WHO khuyến nghị cấm thuốc lá mới: Ít quốc gia áp dụng và đạt mục tiêu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phương án ưu tiên cho việc quản lý thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN) – gọi chung là thuốc lá mới (TLM) – là nên cấm.

Trong trường hợp không thể cấm thì cần quản lý nghiêm ngặt. Khuyến nghị này được WHO khuyến khích cho tất cả các nước trên toàn cầu, nên Việt Nam không phải là nước duy nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế rất ít nước tuân thủ theo khuyến nghị này của WHO, kể cả những nước láng giềng có bối cảnh tương đồng với Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Phillpines... Thái Lan cũng có khả năng là nước tiếp theo đưa mặt hàng này vào quản lý thay cho lệnh cấm.

Ngày càng có nhiều chuyển động từ các quốc gia khác trả lời liệu khuyến nghị cấm mọi loại TLM của WHO có phải thật sự là giải pháp. Nếu đó là giải pháp, câu hỏi đặt ra là vì sao báo cáo mới nhất của tổ chức này ghi nhận: Có 175 quốc gia thành viên không cấm TLLN. Đồng thời, những nước đã áp dụng lệnh cấm TLM có đạt được mục tiêu như kỳ vọng?

Chưa hiệu quả về sức khỏe lẫn kinh tế: Thái Lan xem xét lại lệnh cấm

Trong khu vực ASEAN, Thái Lan là quốc gia cấm toàn diện, kể cả hành vi sử dụng TLĐT và các sản phẩm TLM khác, kể từ năm 2014. Bất cứ ai vi phạm đều sẽ bị tịch thu sản phẩm, phạt tiền, thậm chí phạt tù từ 5 - 10 năm.

Thế nhưng, sau gần 10 năm áp đặt lệnh cấm, tỷ lệ hút TLĐT trong độ tuổi 13-15 tăng gấp 5 lần, từ 3,3% năm 2015 lên 17,6% năm 2023. Đặc biệt, có tình trạng trộn lẫn chất cấm, ma túy vào TLĐT.

Mặt khác, Cục Hải quan quốc gia này tổng kết, từ tháng 10/2023 - 1/2024, nguồn hàng TLĐT và tinh dầu bị tịch thu từ thị trường chợ đen có giá trị gần 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo công bố của Cục Hải quan Trung Quốc, thiết bị và tinh dầu TLĐT trị giá trên 45 triệu đô-la (khoảng 1.100 tỷ đồng) đã được xuất khẩu sang Thái Lan trong năm 2023.

Do vậy, chính phủ nước này đang đánh giá lại việc có nên tiếp tục theo đuổi lệnh cấm nếu mục tiêu bảo vệ giới trẻ đã không thành công.

Theo đó, tháng 9/2023 Thái Lan đã thành lập Ủy ban Đặc biệt của Quốc hội (gồm 35 đại diện từ các cơ quan quản lý, tổ chức dân sự, xã hội và cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm về TLM) để điều nghiên, rà soát tình hình thực tế và đề xuất giải pháp mới.

Tháng 6/2024, Ủy ban này đã đề xuất 3 phương án chính sách, gồm: Sửa đổi tất cả các luật liên quan để hình sự hóa hành vi kinh doanh và sở hữu TLĐT, hợp pháp hóa riêng TLLN, hoặc đưa cả TLLN và TLĐT vào kiểm soát chặt chẽ.

Ủy ban Đặc biệt của Quốc hội Thái Lan đang đề xuất đưa TLLN, TLĐT quản lý (Ảnh: Dailynews).

Ủy ban Đặc biệt của Quốc hội Thái Lan đang đề xuất đưa TLLN, TLĐT quản lý (Ảnh: Dailynews).

Sắp tới, Ủy ban sẽ đến khảo sát tại Trung Quốc để học hỏi kiến thức về pháp lý, kinh tế, xã hội, tiến tới điều chỉnh các biện pháp quản lý TLM phù hợp, hiệu quả hơn.

Năng lực nội tại để Việt Nam có thể kiểm soát tốt thuốc lá mới

Tại hội thảo "Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách" ngày 19/3, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) nêu ý kiến, nếu cho phép TLM thì cần xem xét năng lực quản lý hiện tại của Việt Nam có đảm bảo hay không, cũng như cân nhắc các vấn đề về sức khỏe cộng đồng.

Đồng thời, đại diện của WHO tại Việt Nam cũng đánh giá Việt Nam chưa đủ năng lực thanh kiểm và thực thi pháp luật để quản lý TLM, nên chỉ có thể cấm.

Năm 2005, Việt Nam và Philippines cùng là 2 trong số những quốc gia ký kết sớm nhất Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO (FCTC). Kể từ đó, Việt Nam đã đạt những thành tựu nhất định trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL).

Đáng chú ý, nhờ thực thi Luật PCTHTL 2012 và các quy định hiện hành đối với thuốc lá điếu, đến năm 2020 tỷ lệ hút thuốc lá điếu tại Việt Nam đã giảm được 2%.

Về phía Philippines, năm 2022 nước này đã có thêm bước tiến mới khi ban hành Luật quản lý TLM, bổ sung vào luật hiện hành.

Tại Việt Nam, không giống các quốc gia khác, việc kiểm soát lưu thông các sản phẩm thuốc lá đều thuộc về các công ty Nhà nước, chịu sự điều phối, quản lý, báo cáo cho Chính phủ.

Ở góc độ pháp lý, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng vụ Pháp luật – Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết: "So với các nước, luật pháp Việt Nam về thuốc lá đã có đầy đủ".

Do đó, ông cho rằng cơ quan chức năng cần sớm đưa TLLN và TLĐT vào quản lý dưới Luật PCTHTL, nhằm góp phần ngăn chặn giới trẻ, đồng thời có cơ sở để cấm các sản phẩm ma túy 'núp bóng'.

Hội thảo "Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách" ngày 19/3 (Ảnh: VGP/Linh Đan).

Hội thảo "Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách" ngày 19/3 (Ảnh: VGP/Linh Đan).

Về cam kết phát triển của ngành, theo Quyết định của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), định hướng đến năm 2035, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) sẽ phát triển ngành thuốc lá bền vững gắn với đổi mới công nghệ, hiện đại hóa quy trình sản xuất, chế biến thuốc lá, nhằm mang đến những sản phẩm giảm tác hại, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Chí Nhân – Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cũng nhấn mạnh cam kết của ngành hàng là sẽ tuân thủ tất cả các chính sách về quản lý TLM, như công bố tiêu chuẩn kỹ thuật, dán nhãn cảnh báo, nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, Quỹ PCTHTL, Quỹ môi trường, thuế GTGT, v.v".

Do đó, các chuyên gia cho rằng kết luận của WHO về năng lực quản lý các sản phẩm thuốc lá của Việt Nam là chưa toàn diện, trong bối cảnh ngành hàng đang được kiểm soát, quản lý bởi Chính phủ và cam kết tuân thủ luật pháp bởi VTA.

Đây là thời điểm để Việt Nam cùng các quốc gia cất cánh, nên việc đánh giá thấp năng lực quản lý, dù chỉ ở phạm vi kiểm soát thuốc lá, cũng sẽ làm giảm hình ảnh và uy tín của quốc gia trên trường quốc tế.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/who-khuyen-nghi-cam-thuoc-la-moi-it-quoc-gia-ap-dung-va-dat-muc-tieu-20424071219220369.htm
Zalo