WHO: Tăng thuế rượu bia thường xuyên, Việt Nam có lợi đôi đường
WHO cũng khuyến cáo, Việt Nam cần tăng thuế rượu bia thường xuyên và đây là biện pháp có lợi đôi đường, vừa giúp giảm tiêu thụ, tốt cho sức khỏe, và tăng thu thuế cho chính phủ.
Vì thế, để giảm sử dụng, giảm bệnh tật và tử vong, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo “Sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe” vào ngày 20/9, với sự tham gia của đại diện nhiều ban, ngành và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Healtbridge Canada.
Hội thảo nhằm đánh giá đúng hậu quả nặng nề của việc sử dụng thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường, đề xuất giải pháp ngăn chặn bằng thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây cũng là bước cần thiết trước khi Quốc hội thảo luận về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt vào tháng 10/2024.
Tại hội thảo, bà Đinh Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế - cho biết: Gánh nặng bệnh tật do rượu bia, đồ uống có đường, nhất là thuốc lá ở Việt Nam khá nặng nề. Một trong những nguyên nhân là do mức giá và thuế thuốc lá còn thấp. Do đó, để đảm bảo sức khỏe người dân, các nghị quyết của BCH Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều đề nghị nghiên cứu tăng thuế để giảm tiêu dùng cho người dân và Bộ Tài chính đã luôn bám sát các chỉ đạo này để xây dựng chính sách.
Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ và đánh giá cao dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi lần này, đặc biệt là tăng thuế rượu, bia, thuốc lá và bổ sung thuế đồ uống có đường.
Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá và rượu bia
Với bài trình bày “Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi ở Việt Nam: đánh giá các phương án thuế, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của WHO”, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam - nhấn mạnh: Thuốc lá cực kỳ có hại cho sức khỏe, là nguyên nhân gây nên các bệnh có tỉ lệ tử vong hàng đầu như ung thư… và hàng loạt bệnh mạn tính như đột quỵ, bệnh mạch vành, phổi tắc nghẽn mạn tính vv…
Bác sĩ Lâm nhấn mạnh: Thu thuế từ thuốc lá ở Việt Nam chỉ khoảng 20 tỷ đồng/năm, nhưng chi phí y tế cho các bệnh do thuốc lá gây ra tới 108 tỷ đồng/năm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy thuế thuốc lá là biện pháp chính để giảm cầu, nhưng thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp.
Ông Lâm dẫn chứng: Thái Lan và Philippines tăng thuế thuốc lá đã dẫn đến giảm tiêu dùng và tăng thu ngân sách.
Trước ý kiến cho rằng tăng thuế thuốc lá sẽ làm giảm số lao động và tăng buôn lậu thuốc lá, ông Lâm dẫn chứng từ số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê và khẳng định lao động trong ngành công nghiệp thuốc lá đã giảm đáng kể trong 10 năm qua, không liên quan tới sản lượng. Thị phần thuốc lá lậu đã giảm trong cả những năm tăng thuế: Tỷ lệ thuốc lá lậu năm 2012 là 20,7%, năm 2015 và 2017 tăng thuế, nhưng thuốc lá lậu giảm lần lượt còn 16,9 và 13,6%. Rõ ràng, việc tăng thuế thuốc lá không tác động đến vấn đề buôn lậu.
Cũng theo ông Lâm, trong khi việc sử dụng rượu bia trên thế giới giảm thì tiêu thụ rượu bia tăng nhanh tại Việt Nam. Năm 2010, một người Việt Nam tiêu thụ trung bình 6,6 lít cồn nguyên chất, năm 2019 tăng lên 9.3 lít.
Tỷ lệ thuận với sử dụng rượu bia là tỷ lệ tử vong: Rượu bia gây ra 46.000 ca tử vong mỗi năm, chiếm hơn 6% tổng số ca tử vong ở Việt Nam, là nguyên nhân gây ra rối loạn tâm thần, xơ gan, tim mạch, ung thư, nhiễm trùng vv…Để giảm số người tử vong và bệnh tật, thuế tiêu thụ đặc biệt là biện pháp hiệu quả để giảm sử dụng rượu bia. Tăng thuế gia tăng 10% sẽ làm giảm khoảng 5% tiêu thụ rượu bia.
WHO cũng khuyến cáo: Việt Nam cần tăng thuế rượu bia thường xuyên và đây là biện pháp có lợi đôi đường, vừa giúp giảm tiêu thụ, tốt cho sức khỏe, và tăng thu thuế cho chính phủ.
WHO khuyến nghị Việt Nam nên xem xét áp dụng lộ trình thuế đồ uống có đường để đạt mức thuế chiếm 20% giá bán lẻ (tức là tăng 40% giá bán ra của nhà sản xuất) theo khuyến nghị của WHO toàn cầu, để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai.
Vừa tăng thuế vừa tăng cường kiểm soát buôn lậu
Với báo cáo “Những quan ngại về tăng thuế thuốc lá và sự thật”, chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn chỉ ra: Lo ngại về việc làm khi tăng thuế thuốc lá là thiếu cơ sở và bị phóng đại. Vì việc làm trong ngành thuốc lá có tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm 0.39% đến 0.42% tổng việc làm trong nền kinh tế và ngày càng giảm, do cải tiến công nghệ.
Ông Sơn cũng chỉ ra ngành công nghiệp thuốc lá thường phóng đại mức độ buôn lậu thông qua tài trợ nghiên cứu và truyền thông, trong khi các bằng chứng quốc tế không khẳng định tăng thuế làm tăng buôn lậu. Tại Việt Nam, thuốc lá lậu thậm chí đắt hơn và thể hiện gu dùng riêng.
WHO đã phân tích số liệu từ 94 nước và khẳng định không có mối liên quan rõ ràng giữa tình trạng buôn lậu thuốc lá và giá thuốc lá. Tại các nước có giá thuốc lá thấp, buôn lậu còn nhiều hơn so với những nước có mức giá và thuế cao (như ở Ethiopia, Pakistan, Brazil có giá trung bình thuốc lá từ 0.55-1.3 USD và thị phần buôn bán thuốc lá lậu ở mức từ 33%-46%).
Ngược lại, nhiều nước có giá thuốc lá cao lại có thị phần buôn lậu thấp (như Hàn Quốc, Séc, Sri Lanka có giá trung bình thuốc lá từ 4 USD-7 USD/bao và thị phần thuốc lá lậu là từ 0.8-2.9).
Ngân hàng Thế giới cũng khuyến cáo: “Bằng chứng từ nhiều quốc gia cho thấy tăng thuế thuốc lá làm tăng thu ngân sách và giảm tiêu dùng.”
“Do đó, giải pháp là vừa tăng thuế vừa tăng cường kiểm soát buôn lậu” - ông Sơn kiến nghị.
Ông Sơn cũng cho rẳng việc tăng thuế chậm sẽ không đủ hiệu quả làm giảm tiêu dùng thuốc lá hợp pháp và tiêu dùng thuốc lá lậu cũng không giảm. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá hợp pháp, đồng thời, kiểm soát buôn lậu sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá lậu.
Dựa trên kinh nghiệm của các nước và phân tích tình hình thực tế, chuyên gia Đào Thế Sơn kiến nghị: Việt Nam nên áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2026 với thành phần thuế tuyệt đối bổ sung để chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp. Thành phần thuế tuyệt đối cần tăng hằng năm chống sói mòn do lạm phát, thu nhập nhằm đảm bảo sức mua thuốc lá giảm. Để đảm bảo mục tiêu giảm tỷ lệ thuốc lá theo chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại thuốc lá thì cần phải tăng thuế theo lộ trình khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO.
Cần áp thuế với đồ uống có đường
Trong báo cáo “Tác hại tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường và một số thông tin liên quan đến đồ uống có đường”, PGS. TS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng - nhấn mạnh tác hại của đồ uống có đường là nguy cơ thừa cân béo phì, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não và sa sút trí tuệ … Tiêu thụ nước giải khát có liên quan đáng kể đến thừa cân, béo phì và tiểu đường trên toàn thế giới, kể cả ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Tổng Điều tra dinh dưỡng 2010, 2020 ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh chóng. Tỷ lệ đái tháo đường tuýp 2, rối loạn chuyển hóa, tim mạch đang gia tăng.
Bà Mai nhấn mạnh khuyến cáo của WHO: Lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người nên giảm xuống dưới 5% năng lượng/ngày để có lợi cho sức khỏe. Trẻ em dưới 2 tuổi KHÔNG nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống có đường.
Cũng theo WHO, tăng 10% giá đồ uống có đường qua thuế có thể làm giảm 10-11% mức tiêu thụ, từ đó, giảm thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Bộ Y tế: Cần tăng thuế thuốc lá, rượu bia và áp thuế đồ uống có đường
Dựa trên phân tích của các đại biểu về sự cần thiết phải tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm có hại cho sức khỏe, bà Hoàng Thị Thu Hương - Vụ Pháp chế Bộ Y tế - khẳng định quan điểm của Bộ này: Tăng thuế thuốc lá, rượu bia và áp thuế đồ uống có đường là phù hợp với quan điểm của Đảng và nhà nước.
Mức thuế đề xuất là phù hợp với khuyến cáo của WHO và thực trạng của Việt Nam. Tăng thuế được đề xuất trên cơ sở cân đối, hài hòa lợi ích của các chủ thể: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe và phát triển bền vững của đất nước.
Bộ Y tế đề xuất: Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thuốc lá và đạt được tỷ trọng thuế theo khuyến cáo của WHO, mức thuế tuyệt đối cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao và đạt 15.000 đồng/1 bao (20 điếu/1 bao) vào 2030 bên cạnh thuế tỷ lệ 75%. Phương án này sẽ giúp đạt tỷ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO (70-75% giá bán lẻ), và giúp giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030.
Bộ Y tế nhất trí với phương án 2 về mức thuế và lộ trình tăng thuế đối với mặt hàng rượu, bia của Bộ Tài chính tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Bộ Y tế cũng đề nghị áp thuế suất 40% đối với nước giải khát có đường (hoặc 30% sau tăng lên 40% theo lộ trình) và có thể chia theo hàm lượng đường để có mức thuế khác nhau tương tự như nhiều nước đang áp dụng.