WHO khuyến nghị tạm thời tiêm kết hợp các loại vắc xin ngừa COVID-19

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại London (Anh), ngày 4/12/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

* Phiên bản 'tàng hình' của Omicron làm phức tạp nỗ lực chống dịch

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 16/12 đã đưa ra khuyến nghị tạm thời về việc kết hợp các loại vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm khác nhau để tiêm liều thứ 2 và thứ 3.

Theo WHO, tùy thuộc vào số vắc xin sẵn có, các loại vắc xin được sản xuất theo công nghệ mRNA như vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna có thể được sử dụng để tiêm liều thứ 2 sau khi tiêm mũi 1 là vắc xin theo công nghệ vector của hãng AstraZeneca và ngược lại.

WHO cho biết vắc xin của hãng AstraZeneca và bất kỳ loại vắc xin nào được sản xuất theo công nghệ mRNA cũng có thể dùng để tiêm liều thứ 2 sau khi đã tiêm mũi đầu tiên là vắc xin bất hoạt của hãng Sinopharm.

WHO đưa ra hướng dẫn trên dựa trên khuyến nghị của Nhóm Chuyên gia cố vấn chiến lược về vắc xin của tổ chức này và một nghiên cứu lớn công bố hồi tuần trước cho thấy việc tiêm liều thứ nhất là vắc xin của hãng AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech và sau đó 9 tuần tiêm liều thứ 2 là vắc xin của hãng Moderna đã cho thấy phản ứng miễn dịch tốt hơn.

Tuy nhiên, WHO cho rằng việc tiêm kết hợp các loại vắc xin như vậy cần tính đến nguồn cung vắc xin, khả năng tiếp cận cũng như lợi ích và rủi ro của các loại vắc xin được sử dụng.

WHO cho biết khuyến nghị trên sẽ được xem xét lại nếu có thêm các dữ liệu. Trước khi WHO đưa ra khuyến nghị trên, nhiều quốc gia đã tiến hành tiêm kết hợp các loại vắc xin khi phải đối mặt với số ca nhiễm mới tăng vọt trong khi nguồn cung thấp và tốc độ tiêm chủng chậm vì lo ngại về tính an toàn.

Trong diễn biến liên quan, Văn phòng WHO khu vực châu Âu ngày 16/12 đã kêu gọi người dân thận trọng trong mùa lễ hội này khi châu Âu hiện đang phải đối phó với 2 biến thể có khả năng lây nhiễm cao, có nguy cơ làm tổn hại hệ thống y tế vốn đã bị quá tải.

Trong một tuyên bố, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho rằng châu Âu đã là tâm điểm của dịch bệnh COVID-19 do biến thể Delta gây ra ngay cả trước khi biến thể Omicron xuất hiện.

Văn phòng WHO tại châu Âu nhận định mối đe dọa vẫn nghiêm trọng hơn bao giờ hết khi Delta đang là biến thể lây lan chính trên khắp châu lục trong khi biến thể Omicron cũng bắt đầu lan truyền nhanh chóng.

Ông Kluge nhấn mạnh "hành động thận trọng" cùng với việc áp dụng các biện pháp chống dịch như tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, tiêm liều tăng cường, xét nghiệm, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách, vẫn là cách thức chống dịch hiệu quả.

* Tuần trước, các nhà khoa học đã xác định được phiên bản thứ hai của biến thể Omicron mà xét nghiệm PCR khó có thể phát hiện. Đây được gọi là phiên bản “tàng hình” của Omicron, đe dọa làm phức tạp nỗ lực theo dõi và giám sát sự lây lan của biến thể này.

Sự xuất hiện của phiên bản mới trên đã khiến các nhà nghiên cứu tách biến thể Omicron thành hai dòng gồm Omicron tiêu chuẩn, còn gọi là BA.1, và phiên bản mới BA.2. Cho đến nay, BA.1 là dạng phổ biến nhất và được phát hiện ở 49 quốc gia, đồng thời đang nhanh chóng thay thế Delta trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo.

Trong khi đó, có chưa tới 10 trường hợp nhiễm BA.2 nhưng lại không chứa đặc điểm di truyền quan trọng vốn tạo điều kiện để các xét nghiệm PCR phát hiện hiệu quả. Điều này có thể ảnh hưởng tới việc theo dõi tỷ lệ lây lan thực sự của BA.2.

Thông thường, virus SARS-CoV-2 bao gồm 4 gene là N, S, E và ORF. Xét nghiệm PCR hoàn chỉnh có thể chỉ ra toàn bộ những gene này. Biến thể Omicron gốc thiếu đoạn gene S.

Như vậy, xét nghiệm PCR vẫn có thể phát hiện người nhiễm Omicron mà không cần giải trình tự gene. Tuy nhiên, “Omicron tàng hình” sở hữu nhiều điểm chung với Omicron tiêu chuẩn song đoạn gene S của nó không biến mất, khiến xét nghiệm PCR khó phân biệt.

Với BA.1, xét nghiệm PCR có thể phát hiện đặc điểm “thiếu đoạn gene S” để phân biệt với Delta, từ đó giúp các nhà khoa học “gắn nhãn” các bệnh phẩm nghi ngờ để thực hiện giải trình tự gen và xác minh chính xác. Do đó, các phòng thí nghiệm có thể xác nhận sự hiện diện của Omicron từ 2 đến 3 ngày sau khi được lấy mẫu xét nghiệm. Ngược lại, phải mất 2-3 tuần để xác định “Omicron tàng hình".

Tiến sĩ Davey Smith, người đứng đầu bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Đại học California San Diego (Mỹ) nhận định sự chậm trễ này có thể ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 bởi các bác sĩ cần phải biết thời điểm nên chuyển hướng sang phương pháp điều trị khác.

Một số loại thuốc kháng thể đơn dòng có thể chống lại Delta nhưng lại kém hiệu quả hơn với Omicron. Tuy nhiên, các bác sĩ không có thời gian để xác định biến thể gây bệnh trước khi điều trị và thuốc kháng thể đơn dòng cần được sử dụng ngay trong những ngày xuất hiện các triệu chứng ban đầu.

Hiện “Omicron tàng hình” đã được ghi nhận tại Canada, Úc, Anh và Nam Phi. Các nhà khoa học cho biết còn quá sớm để biết liệu dạng Omicron mới có lây lan theo phương thức cũ hay không, nhưng phiên bản "tàng hình" có khác biệt về mặt di truyền, do đó có thể hoạt động theo cách khác.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/268746/who-khuyen-nghi-tam-thoi-tiem-ket-hop-cac-loai-vac-xin-ngua-covid-19.html
Zalo