World Cup 2026 cũng không cứu nổi du lịch Mỹ?

Một báo cáo mới dự kiến ngành du lịch Mỹ sẽ tốn 10 tỷ USD đầu tư hiện đại hóa hạ tầng để chuẩn bị cho hàng loạt sự kiện tầm cỡ sẽ diễn ra liên tục trong thập kỷ tới.

 Trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Nhật Bản và đội tuyển Australia tại vòng loại World Cup 2026 ở Sân vận động Saitama 2002, Saitama, Nhật Bản ngày 15/10/2024. Ảnh: Issei Kato/Reuters.

Trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Nhật Bản và đội tuyển Australia tại vòng loại World Cup 2026 ở Sân vận động Saitama 2002, Saitama, Nhật Bản ngày 15/10/2024. Ảnh: Issei Kato/Reuters.

Một loạt sự kiện lớn sẽ diễn ra tại Mỹ trong một thập kỷ tới. Mở đầu là giải đấu golf đình đám Ryder Cup 2025 vào tháng 9, FIFA World Cup 2026 vào tháng 6/2026 và kỷ niệm 250 năm Quốc khánh Mỹ vào tháng 7/2026.

Tiếp đến, xứ cờ hoa cũng sẽ đăng cai Olympic và Paralympic mùa hè 2028 tại Los Angeles; Olympic và Paralympic mùa đông 2034 tại Salt Lake City.

Hiệp hội Du lịch Mỹ dự kiến chỉ riêng các giải đấu thể thao trong 4 năm tới, nước Mỹ sẽ thu hút 40 triệu lượt khách, kéo theo doanh thu 95 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo báo cáo dài 90 trang do US Travel Association (US Travel) công bố ngày 19/2, Mỹ sẽ không thể sẵn sàng cho kỷ nguyên đầy ắp các sự kiện này nếu không chuẩn bị chi hơn 10 tỷ USD để nâng cấp hạ tầng du lịch, theo Bloomberg.

"Chúng tôi lo ngại (ngành du lịch Mỹ) sẽ không đạt được mục tiêu như mong đợi", Geoff Freeman, Giám đốc điều hành US Travel, tổ chức đại diện và ủng hộ cho các vấn đề du lịch tại Mỹ, phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức tại điện Capitol.

Ông nói thêm rằng nước Mỹ vẫn là điểm đến được săn đón nhiều nhất trên thế giới, nhưng vẫn chưa thể hồi phục lại lượng khách quốc tế như thời điểm trước đại dịch.

"Hệ thống du lịch của chúng ta thiếu vốn, nguồn lực và sự lãnh đạo quyết đoán, táo bạo", Freeman chỉ ra nguyên nhân.

Freeman phát biểu tại Trung tâm Du khách Thượng viện của điện Capitol ngày 19/2. Ảnh: Ian Wagreich.

Freeman phát biểu tại Trung tâm Du khách Thượng viện của điện Capitol ngày 19/2. Ảnh: Ian Wagreich.

Đồng thời, Giám đốc US Travel cảnh báo nếu không hành động nhanh chóng và quyết đoán nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, Mỹ sẽ bỏ lỡ hội và tụt hậu hơn nữa so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Hiện tại, quốc gia này đã thâm hụt thương mại du lịch 40 tỷ USD bởi người Mỹ chi tiêu ở nước ngoài nhiều với so với khách nước ngoài ở Mỹ.

Trong khi Mỹ đang ráo riết tinh gọn bộ máy cơ quan liên bang, một khuyến nghi đưa ra: thành lập "lực lượng đặc nhiệm" để giải quyết các vấn đề về du lịch.

Lực lượng này sẽ do một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đứng đầu, giám sát toàn bộ trải nghiệm du lịch tại Mỹ, bao gồm cả việc nâng cấp toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kiểm soát không lưu.

Một phần khác trong phạm vi hoạt động của lực lượng đặc nhiệm nói trên sẽ là việc ủy quyền dài hạn cho chương trình “One Stop Security” của Cục Quản lý An ninh Vận tải, cho phép một số du khách quốc tế ký gửi hành lý của họ thẳng đến điểm đến cuối cùng, ngay cả khi phải quá cảnh tại Mỹ.

Kế hoạch cũng phác thảo khoản đầu tư 10 tỷ USD vào việc nâng cấp an ninh sân bay, bao gồm công nghệ mới để xác minh ID và máy quét tại sân bay cho cả hành khách và hành lý. Với công nghệ này, thủ tục gói đồ vệ sinh cá nhân nhỏ, dỡ đồ điện tử và cởi giày và thắt lưng sẽ trở thành chuyện của quá khứ trên toàn quốc.

Ngoài ra, US Travel khuyến nghị nên thuê thêm 2.000 nhân viên Hải quan và Bảo vệ Biên giới để làm việc tại các sân bay. Đồng thời dành 600 triệu USD cho công nghệ ngăn ngừa tình trạng quá hạn thị thực.

 Du khách tại Sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York vào tháng 12/2024. Ảnh: Yuki Iwamura/Bloomberg.

Du khách tại Sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York vào tháng 12/2024. Ảnh: Yuki Iwamura/Bloomberg.

Cũng theo Giám đốc US Travel, ngoài cơ sở hạ tầng lỗi thời, rào cản lớn nhất đối với du lịch đến Mỹ là vấn đề thị thực.

Du khách Ấn Độ có thể mất đến 400 ngày để nhận được cuộc hẹn phỏng vấn xin thị thực đến Mỹ ở Ấn Độ, trong khi đó khách ở Colombia phải chờ đến 700 ngày. Sự chậm trễ này đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu của du lịch Mỹ.

US Travel gợi ý nên đưa ra một dịch vụ kiểm tra riêng biệt, được tài trợ bởi phí thị thực, nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi xuống còn dưới 30 ngày.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn không rõ liệu chính quyền Tổng thống Donald Trump hay Quốc hội có hành động theo bất kỳ khuyến nghị nào trong báo cáo hay không. Bởi cho đến nay, Mỹ đang ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề về hiện đại hóa hệ thống kiểm soát không lưu đang lão hóa.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/world-cup-2026-cung-khong-cuu-noi-du-lich-my-post1533287.html
Zalo