Xã An Bá: Phát triển mô hình kinh tế, giảm nghèo hiệu quả
Trở lại xã An Bá (Sơn Động), chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự đổi thay ở nơi đây. Những ngôi nhà cao tầng khang trang giữa màu xanh núi rừng, những con đường bê tông trải dài tấp nập phương tiện qua lại. Đời sống người dân no ấm, đủ đầy hơn.
Ghé thăm một số gia đình trong xã, chúng tôi nhận thấy tư duy cũng như cách thức làm kinh tế của đồng bào vùng cao đã khác xưa rất nhiều. Gia đình bà Hoàng Thị Tiến, dân tộc Cao Lan ở thôn Đồng Dầu là một điển hình. Từ mô hình nuôi gà thả đổi đã giúp gia đình thoát nghèo và trở thành hộ khá ở khu dân cư.
Bà Tiến chia sẻ: “Tận dụng lợi thế đất đồi rộng rãi, năm 2011, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi gà thả vườn. Ban đầu triển khai, vốn liếng ít, tôi chỉ xây 1 chuồng trại và thả nuôi 100 - 200 con. Đến nay, gia đình đã có 2 chuồng trại, quy mô khoảng 2 nghìn con/lứa”.
Để chăn nuôi có hiệu quả bền vững, ngay từ khi bắt tay xây dựng mô hình, bà chú trọng khâu chọn giống, nguồn thức ăn đến cách chăm sóc đàn gà. Giống gà được chọn nuôi cho thịt săn chắc, thơm ngon, thị trường rất ưa chuộng. Thêm vào đó, gà nuôi trên đồi, nhiều cây xanh nên môi trường sạch sẽ, thoáng mát, tăng hiệu quả phòng bệnh. Trong khu vườn đồi rộng, bà Tiến phân thành từng khu để nuôi gối nhiều lứa. Mới đây, bà vừa bán hơn 900 con gà thương phẩm với giá 120 nghìn đồng/kg.
Tìm hiểu được biết, xã An Bá có 6 thôn; 1.015 hộ với hơn 4,3 nghìn nhân khẩu, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 75%. Người dân trong xã sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là từ những nguồn vốn của các chương trình, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay điện, đường, trường, trạm ở xã được xây dựng khang trang, đồng bộ. Bà con biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi để tăng thu nhập, đời sống của người dân ngày càng cải thiện về mọi mặt.
Để có được kết quả đó, Đảng ủy xã An Bá đã có nhiều buổi họp bàn, tìm hướng phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đặc thù địa hình không bằng phẳng, có nhiều ruộng bậc thang nên khó khăn trong canh tác, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những cây, con giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Phát triển đàn gia súc, gia cầm, tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường; hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác chăm sóc và bảo vệ rừng.
Đặc biệt, phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Ở An Bá, nhiều cán bộ, đảng viên là đầu tàu kinh tế như anh: Phạm Văn Đào, Chủ tịch Hội Nông dân xã và Đặng Văn Khang, Phó Chủ tịch UBND xã với mô hình nuôi gà 1-2 nghìn con/lứa; Mông Văn Vinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã với mô hình nuôi con dúi.
Cần cù, chịu khó, nông dân xã An Bá tập trung gieo trồng với diện tích hơn 366 ha trong 10 tháng năm 2024; sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 797 tấn, tăng hơn 13,7 tấn so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, xã mở rộng diện tích cây ăn quả các loại lên đến 40,2 ha, trong đó vải thiều 27 ha; hoa quả khác 13,2 ha; doanh thu từ cây ăn quả các loại ước đạt 3,1 tỷ đồng. Bên cạnh vật nuôi truyền thống như trâu, bò, lợn, gia cầm, những năm trở lại đây, bà con nuôi thêm dê, hươu, ong mật, ngựa.
Tận dụng lợi thế đất rừng, cấp ủy, chính quyền xã An Bá làm tốt công tác giao đất, giao rừng cho nhân dân gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay, diện tích khai thác, trồng mới rừng trồng tập trung là 80,7 ha; trồng cây phân tán 30,7 nghìn cây; diện tích khai thác rừng trồng là 78 ha. Giá trị sản xuất lâm nghiệp và khai thác lâm sản phụ đạt 20,4 tỷ đồng. Đây cũng là hướng đi mới cho công tác giảm nghèo ở địa phương. Toàn xã có 10 xưởng đóng đồ mộc gia dụng; 3 cơ sở thu mua và chế biến gỗ bóc, keo thô; 8 cơ sở cơ khí tổng hợp. Các cơ sở đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.
Ông Hoàng Như Hậu, Chủ tịch UBND xã cho biết:“Những năm qua, nhờ các chương trình, chính sách đầu tư vào xã nên đời sống của bà con được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Theo kết quả rà soát sơ bộ năm 2024, xã còn 153 hộ nghèo, tỷ lệ 15,07% và 130 hộ cận nghèo, tỷ lệ 12,81%; giảm so với năm trước. Trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, chương trình dự án thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phát huy vai trò tự lực, tự cường của nhân dân, vươn lên thoát nghèo".
Bài , ảnh: Hoài Thu