WHO nói 'COVID-19 chưa buông tha chúng ta', kêu gọi hợp lực đối phó Omicron bằng vắc xin
Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ sẽ đối phó với biến thể Omicron bằng vắc xin và liều tăng cường. Cùng lúc đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tha thiết kêu gọi các quốc gia giải quyết tình trạng phân phối vắc xin thiếu bình đẳng để nhanh chóng chấm dứt đại dịch.
Một phụ nữ ngồi theo dõi sau tiêm vắc xin ở thành phố Quezon (Philippines) ngày 29/11. Ảnh: AP
Không cần phong tỏa
Phát biểu ngày 29/11, Tổng thống Joe Biden cho biết việc biến thể mới Omicron lan đến Mỹ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không đối phó với Omicron bằng biện pháp phong tỏa diện rộng. “Biến thể này chỉ đáng quan ngại chứ không phải là lí do để chúng ta hoảng sợ”, ông Biden nói.
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, Mỹ có các công cụ cần thiết để bảo vệ công dân nước này, đặc biệt là các loại vắc xin và mũi tiêm tăng cường. Khi Omicron lan đến Mỹ, “chúng ta sẽ đối mặt với nó giống như những gì chúng ta đã làm với những biến thể trước đó”. “Nếu người dân đã được tiêm phòng và duy trì đeo khẩu trang thì chúng ta không cần thiết phải phong tỏa”, ông Biden nói.
Để hạn chế tối đa tác động của biến thể Omicron, Tổng thống Biden kêu gọi khoảng 80 triệu người Mỹ từ 5 tuổi trở lên chưa tiêm vắc xin hãy lập tức đi tiêm phòng, trong khi những người còn lại cần nhanh chóng tiêm liều tăng cường sáu tháng sau liều thứ hai. Ông cũng khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở tất cả các không gian trong nhà.
Từ ngày 29/11, Mỹ bắt đầu hạn chế tiếp nhận người từ Nam Phi và bảy quốc gia châu Phi khác. Quyết định này sẽ giúp Mỹ có thêm vài tuần để chuẩn biện pháp đối phó trong bối cảnh các nhà khoa học đang cần thêm thời gian tìm hiểu biến thể Omicron.
Đến thời điểm hiện tại, giới chuyên gia mới chỉ xác nhận điểm khác biệt lớn nhất của Omicron so với các biến thể khác là tăng nguy cơ tái nhiễm. Nghĩa là những người từng mắc COVID-19 có thể dễ dàng tái nhiễm Omicron. Biến thể này có số lượng đột biến cao chưa từng thấy, với khoảng 30 đột biến ở riêng protein gai, có thể giúp virus dễ dàng bám vào tế bào cơ thể người.
Tuy nhiên, theo Alexey Agranovsky - Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Mátxcơva, Omicron có khả năng sẽ không nguy hiểm như Delta - biến thể từng làm tăng mạnh số người chết.
Giáo sư Agranovsky thừa nhận: “Omicron thực sự bất thường vì nó có quá nhiều đột biến. Về lý thuyết, việc này có thể gây ra một số hậu quả, như biến thể Omicron có thể tránh được vắc xin và dễ lây nhiễm hơn".
“Nhưng hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy Omicron nguy hiểm hơn Delta hoặc có thể soán ngôi của Delta - biến thể đang chiếm ưu thế trên toàn cầu. Trong số hàng chục ca nhiễm Omicron được phát hiện đến nay, chưa có ca tử vong nào được ghi nhận”, ông Agranovsky nói.
Trên thực tế, một số biến thể trước đó - ví dụ Beta - từng buộc giới khoa học phải gióng chuông cảnh báo, nhưng cuối cùng không lan rộng như Delta. “Do đó, ở thời điểm hiện tại chưa có lý do gì để chúng ta hoảng loạn”, ông Agranovsky nói.
Cập nhật vắc xin
Để đối phó hiệu quả hơn với biến thể mới, nhiều hãng dược lớn như Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson đã bắt đầu đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất loại vắc xin đặc hiệu chống lại Omicron.
Pfizer cho biết tập đoàn này có thể sản xuất và phân phối phiên bản nâng cấp của vắc xin COVID-19 trong vòng 100 ngày, nếu biến thể mới Omicron có khả năng kháng các loại vắc xin hiện tại. "Pfizer và BioNTech đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước để có thể nhanh chóng điều chỉnh vắc xin mRNA trong vòng 6 tuần và xuất xưởng các lô đầu tiên trong vòng 100 ngày trong trường hợp có biến thể kháng lại vắc xin cũ", công ty cho biết trong một tuyên bố.
Paul Burton - một lãnh đạo của tập đoàn Moderna cho biết vắc xin ngừa COVID-19 phiên bản cải tiến chống lại Omicron có thể ra mắt sớm nhất vào đầu năm 2022 nếu cần thiết. “Điểm đặc biệt của vắc xin mRNA là có thể được cải tiến rất nhanh. Chúng tôi đã huy động hàng trăm người để lập tức nghiên cứu về việc điều chỉnh vắc xin”, ông Burton nói.
Johnson&Johnson - hãng dược sản xuất loại vắc xin đơn liều ngừa COVID-19 hiện đang đánh giá hiệu quả của vắc xin hiện tại với biến thể Omicron, đồng thời bắt tay vào phát triển một loại vắc xin mới và “sẽ nhanh chóng tiến hành thử nghiệm lâm sàng nếu cần".
Tại Nga, Viện Gamaleya - đơn vị phát triển vắc xin Sputnik V và Sputnik Light - tự tin khẳng định các loại vắc xin hiện có vẫn hiệu quả đối với biến thể Omicron. “Dù vậy theo quy trình, chúng tôi vẫn nghiên cứu vắc xin Sputnik V phiên bản cải tiến”, cơ quan này cho biết. Trong trường hợp cần thiết, vắc xin Sputnik V mới sẽ sẵn sàng để đưa vào sản xuất hàng loạt sau 45 ngày. Hàng trăm triệu liều vắc xin Sputnik tăng cường chống lại Omicron có thể sẽ được cung cấp cho thị trường quốc tế vào ngày 20/2/2022, với tổng công suất cả năm 2022 có thể lên đến hơn 3 tỷ liều.
Bên cạnh việc đẩy mạnh cải tiến vắc xin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng kêu gọi các quốc gia giải quyết tình trạng phân phối vắc xin thiếu bình đẳng. “Chúng ta không thể chấm dứt đại dịch này trừ khi chúng ta giải quyết được cuộc khủng hoảng vắc xin”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Theo WHO, hiện cứ bốn nhân viên y tế ở châu Phi thì mới chỉ có một người được tiêm chủng. 80% lượng vắc xin trên thế giới đã được đưa đến các nước G20. Trong khi các quốc gia thu nhập thấp – chủ yếu ở châu Phi – chỉ nhận được 0,6% số vắc xin.
Ông Tedros cho biết sự xuất hiện của Omicron là bằng chứng cho thấy “những thành quả chống dịch mà chúng ta vật lộn để đạt được có thể biến mất trong chớp mắt”. “Nhiều người nghĩ rằng chúng ta đã thanh toán được COVID-19. Nhưng nó vẫn chưa buông tha chúng ta. Sự bất công về vắc xin càng kéo dài thì virus này càng có nhiều cơ hội để lây lan và phát triển theo cách mà chúng ta không thể đoán trước hoặc ngăn chặn được. Không một quốc gia nào có thể dựa vào vắc xin để thoát khỏi đại dịch một mình”, ông Tedros nhấn mạnh.