Xã biển Bình Dương - Một góc giang sơn, một dòng máu đỏ-Kỳ 2: Dòng máu đỏ huyền thoại (Tiếp theo và hết)
Lịch sử sang trang, ngày toàn thắng, có người được nêu tên trong sử sách, có người sống âm thầm, lặng lẽ làm việc tốt dâng hiến cho đời. Xã biển Bình Dương từ trong bom đạn chiến tranh bước vào thời bình với những dòng máu đỏ cách mạng rực rỡ chiến công, tạo động lực để con cháu mãi tự hào về truyền thống, vững tin làm giàu trên mảnh đất quê hương anh hùng.
Sống chết là ranh giới vinh nhục
Chúng tôi hẹn gặp chú Hà Thành Tươi và các cô chú cựu chiến binh vào cuối tháng 3-2025, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam và 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh.
Vào xứ Quảng, chúng tôi nhận được tin chú Tươi ốm mệt, phải tiếp nước. Tranh thủ thời gian, chúng tôi qua nhà chú Nguyễn Văn Sơn (thông gia với gia đình chú Hà Thành Tươi) để nghe chú kể về những năm tháng hoạt động cách mạng-cái thời mà vào năm 1968, chú tưởng đã về gặp tổ tiên khi bom Mỹ trúng vào đội hình dân công hỏa tuyến ở Trà My (Quảng Nam). Trúng bom, 3 người bạn chú Sơn-là dân công hỏa tuyến-mất tại chỗ, còn chú bị một mảnh bom văng vào đùi.
Hoạt động cách mạng từ năm 1966, nhờ thông thạo địa hình xứ Quảng nên Nguyễn Văn Sơn gia nhập đội du kích thôn 6, xã Bình Dương. Lúc đó, đội có 6 nam, 4 nữ, vừa làm nhiệm vụ chiến đấu, vừa ngày đêm đào hầm, nuôi giấu cán bộ. Giai đoạn 1967-1968, lính Mỹ-ngụy, Nam Hàn càn quét ác liệt Bình Dương, trận càn to, trận càn nhỏ nối tiếp nhau như bão tố, dông lốc liên hồi. Địch tuyên bố bắn phá cho đến khi nào không còn cái cây ngọn cỏ ở Bình Dương nữa thì thôi. Thấy Nguyễn Văn Sơn nhanh nhẹn, gan lỳ, cấp trên tin tưởng cho phép ra Đà Nẵng làm công tác giao liên. Đầu năm 1972, Nguyễn Văn Sơn bị địch bắt trong khi đang làm nhiệm vụ. Hơn hai năm trong tù cũng là quãng thời gian chàng thanh niên Nguyễn Văn Sơn được tôi luyện thêm về tinh thần, ý chí chiến đấu. Hè năm 1974, vừa được ra tù, Nguyễn Văn Sơn lập tức móc nối với cơ sở, hoạt động cách mạng ở Đà Nẵng cho đến ngày giải phóng.

Chú Hà Thành Tươi bên bia ghi danh tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
... Nghe chúng tôi nhắc đến chú Sơn, chú Trương Công Vinh cười khà khà, bảo: “Thằng Sơn hồi trẻ nhanh nhẹn, gan dạ lắm. Đầu năm 1966, khi tôi làm thôn đội trưởng, đã muốn đưa Sơn vào đội rồi”. Năm 1968, địch càn quét dữ dội Bình Dương. Tháng 4-1968, trong một trận càn của địch, chú Vinh bị địch bắt. Địch hỏi chú đi tù hay đi lính. “Không đời nào tao làm lính ngụy”. Sau câu trả lời đanh thép của chú là bản án tù 5 năm. Đến giữa năm 1973, mãn hạn tù, chú Vinh về nhà nhưng lập tức bị ép đi lính ngụy lần nữa. Những buổi tối bí mật ra hầm tiếp cơm nước cho cán bộ, rồi bảo vệ cuộc họp của cấp trên, chú Vinh vẫn nhớ chuyện cán bộ kể cho nghe về tấm gương của Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, những lời hiệu triệu, động viên của Bác Hồ... Những lúc đó, chú Vinh như được tiếp thêm sức mạnh. Vào một ngày tháng 10-1973, ra vườn, tìm được búa và đục, chú Vinh đục hai phát bay luôn ngón chân cái và ngón chân trỏ.
Nhìn xuống bàn chân phải của chú Vinh, tôi gợi chuyện: “Sao chú không chặt hai ngón chân khác?”. “Chặt hai ngón này mà địch nó vẫn bảo tôi đủ sức khỏe đi lính”. Địch hỏi: “Đù má mày, đi tù hay đi lính, mày chọn đi”. “Tao đi tù!”. Cuối năm 1974, chú Vinh bị địch xử 4 năm tù, giam ở quân lao Sơn Trà (Đà Nẵng). Sau ngày giải phóng, chú Vinh là thương binh hạng 4/4, thương tật 31%. “Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác ở mảnh đất Bình Dương này, đều một lòng hướng về Đảng, trung kiên với cách mạng. Được sống trong thời bình, được hòa mình vào Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (1975-2025), thấy con cháu khôn lớn trưởng thành, quê hương ngày càng giàu đẹp, thế là tôi mãn nguyện rồi”, chú Vinh trải lòng.
Cũng như nhiều gia đình ở xã Bình Dương, nhà chú Vinh vừa có Bà mẹ Việt Nam anh hùng (mẹ chú, bà Lê Thị Quá) vừa có người thân là liệt sĩ (Trương Công Trữ, Trương Công Thái hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước). Ở chú Vinh có sự gan lỳ cóc tía, bình tĩnh đến lạ lùng. Không biết có phải nhờ những tố chất này mà chú được tín nhiệm giữ chức thôn đội trưởng, bảo vệ cán bộ cũng như phụ trách liên lạc. Chú Vinh trải lòng cùng chúng tôi: “Sống chết là lẽ thường, nhưng sống chết cũng là ranh giới vinh nhục. Đánh Pháp, đánh Mỹ-ngụy, người dân xã Bình Dương đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, âm thầm chịu đựng mất mát nơi hậu tuyến. Ở Bình Dương, không có gia đình nào không có bàn thờ con cháu là liệt sĩ, thế nhưng bao thập niên qua, người dân chúng tôi vẫn kiên cường nuốt nỗi đau, vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương”.
Đến nhà trò chuyện cùng các cựu chiến binh, cán bộ xã Bình Dương, chúng tôi thêm hiểu lòng dân nơi đây một lòng một dạ hướng về Đảng, về Bác Hồ. Gần như nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng. Nhà chú Hà Thành Tươi có đến 4 ảnh Bác Hồ qua các thời kỳ hoạt động.
Trò chuyện cùng chú Hà Thành Tươi trước bàn thờ gia tiên nhà chú, chúng tôi hỏi: “Nếu như được đúc kết một câu về 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng chú đang thờ, cũng như những Bà mẹ Việt Nam anh hùng khác trên mảnh đất Quảng Nam, thì chú có thể nói gì?”. “Đều là những người mẹ Việt Nam đáng quý, đáng trân trọng các cháu à”.

Căn nhà đang thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Nhỏ cùng hai người con liệt sĩ của mẹ.
Giọng nói nghẹn trong họng, chú Tươi đưa tay quệt nước mắt. Để cho không khí đỡ nặng nề, chú dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, nơi chế biến nước mắm sạch. Cơ sở nước mắm Tám Tươi (nhà chú Hà Thành Tươi) cùng với những cơ sở sản xuất nước mắm khác như Bà Lợi, Ba Thu, Bảy Hà... qua bom đạn chiến tranh cũng như sau 50 năm hòa bình lập lại, đã góp phần làm nên thương hiệu nước mắm Cửa Khe-một trong những làng nghề lâu đời nhất xứ Quảng. Không chỉ có du khách mà người dân Thủ đô vào mua đất ở xã biển Bình Dương cũng nhiều. Họ mua từ chục năm trước, chứ không phải giờ mới mua. Giang sơn liền một dải, đâu đâu cũng là con dân nước Việt. Hẳn là xã biển Bình Dương-đất lành chim đậu nên nhiều người phương xa tìm tới nơi này để gửi gắm ước mơ, hoài bão, hoặc đơn giản là tìm một chốn yên bình để “chữa lành”, sống chậm.
Căn nhà không sáng đèn
Màn đêm buông xuống, chúng tôi để ý ngôi nhà cạnh nhà chú Tươi mấy bữa nay đều không sáng đèn. Tôi tự nhủ: Chắc lại dân Hà Nội vào đây mua đất rồi đóng cửa để đó. Bữa sau, khi những ghe, thúng cập bến, tôi có hỏi chuyện chú Hà Thành Tươi về căn nhà bỏ không, chú nói nhỏ: “Cũng là nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng đó cháu à”.
Một lúc sau, chú Hà Thành Tươi cùng chú Nguyễn Văn Sơn cầm theo thẻ hương, mở cửa phía sau ngôi nhà, đưa chúng tôi vào. Căn nhà khoảng 25m2, bên trong không có vật dụng gì ngoài bàn thờ với di ảnh của 3 người: Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Nhỏ cùng hai con trai của mẹ là liệt sĩ Lương Tấn Vinh, hy sinh ngày 4-2-1970 và Lương Kim Thành, hy sinh ngày 27-8-1972.
Gia đình mẹ Bùi Thị Nhỏ mất gần hết người thân trong chiến tranh, thi thoảng mới có người cháu ngoại về hương khói. Mỗi dịp lễ, tết, rồi 30-4, 27-7, chú Tươi cùng dân làng lại thắp hương, tri ân công lao của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Nhỏ cùng hai người con trai của mẹ hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc. Đóng lại cánh cửa ngôi nhà mẹ Nhỏ, chú Tươi nói chuyện với chính bản thân mình: “Mảnh đất này đã chịu quá nhiều đau thương rồi!”. Nhưng chính mảnh đất này vẫn luôn bao dung, chở che, nuôi nấng bao thế hệ khôn lớn, trưởng thành để làm giàu cho quê hương, đất nước. Trong mọi hoàn cảnh, Đảng bộ xã Bình Dương luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách, vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình thực tế. Tuy vẫn còn đó hạn chế như sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của một xã ven biển nhưng chúng tôi tin là chú Hà Thành Tươi cùng những chủ cơ sở sản xuất nước mắm ở làng nghề nước mắm Cửa Khe, cùng chính quyền và người dân địa phương lúc nào cũng mong muốn, khao khát làm giàu cho gia đình, làng xóm, để được sống-được chết trên mảnh đất quê hương anh hùng.
... Những di ảnh trong nhà mẹ Bùi Thị Nhỏ, nhất là tấm ảnh con trai mẹ là Lương Kim Thành cười tươi trước khi ra chiến trường càng khiến lòng người thêm day dứt. Chúng tôi đi bộ ra bờ biển, theo con đường năm xưa chú Nguyễn Văn Sơn cùng những người bạn du kích chèo thúng ra Đà Nẵng hoạt động cách mạng. Ngồi lắng nghe tiếng sóng biển khi hoàng hôn phủ bóng là một trải nghiệm khó tả, nhất là ở mảnh đất 3 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng (hai danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và danh hiệu Anh hùng Lao động). Tiếng sóng biển như nức nở sẻ chia, thấu cảm với những đau đớn, mất mát khôn nguôi mà người dân Bình Dương trải qua trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Lớp này ngã xuống, lớp khác anh dũng hiên ngang tiếp bước, để sử sách mãi lưu danh 358 Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng 1.298 liệt sĩ ở xã Bình Dương. Đêm khuya, trong câu chuyện ông kể cháu nghe, có hình bóng ngoại năm xưa đào hầm, làm mắm nuôi giấu cán bộ; là lớp lớp trai tráng Bình Dương ra trận diệt thù, không tiếc xương máu thanh xuân để góp phần Bắc-Nam một nhà, non sông một dải và cũng là để mãi ghi nhớ chân lý đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đúc kết: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ xã Bình Dương, Trưởng thôn Phạm Đề, chú Trương Công Vinh, chú Hà Thành Tươi, chú Nguyễn Văn Sơn... cúi đầu lạy tạ. Trên bia ghi danh, có tên người cha cùng 3 người anh trai của chú Phạm Đề; có tên ông nội, tên người cha cùng tên hai anh trai của chú Hà Thành Tươi... Chạm vào tên cha, chú Hà Thành Tươi nhớ đến thời khắc lâm chung, mẹ chú-Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Nhàu-căn dặn: “Mẹ mất, con phải giữ truyền thống gia đình, gắng nuôi dạy con cháu nên người để đỡ cực khổ. Quê hương ta đã dâng hiến trọn xương máu cho cách mạng rồi”.