Xã anh hùng xây dựng nông thôn mới

Những vùng đất nổi danh với những cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ như xã Mỹ Hạnh Bắc (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) hay xã Tân Bình (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), nay tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhất là công tác bảo tồn các giá trị truyền thống, lịch sử. Đây chính là 'sức mạnh mềm' để tăng cường tính đoàn kết trong cộng đồng dân cư hiện nay.

Học sinh quét mã QR để tìm hiểu thông tin về Di tích lịch sử Bàu Tràm (huyện Đức Hòa)

Học sinh quét mã QR để tìm hiểu thông tin về Di tích lịch sử Bàu Tràm (huyện Đức Hòa)

Xã Mỹ Hạnh Bắc đạt chuẩn xã NTM năm 2022, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Theo cùng sự phát triển nhưng thế hệ trẻ xã Mỹ Hạnh Bắc lại chưa từng quên đi những chiến công oanh liệt của cha ông. Những địa danh như Di tích lịch sử Bàu Tràm, Đình thần Mỹ Hạnh, Đền thờ cụ Nguyễn Văn Quá tuy nhuốm màu thời gian nhưng vẫn đầy sống động trong ấn tượng của người dân.

Theo Bí thư Đoàn xã Mỹ Hạnh Bắc - Trần Hữu Nghị, xã luôn chú trọng công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Các khu di tích tại xã Mỹ Hạnh Bắc là nơi thường xuyên diễn các hoạt động như về nguồn tại "địa chỉ đỏ", kết nạp đoàn viên,... Những hoạt động này không chỉ giúp mọi người hiểu rõ hơn về truyền thống của di tích lịch sử, những hy sinh của cha ông mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi con người.

Để thế hệ trẻ có thể hiểu thêm về các khu di tích lịch sử hay các anh hùng liệt sĩ của địa phương, vào các dịp lễ lớn, Đoàn Thanh niên xã Mỹ Hạnh Bắc thường xuyên phối hợp Chi đoàn Trường THCS Mỹ Hạnh, Liên đội Trường Tiểu học Nguyễn Văn Quá tổ chức thi trả lời câu hỏi có thưởng về truyền thống cách mạng tại đây. Bước sang kỷ nguyên số, xã Mỹ Hạnh Bắc hoàn tất công tác số hóa toàn bộ di tích trên địa bàn xã từ tháng 02/2024.

Với mã QR được đặt tại mỗi khu di tích, người dân và du khách có thể dễ dàng truy cập thông tin chi tiết về tất cả các di tích trong huyện chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh. Điều này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và tham quan.

Là học sinh của Trường THCS Mỹ Hạnh, em Huỳnh Thị Mỹ Duyên (xã Mỹ Hạnh Bắc) tích cực tham gia dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm,... tại Di tích lịch sử Bàu Tràm. Em Duyên chia sẻ: “Qua lời kể của thầy cô về lịch sử hào hùng, các trận đánh oanh liệt của cha ông trên mảnh đất quê hương, em càng yêu mến và quý trọng địa danh này. Em hứa sẽ học tập thật tốt để xứng đáng với truyền thống anh hùng và cố gắng lan tỏa tinh thần trách nhiệm đến bạn bè, người thân”.

Học sinh có dịp tìm hiểu lịch sử tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ)

Học sinh có dịp tìm hiểu lịch sử tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ)

Với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, xã Tân Bình (huyện Tân Trụ) đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2023. Bên cạnh những thành tựu về KT-XH, xã Tân Bình còn chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần XDNTM vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc. Trong đó, nổi bật là những hoạt động chăm sóc, tôn tạo, phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, Di tích Khu vực chợ Mỹ Bình. Đặc biệt, trong Lễ kỷ niệm 156 năm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, hơn 2.000 lượt khách thập phương đến trải nghiệm buffet chay diễn ra trong 3 ngày; đồng thời, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của cụ Nguyễn.

Hàng năm, Đoàn Thanh niên xã còn phối hợp Hội Cựu chiến binh tổ chức các đợt tuyên truyền, ôn lại truyền thống vẻ vang, tham quan các khu di tích. Đến nay, tổ chức được 18 cuộc với 355 lượt đoàn viên, thanh niên, học sinh tham dự. UBND xã cũng chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể,... tổ chức sinh hoạt, gặp gỡ thương binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, có nhiều chính sách quan tâm đến người có công với cách mạng.

“Xác định XDNTM phải đi đôi với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, văn hóa, UBND xã phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể,... triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tu bổ, tôn tạo di tích, xây dựng các biển báo, panô giới thiệu về di tích, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Nhờ những nỗ lực, các di tích trên địa bàn xã không chỉ được bảo tồn tốt mà còn trở thành những điểm đến hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương” - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình - Hồ Ngô Cẩm Uyên cho biết.

Những khu di tích được trùng tu, các lễ hội truyền thống được phục dựng không chỉ gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần phát triển KT-XH./.

Ngọc Hân - Hoàng Lan

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xa-anh-hung-xay-dung-nong-thon-moi-a186320.html
Zalo