, hơn 60% đường nội đồng đã được cứng hóa…
Qua thống kê, 3 năm gần đây, giá trị sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản của xã Chu Điện đạt khoảng 180 tỷ đồng, trong đó giá trị cây vụ đông mang lại khoảng 40 tỷ đồng. Từ cây vụ đông, nhiều hộ dân trong xã có điều kiện cải tạo nhà ở, vươn lên thoát nghèo. Kết thúc năm 2023, toàn xã chỉ còn 65 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,02%, giảm 6,08% so với năm 2020; tiệm cận mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra đến năm 2025.
Mặc dù vậy, qua đánh giá, giá trị sản xuất cây vụ đông của xã chưa tương xứng với tiềm năng; thiếu liên kết trong tiêu thụ, phụ thuộc vào thị trường… Nguyên nhân chính vẫn do người dân trồng và thu hoạch ồ ạt vào cùng một thời điểm. Rút kinh nghiệm, từ vụ đông năm 2024, UBND xã định hướng người dân sản xuất các loại cây trồng theo vùng sản xuất với diện tích phù hợp, tránh tập trung trồng một loại cây cùng lúc.
Khuyến cáo người dân trồng vào vụ sớm, trong từng tổ sản xuất trồng lứa khác nhau để rải vụ, khi bán sẽ được giá cao. Về cơ chế chính sách, UBND khuyến khích người dân liên kết, hình thành chuỗi sản xuất, hỗ trợ 20 triệu đồng/chuỗi sản xuất và 40 triệu đồng/sản phẩm OCOP, VietGAP…
“Dù chưa nằm trong kế hoạch của huyện song Chu Điện phấn đấu đến năm 2026 sẽ về đích nông thôn mới nâng cao. Để hoàn thành mục tiêu này, cùng với huy động nguồn lực để cứng hóa, mở rộng các tuyến đường, nâng cấp nhà văn hóa các thôn, chúng tôi quan tâm hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất cây vụ đông, phấn đấu tăng giá trị sản xuất từ 5-7%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5%/năm”, ông Hoàng Văn Đềm chia sẻ.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết