'Wolf Man' - đêm kinh hoàng của người vợ chứng kiến chồng hóa sói
Mang trọng trách tái sinh một nhân vật kinh điển, 'Wolf Man' cần kịch bản ấn tượng hơn, thay vì chỉ là một trải nghiệm kinh dị dễ xem nhưng trôi tuột.
Genre: Kinh dị
Director: Leigh Whannell
Cast: Julia Garner, Christopher Abbott, Sam Jaeger
Rating: 5.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Sau nửa thập kỷ từ thành công của Kẻ vô hình, Leigh Whannell tiếp tục hành trình hồi sinh những tượng đài kinh dị trên màn ảnh rộng với Wolf Man (tựa Việt: Người sói). Không khó nhận thấy tham vọng của Whannell, khi kể lại câu chuyện độc đáo về nỗi lo sợ của con người trước sự biến đổi không thể kiểm soát.
Thế nhưng Wolf Man, dù sở hữu ý tưởng hấp dẫn, lại dần lạc vào lối mòn của những phim kinh dị “đầu voi đuôi chuột”. Tác phẩm cố gắng hiện đại hóa huyền thoại người sói bằng góc nhìn mới về tâm lý, gia đình, song thành quả thực tế lại thiếu sức thuyết phục, khó để lại những dư âm đặc biệt trong mắt khán giả.
Leigh Whannell ‘lạc lối’
Wolf Man lấy bối cảnh một đêm trăng tròn, khi Blake (Christopher Abbott) cùng vợ Charlotte (Julia Garner) và con gái Ginger (Matilda Firth) quyết định chuyển về căn nhà thời thơ ấu nằm sâu trong cánh rừng, nơi năm xưa anh từng sinh sống cùng người cha hà khắc.
Trên đường tìm về căn nhà cũ, cả gia đình chạm trán một sinh vật bí ẩn. May mắn trốn thoát, họ cố gắng cầm cự chờ trời sáng mà không để ý rằng cuộc đụng độ đã khiến Blake bị thương. Trong đêm kinh hoàng ấy, anh dần có những biểu hiện biến đổi kỳ lạ. Điều này vô tình đẩy vợ và cô con gái vào tình thế nguy hiểm chết người.

Wolf Man được khán giả mong chờ sau thành công của The Invisible Man.
Leigh Whannell được biến đến là một nhà làm phim kinh dị đầy ý tưởng, với khẩu vị độc đáo, khó trộn lẫn trên thị trường. Từ Saw (2004) đến The Invisible Man (2020), vị đạo diễn đã chứng minh mình hoàn toàn có thể hô biến những “mẩu chuyện cũ” thành “nỗi ám ảnh hiện đại” một cách tài tình.
Nhưng với Wolf Man (2025), Whannell dường như lạc lối.
Anh mắc kẹt giữa việc kể câu chuyện kinh dị theo công thức truyền thống hay phá cách khi hướng ống kính tới sự giằng co, đấu tranh trong tâm lý nhân vật để giành quyền kiểm soát thân thể một cách tuyệt vọng. Kết cục, chuyện phim trở nên rời rạc và lãng phí ý tưởng, khó tạo được sự cộng hưởng cảm xúc cần thiết.
Sức hút lớn nhất của Wolf Man nằm ở nỗi sợ hãi vô hình về việc mất kiểm soát, nhân tính, đẩy con người đến ranh giới của những lựa chọn khó khăn. Mà tại đó, mỗi quyết định chính là tấm gương phản ánh tính cách, tâm tư nhân vật.
Song thay vì đào sâu khía cạnh ấy, kịch bản phim mới dừng lại ở những lát cắt bề mặt. Khoảnh khắc Blake phát sinh xung đột và đấu tranh giữa tính người và phần thú đang trỗi dậy từ bên trong chỉ được phác họa thoáng qua. Ở khía cạnh khác, mối liên hệ giữa sự biến đổi hiện tại với những vết sẹo từ quá khứ cũng đã bị lãng quên. Chính việc dè dặt khi khám phá những vùng xám đạo đức khiến chuyện phim dần đánh mất sức nặng, không hấp dẫn như mong đợi.
Leigh Whannell, cũng vì vậy mà gây thất vọng khi chưa thể đem tới góc nhìn mới về một hình tượng mang tính kinh điển. Đây cũng là điểm đáng tiếc nhất của kịch bản, bởi truyền thuyết về người sói vốn hàm chứa nhiều tầng nghĩa, từ bản năng hoang dại bị kìm nén, sự giằng xé giữa lý trí và thân thể, hoặc thậm chí là một phép ẩn dụ về bệnh lý tâm thần...
Thế nhưng, rốt cuộc chưa góc nhìn nào được Wolf Man khai thác đến nơi đến chốn.
Dàn cast tròn trịa nhưng thiếu đất tỏa sáng
Tiết tấu Wolf Man khá bất ổn. Phim dành thời lượng lớn xây dựng hành trình biến đổi của nhân vật, song mọi thứ diễn ra chóng vánh khi bước tới cao trào. Sự “ranh ma” của Leigh Whannell khi biết cách kéo dãn bầu không khí căng thẳng đến mức làm người xem nghẹt thở trong Saw hay The Invisible Man nay đã hoàn toàn biến mất.
Thay vào đó, Wolf Man tỏ ra hụt hơi, loay hoay trong việc thúc đẩy nỗi sợ và sự hoảng loạn lên tới đỉnh điểm.

Wolf Man có ngân sách 25 triệu USD.
May mắn thay, màn trình diễn tròn trịa của dàn cast đã phần nào giúp phim gỡ điểm.
Christopher Abbott gây bất ngờ khi mang đến những khoảnh khắc giàu cảm xúc, dù nhân vật còn hạn chế do sự vụng về của kịch bản. Anh thể hiện tốt nét tuyệt vọng của một người đàn ông đang dần đánh mất chính mình, lại nhận thức được việc có thể phải vĩnh viễn phải rời xa vợ con - vốn là chỗ dựa tinh thần duy nhất cho nhân vật giữa thế giới khắc nghiệt.
Abbott cũng tái hiện rõ nét sự bất an, hoang mang khi Blake biến đổi, phải vật lộn với bản năng hoang dã và sự thèm khát bạo lực. Tuy nhiên, kịch bản phim lại chưa tạo đủ không gian để nam diễn viên làm chủ quá trình phát triển của nhân vật. Sự chuyển biến của Blake tỏ ra đột ngột, gấp rút, thiếu sự tích lũy cảm xúc cần thiết.
Thông thường, đường dây tâm lý nhân vật trong một kịch bản kinh dị ấn tượng phải trải qua đủ cung bậc từ ngờ vực, sợ hãi, hoảng loạn, chối bỏ, tuyệt vọng và chấp nhận cho tới đấu tranh... Ở Wolf Man, giai đoạn tuyệt vọng và chối bỏ xảy ra chóng vánh, nên sự thay đổi của nhân vật ở nửa sau thiếu tính chặt chẽ.
Đặt cạnh Christopher Abbott, người vợ Charlotte dưới màn hóa thân của Julia Garner cũng tạo ấn tượng với nhiều cảnh tâm lý căng thẳng. Dẫu vậy, tương tự người chồng, nhân vật cũng không có đủ đất diễn để tỏa sáng. Charlotte đáng lẽ là một “điểm tựa” cảm xúc mạnh mẽ, khắc họa sự giằng xé giữa yêu thương và sợ hãi, khi vừa chứng kiến sự thay đổi kinh hoàng của chồng, vừa phải đối diện với nỗi bất an về tính mạng của bản thân và đứa con.
Song thực tế, nhân vật thiếu những phân cảnh đủ ấn tượng để làm rõ chuyển biến tâm lý.

Leigh Whannell gây thất vọng với Wolf Man.
Xét trên khía cạnh kinh dị, Wolf Man chỉ dừng lại ở mức trung bình khá, chưa cho thấy những phát hiện về chất liệu đặc biệt. Phim ghi điểm ở khâu thiết kế âm thanh, tạo bầu không khí rùng rợn khá hiệu quả. Một số cảnh body-horror (kinh dị thể xác) để lại ấn tượng thị giác mạnh, đơn cử như khi Blake tự ăn chính mình hay cắt chân để thoát khỏi chiếc bẫy gấu...
Whannell vẫn trung thành với bối cảnh tối, cùng những góc máy hẹp tạo cảm giác bức bối, ngột ngạt. Tuy nhiên, ngôn ngữ quay phim này không còn quá đặc biệt, mới mẻ. Bên cạnh đó, tạo hình người sói an toàn, đơn điệu ít nhiều gây hụt hẫng. Theo nhà sản xuất tiết lộ, thay vì tiếp cận CGI, ê-kíp chọn sử dụng 100% kỹ thuật truyền thống, như một cách tôn vinh những kỹ thuật làm phim xưa và đẩy mạnh yếu tố kinh dị thể xác đang tạo cơn sốt trở lại trên màn ảnh rộng thời gian gần đây.
Wolf Man nhìn chung có ý tưởng không tệ, lại cho thấy tham vọng của đạo diễn song thiếu đi sự sắc bén, quyết liệt trong cách thực hiện. Mang trọng trách tái sinh một nhân vật kinh điển, đứa con tinh thần của Leigh Whannell cần kịch bản ấn tượng hơn, thay vì chỉ là một trải nghiệm kinh dị dễ xem, nhưng trôi tuột.