WHO nói gì về những bức thư công ty thuốc lá gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế?

'Việc sử dụng thuốc lá nung nóng không làm giảm tỷ lệ mắc bệnh mãn tính liên quan đến hút thuốc, và các tuyên bố giảm tác hại chỉ là các chiến thuật tiếp thị được sử dụng để bẫy người dùng nhất là những người trẻ tuổi' - WHO nêu quan điểm.

 TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - hoan nghênh Chính phủ Việt Nam ban hành kịp thời Công điện hỏa tốc ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - hoan nghênh Chính phủ Việt Nam ban hành kịp thời Công điện hỏa tốc ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

5/9 người ký đơn quan hệ mật thiết với ngành công nghiệp thuốc lá

Cuối tháng 5/2024, một bức thư ngỏ của Công ty Asia do một nhóm chuyên gia và nhà nghiên cứu chăm sóc sức khỏe ký tên, gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, kêu gọi Việt Nam cung cấp các lựa chọn thay thế cho thuốc lá thông thường bằng thuốc lá nung nóng.

Ngày 19/6, Công ty thuốc lá Philip Morris International cũng gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với quan điểm thuốc lá nung nóng là "lựa chọn thay thế tốt hơn cho thuốc lá điếu”.

Tuy nhiên, WHO cho biết Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (CTFK) và WHO đã phát hiện hầu hết những người ký tên vào thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là những người tích cực vận động hành lang cho thuốc lá điện tử và thuốc thuốc lá nung nóng.

Đặc biệt, 5 người trong số này có quan hệ mật thiết với ngành công nghiệp thuốc lá. Đó là: TS. Hiroya Kumamaru (Phó giám đốc Bệnh viện Hoàn vũ AOI, Nhật Bản) - người đã có bài phát biểu tại Diễn đàn toàn cầu về thuốc lá và nicotine năm 2023 do ngành công nghiệp thuốc lá tổ chức thường niên; là thành viên Nhóm cố vấn của Liên minh những người ủng hộ giảm hại thuốc lá châu Á - Thái Bình Dương (CAPHRA).

CAPHRA là thành viên của Mạng lưới các tổ chức tiêu dùng nicotine quốc tế (INNCO), một mạng lưới quốc tế quảng bá thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. INNCO đã nhận tài trợ từ Quỹ Vì một thế giới không khói thuốc (nay gọi là Quỹ Hành động toàn cầu để chấm dứt hút thuốc), do công ty thuốc lá Philip Morris International thành lập và tài trợ.

 Hàng loạt học sinh ở Quảng Ninh nhập viện cấp cứu sau khi dùng thuốc lá mới

Hàng loạt học sinh ở Quảng Ninh nhập viện cấp cứu sau khi dùng thuốc lá mới

Người thứ hai là GS. Amaliya (Khoa Nha khoa, Đại học Padjadjaran, Indonesia; thành viên Liên minh không Hắc ín Indonesia (KABAR). Đáng nói là PT HM Sampoerna Tbk - một công ty con của Philip Morris International và là nhà sản xuất thuốc lá nung nóng - đã tài trợ cho KABAR.

Người thứ ba là BS. Fernando Fernandez (Tổng Thư ký Liên đoàn Nha khoa châu Á - Thái Bình Dương), thành viên Nhóm cố vấn của CAPHRA.

Thứ tư là GS. Jay P Jazul (người điều phối chính Liên minh Giảm hại của Philippines (HARAP) - nằm trong Nhóm cố vấn của CAPHRA.

Thứ năm là TS. Lorenzo Mata, Jr. - Chủ tịch Quit for Good - nơi tích cực tham gia với các tổ chức liên kết trong ngành thuốc lá như CAPHRA, HARAP và Hiệp hội Quốc tế về Kiểm soát hút thuốc và Giảm tác hại. Quit for Good đã chỉ trích lập trường của WHO về TLĐT, kêu gọi "cách tiếp cận giảm tác hại".

WHO lưu ý rằng những người ký tên trong bức thư có mối liên hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp thuốc lá, nên nếu Bộ trưởng hoặc Bộ Y tế chấp nhận họp với họ là vi phạm Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO, trong đó quy định cần ngăn ngừa sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá trong hoạch định chính sách về kiểm soát thuốc lá. Mà Việt Nam đã phê chuẩn FCTC của WHO năm 2004 và trở thành một bên Công ước từ 2005.

WHO nhấn mạnh: Hành động này sẽ vi phạm Điều 5.3 FCTC của WHO và Hướng dẫn thực hiện điều này: "Ngành công nghiệp thuốc lá không thể là đối tác trong bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến việc xây dựng hay triển khai chính sách y tế công cộng, vì lợi ích của nó xung đột trực tiếp với mục tiêu của y tế công cộng."

WHO phản bác 8 luận điểm

WHO đã phân tích về 8 luận điểm trong bức thư gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam:

Luận điểm 1: Trong khi thừa nhận rằng các sản phẩm thay thế "không hoàn toàn an toàn và vẫn chứa hóa chất độc hại", thì bức thư cho rằng các sản phẩm này "ít gây hại hơn nhiều so với việc tiếp tục hút thuốc" và "ít hóa chất độc hại hơn nhiều so với thuốc lá thông thường" trích dẫn các nguồn của WHO/IARC.

Trước ý kiến này, WHO lưu ý rằng bức thư ủng hộ việc quản lý thuốc lá nung nóng như một biện pháp giảm tác hại, nhưng trong các tài liệu tham khảo, thì các bằng chứng đưa ra lại chủ yếu liên quan đến sản phẩm thuốc lá điện tử, chứ không phải thuốc lá nung nóng.

Trong tài liệu tham khảo đầu tiên được đề cập trong bức thư để minh chứng cho luận điểm này, các tác giả đã phớt lờ sự thật là trong trang web của mình ngay ở đầu báo cáo được trích dẫn IARC đã nêu rõ rằng IARC tán thành tuyên bố của WHO dựa trên bằng chứng khoa học mới nhất.

Tuyên bố mới nhất của WHO nhấn mạnh rằng: Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự rủi ro khi sử dụng thuốc lá điện tử hoặc thuốc lá nung nóng, như loại và đặc điểm sản phẩm, cách sử dụng, tần suất sử dụng, cách sản xuất, ai đang sử dụng, hành vi của người dùng (phong cách hít khói) và các đặc tính của sản phẩm có thể bị thao túng sau bán hàng.

Thứ hai, độc tính không phải là yếu tố duy nhất trong việc xem xét rủi ro cho con người do tiếp xúc với khói của thuốc lá điện tử, mà bao gồm khả năng trẻ em và thanh thiếu niên lạm dụng sản phẩm (nếu không có thuốc lá điện tử thì họ sẽ không sử dụng thuốc lá), sử dụng đồng thời các sản phẩm thuốc lá khác; sử dụng các sản phẩm thuốc lá có khói sau khi thử nghiệm thuốc lá điện tử.

Sử dụng kép hiện là hình thức phổ biến và nguy hiểm hơn so với hút thuốc lá thông thường hay chỉ sử dụng thuốc lá điện tử. Hơn nữa, không phải tất cả các loại thuốc lá điện tử đều giống nhau nên rủi ro đối với sức khỏe rất đa dạng.

Đặc biệt, WHO cho rằng tài liệu tham khảo thứ hai được đề cập trong bức thư đã bỏ qua điểm quan trọng trong báo cáo đó là: "Số loại, hàm lượng và đặc điểm của các chất độc hại tiềm tàng trong khói thuốc lá điện tử có nicotin và không có nicotin rất khác nhau, phụ thuộc vào đặc tính của sản phẩm (gồm các tính năng thiết bị và dung dịch thuốc lá điện tử) và cách người dùng vận hành thiết bị".

Điều đó có nghĩa là tài liệu này không đưa ra kết luận rằng các hóa chất trong thuốc lá điện tử ít hơn, như lập luận mà phía công ty nêu trong lá thư.

 Học sinh nhập viện vì dùng thuốc lá mới. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Học sinh nhập viện vì dùng thuốc lá mới. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Luận điểm 2: Bức thư trích dẫn một nghiên cứu độc lập vào năm 2021 rằng việc sử dụng thuốc lá điện tử hiện đại có thể "làm giảm tác hại cho sức khỏe chỉ còn một phần ba" so với thuốc lá thông thường.

WHO nhấn mạnh rằng trong nghiên cứu được đề cập này, đối tượng nghiên cứu là thuốc lá điện tử, chứ không phải thuốc lá nung nóng. Nghiên cứu trên chỉ rõ rằng tuyên bố về tác hại này nằm trong "bối cảnh quốc gia có thu nhập cao", dựa trên "số lượng nghiên cứu dấu ấn sinh học hạn chế", xem xét "bốn trong số nhiều nhóm bệnh chính do hút thuốc lá gây ra".

Tuy nhiên, bài báo này đã được cải chính vào năm 2022 và tuyên bố rằng các tác giả công nhận là đã có những hạn chế và giả định rất có vấn đề được sử dụng với dữ liệu và phương pháp của họ và không cho phép đưa ra những đánh giá định lượng và kết luận hợp lệ, và họ kết luận rằng "còn quá sớm để đưa ra các ước tính định lượng về tác hại tương đối đối với sức khỏe từ việc sử dụng TLĐT hiện đại (vaping) so với hút thuốc lá thông thường"

Luận điểm 3: Bức thư cho rằng một lệnh cấm hoàn toàn sẽ "làm tăng buôn lậu và hàng giả của các sản phẩm thuốc lá thay thế ".

Nhưng WHO phân tích rằng đây là một lập luận điển hình của ngành công nghiệp thuốc lá được sử dụng chống lại chính sách cấm và nhiều biện pháp kiểm soát thuốc lá khác. Không có bằng chứng cho thấy việc cấm các sản phẩm thay thế làm tăng buôn lậu. Trên thực tế, ở hầu hết các quốc gia nơi sử dụng thuốc lá là hợp pháp (không bị cấm), thì việc buôn lậu sản phẩm này vẫn diễn ra.

Hơn nữa, khi có lệnh cấm, rất dễ nhận biết bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường đều là sản phẩm lậu. Tuy nhiên, khi có sản phẩm hợp pháp trên thị trường, rất khó để phân biệt giữa sản phẩm hợp pháp và hàng nhập lậu, hay hàng giả.

Luận điểm 4: Bức thư tuyên bố rằng "kết quả cuối cùng của việc hợp pháp hóa và quản lý các sản phẩm thay thế là cai thuốc lá".

Tuy nhiên, đánh giá mới nhất của WHO kết luận rằng thuốc lá nung nóng không thể thay thế hoàn toàn cho thuốc lá thông thường, vì ở Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi thuốc lá nung nóng đã thâm nhập khá sâu vào thị trường, phần lớn người dùng thuốc lá nung nóng vẫn tiếp tục sử dụng thuốc lá thông thường. Dữ liệu có sẵn không cho thấy những người sử dụng thuốc lá nung nóng chuyển hẳn sang sử dụng các sản phẩm này, ngược lại, hầu hết trở thành người dùng kép (cả thuốc lá nung nóng và thuốc lá thông thường) và không làm giảm nguy cơ từ các sản phẩm thuốc lá.

Luận điểm 5: Bức thư trích dẫn việc phê chuẩn của FDA Hoa Kỳ cho sản phẩm thuốc lá nung nóng là sản phẩm thay đổi mức rủi ro, và tuyên bố rằng "những sản phẩm này làm giảm đáng kể việc sản xuất các hóa chất độc hại" và "có những nghiên cứu khoa học cho thấy rằng việc chuyển đổi hoàn toàn từ thuốc lá thông thường sang thuốc lá nung nóng làm giảm tiếp xúc với các hóa chất độc hại hoặc có khả năng gây hại". Bức thư cũng đề cập đến Nhật Bản như một ví dụ nơi tỷ lệ hút thuốc thông thường đã giảm với sự gia tăng sử dụng thuốc lá nung nóng.

Về vấn đề này, WHO cho hay: FDA Hoa Kỳ phê duyệt về việc thay đổi mức rủi ro nhưng hoàn toàn không phê duyệt các sản phẩm này là các sản phẩm “giảm hại", do đó không cho phép các sản phẩm được tuyên bố là an toàn hơn hoặc ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá khác.

Phân tích của WHO về việc đánh giá khi cấp phép sản phẩm thay đổi mức rủi ro của FDA Hoa Kỳ cho thấy đánh giá này đã không tính đến 80 thành phần khác được tạo ra nồng độ cao hơn trong khói tỏa thuốc lá nung nóng hoặc các hóa chất khác mà không có trong khói thuốc lá thông thường. Độc tính của nhiều thành phần hóa chất mới này chưa được biết, nên dự báo rủi ro tổng thể là không thể xác định được.

Một đánh giá Cochrane năm 2022 đánh giá hiệu quả và an toàn của thuốc lá nung nóng trong cai thuốc lá cho biết: "Mức giảm doanh số bán thuốc lá thông thường dường như lên sau khi thuốc lá nung nóng ra mắt ở Nhật Bản, nhưng chúng tôi không chắc liệu điều này có phải do mọi người chuyển từ thuốc lá điếu sang thuốc lá nung nóng hay không".

 Lực lượng công an thu giữ nhiều sản phẩm thuốc lá mới chứa ma túy

Lực lượng công an thu giữ nhiều sản phẩm thuốc lá mới chứa ma túy

Luận điểm 6: Một nghiên cứu do Ủy ban Cố vấn Khoa học Anh về Độc chất, Ung thư và Đột biến của Bộ Y tế Vương quốc Anh thực hiện đã được trích dẫn để tuyên bố rằng "các chất độc, chất gây hại hoặc có khả năng gây hại với sức khỏe con người (HPHC) trong khói tỏa của thuốc lá nung nóng đã giảm 50-90% so với thuốc lá thông thường."

Phản bác quan điểm này, WHO phân tích: Thứ nhất, đánh giá trên chỉ dựa trên dữ liệu từ hai sản phẩm và dữ liệu được cung cấp bởi các nhà sản xuất. Do đó, nó không phải là dữ liệu độc lập.

Hai sản phẩm được xem xét có đặc tính rất khác nhau. Trong một sản phẩm "thuốc lá chế biến được làm nóng trực tiếp để tạo ra hơi", đối với sản phẩm khác "thiết bị tạo ra hơi từ các nguồn không phải thuốc lá, sau đó hơi đó được truyền qua sợi thuốc lá đã chế biến để tạo hương vị cho hơi". Điều đó có nghĩa là sản phẩm thứ hai là một loại sản phẩm lai (giữa thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử). Trong sản phẩm này, vai trò của thuốc lá chỉ là hương vị.

Nghiên cứu cũng thừa nhận "những lỗ hổng trong thông tin có sẵn và sự không chắc chắn trong mối quan hệ đáp ứng liều của các hóa chất và tác động sức khỏe bất lợi tiềm ẩn", do đó những rủi ro liên quan đến việc sử dụng thuốc lá nung nóng không thể định lượng được.

Nghiên cứu cũng lưu ý rằng thuốc lá nung nóng "được thiết kế để cung cấp mức nicotin tương tự như thuốc lá thông thường, do đó không làm giảm phơi nhiễm nicotin hoặc khả năng nghiện nicotin".

Luận điểm 7. Bức thư trích dẫn nghiên cứu do Viện Y tế Công cộng Quốc gia (NIPH) Nhật Bản thực hiện năm 2017 và tuyên bố rằng nghiên cứu này đã đánh giá liệu "thuốc lá nung nóng có gây ra tác hại tương tự như khói thuốc lá thông thường hay không" và nghiên cứu cho thấy nồng độ nitrosamine và carbon monoxide trong thuốc lá nung nóng thấp hơn so với thuốc lá thông thường.

WHO nhấn mạnh rằng nghiên cứu năm 2017 của NIPH Nhật Bản đã đánh giá nồng độ các chất có hại, không phải tác động. Nghiên cứu kết luận rằng "mặc dù nó có nồng độ thấp, các hợp chất độc hại chắc chắn được bao gồm trong khói tỏa của iQOS (là một sản phẩm thuốc lá nung nóng)."

Luận điểm 8: Bức thư tuyên bố rằng Việt Nam nên cung cấp các sản phẩm thuốc lá thay thế có chứa "hóa chất độc hại và có khả năng gây hại ít hơn 95%" cho "những người hút thuốc không có ý định bỏ thuốc", trích dẫn báo cáo của Public Health England ban hành năm 2015.

Tuy nhiên, WHO cho biết báo cáo này là về thuốc lá điện tử, không phải về thuốc lá nung nóng mà bức thư này đang ủng hộ.

Tuyên bố "ít gây hại hơn 95%" đã bị cộng đồng y tế công cộng chỉ trích nặng nề; một bài xã luận được xuất bản trên tạp chí Uy tín Lancet gọi báo cáo này dựa trên một "nền tảng cực kỳ mong manh" với "gần như hoàn toàn không có bằng chứng". Ngoài ra, 2 trong số 5 tác giả của ấn phẩm đưa ra tuyên bố này, là chuyên gia tư vấn của các công ty thuốc lá.

 Lực lượng chức năng phát hiện thuốc lá điện tử nhập lậu vào Việt Nam

Lực lượng chức năng phát hiện thuốc lá điện tử nhập lậu vào Việt Nam

Chiến thuật tiếp thị để bẫy người dùng

Sau khi gửi thư ngỏ cho Thủ tướng, ngày 19/6, Công ty thuốc lá Philip Morris International đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan để trình bày "dữ liệu và bài học toàn cầu về thuốc lá nung nóng" và chia sẻ quan điểm của họ, tuyên bố rằng thuốc lá nung nóng là "lựa chọn thay thế tốt hơn cho thuốc lá điếu tiên tiến nhất và được chứng minh khoa học tốt hơn".

Bức thư này đi kèm với các phụ lục tóm tắt bằng chứng, trích dẫn nhiều nghiên cứu tương tự đã trích dẫn trong bức thư ngỏ gửi Thủ tướng và tuyên bố rằng "mức giảm trung bình của các hóa chất độc hại là 90-95% so với thuốc lá" và FDA Hoa Kỳ kết luận rằng việc giới thiệu (IQOS) vào thị trường Mỹ sẽ phù hợp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Họ cũng tuyên bố rằng "những lo ngại được nêu ra xung quanh việc sử dụng các sản phẩm này bởi thanh thiếu niên không được quan sát thấy liên quan đến thuốc lá nung nóng.

Trước những thông tin trên, WHO chỉ ra: Một số nghiên cứu đã được trích dẫn để hỗ trợ lập luận của họ về việc giảm mức độ hóa chất độc hại. Tuy nhiên, trên thực tế những nghiên cứu này không xác nhận giảm tác hại đối với sức khỏe và một số tài liệu trích dẫn trên thực tế đã thừa nhận là thiếu bằng chứng.

Một báo cáo của WHO được đệ trình lên Hội nghị các bên tham gia FCTC lưu ý rằng bằng chứng hiện tại chủ yếu được đưa ra bởi ngành công nghiệp thuốc lá - tức là không đảm bảo tính độc lập: "Một đánh giá có hệ thống các tài liệu khoa học về các thử nghiệm lâm sàng can thiệp được công bố tháng 4/2022 đã xác định 29 trong 40 thử nghiệm liên quan đến ngành công nghiệp thuốc lá".

Báo cáo tương tự của WHO cũng tuyên bố rằng "bằng chứng hiện tại không đủ để hỗ trợ các tuyên bố giảm phơi nhiễm của thuốc lá nung nóng cũng như không đủ để hỗ trợ kết luận về giảm rủi ro hoặc giảm tác hại của thuốc lá nung nóng.

Dữ liệu cho thấy không có sự cải thiện trong một số chỉ số về phổi và tim mạch và tỷ lệ sử dụng kép cao ở những người tham gia nghiên cứu chuyển đổi.

Do đó, việc sử dụng thuốc lá nung nóng của người hút thuốc không làm giảm tỷ lệ mắc bệnh mãn tính liên quan đến hút thuốc, và các tuyên bố giảm tác hại chỉ đơn giản là các chiến thuật tiếp thị được sử dụng để bẫy người dùng tiềm năng bao gồm cả những người trẻ tuổi.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/who-noi-gi-ve-nhung-buc-thu-cong-ty-thuoc-la-gui-thu-tuong-va-bo-truong-y-te-post177045.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo