WHO: Không có mối liên hệ giữa việc dùng ĐTDĐ và tăng nguy cơ bị ung thư não

Không có mối liên hệ giữa việc sử dụng ĐTDĐ và tăng nguy cơ bị ung thư não, theo đánh giá mới do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủy quyền về các bằng chứng đã công bố có sẵn trên toàn thế giới.

Đánh giá được công bố hôm 3.9 cho thấy mặc dù việc sử dụng công nghệ không dây tăng mạnh, nhưng tỷ lệ mắc ung thư não không tăng tương ứng. Điều đó áp dụng ngay cả với những người gọi điện thoại trong thời gian dài hoặc những ai từng sử dụng ĐTDĐ hơn một thập kỷ.

Phân tích gồm 63 nghiên cứu từ năm 1994 đến 2022, được đánh giá bởi 11 nhà điều tra từ 10 quốc gia, trong đó có cả Cơ quan Bảo vệ khỏi Bức xạ của chính phủ Úc.

Mark Elwood, đồng tác giả nghiên cứu và là giáo sư dịch tễ học ung thư tại Đại học Auckland (New Zealand), nói công trình này đã đánh giá tác động của tần số vô tuyến, được sử dụng trong ĐTDĐ cũng như tivi, máy theo dõi trẻ em và radar.

“Trong các nghiên cứu đã thực hiện, không có bằng chứng nào cho thấy rủi ro gia tăng”, ông nói. Đánh giá đã xem xét các bệnh ung thư não ở người lớn và trẻ em cũng như ung thư tuyến yên, tuyến nước bọt và bệnh bạch cầu, cùng các rủi ro liên quan đến việc sử dụng ĐTDĐ, trạm gốc hoặc máy phát và tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm trong quá trình làm việc. Các loại ung thư khác sẽ được báo cáo riêng.

Không tìm thấy sự gia tăng tỷ lệ mắc ung thư não liên quan đến sử dụng ĐTDĐ, theo nghiên cứu của WHO - Ảnh: SCMP

Không tìm thấy sự gia tăng tỷ lệ mắc ung thư não liên quan đến sử dụng ĐTDĐ, theo nghiên cứu của WHO - Ảnh: SCMP

Đánh giá này tiếp nối các công trình tương tự khác. WHO và các cơ quan y tế quốc tế khác từng tuyên bố rằng không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy bức xạ từ ĐTDĐ gây ra các tác động xấu đến sức khỏe, nhưng kêu gọi nghiên cứu thêm. Hiện tại, điều này được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phân loại là “có khả năng gây ung thư” hoặc loại 2B (được sử dụng khi IARC không thể loại trừ mối liên hệ tiềm ẩn).

Nhóm cố vấn của IARC đã kêu gọi đánh giá lại phân loại này càng sớm càng tốt, dựa trên dữ liệu mới kể từ lần đánh giá gần nhất vào năm 2011. WHO dự định sẽ công bố kết quả đánh giá của mình vào quý 1/2025.

Sử dụng ĐTDĐ quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?

Dù có mối liên hệ giữa việc sử dụng ĐTDĐ và tăng nguy cơ ung thư não, việc mắt vào màn hình quá nhiều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

Không thể phủ nhận rằng smartphone giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tiện lợi, giúp liên lạc với một người ở xa chỉ bằng một nút chạm và nhận bất kỳ loại thông tin nào từ internet trong vòng vài giây. Tuy nhiên, ĐTDĐ cũng khiến chúng ta có nguy cơ mắc một số bệnh nghiêm trọng.

Sử dụng ĐTDĐ trong một thời gian dài có thể dẫn đến khô mắt và hội chứng tech neck.

Hội chứng tech neck là thuật ngữ được sử dụng để mô tả tình trạng đau cổ và vai mãn tính do thường xuyên cúi đầu nhìn vào các thiết bị điện tử như smartphone, máy tính bảng và máy tính xách tay. Tư thế cúi đầu liên tục này gây áp lực lên cổ và cột sống, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.

Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều thông tin trực tuyến có thể làm tăng mức độ căng thẳng và cảm giác bất an.

Dưới đây là những ảnh hưởng sức khỏe mà việc sử dụng ĐTDĐ quá nhiều gây ra:

1. Gây hại cho mắt

Màn hình xanh của ĐTDĐ có thể dễ dàng làm hỏng mắt nếu tiếp xúc quá nhiều. Bạn có thể bị tổn thương cơ quan thụ cảm ánh sáng, đau đầu, mờ mắt và thậm chí là khô mắt. Nếu bạn đang gặp phải bất kỳ triệu chứng nào như vậy, rất có thể ĐTDĐ là nguyên nhân gây ra chúng. Cho mắt nghỉ ngơi, tập trung vào vật gì đó cách bạn 20 m và thường xuyên kiểm tra mắt để giảm thiểu những tác động tiêu cực này.

2. Hội chứng ống cổ tay

Nếu sử dụng ĐTDĐ trong 5 - 6 giờ một ngày, bạn có thể bị tình trạng này trong tương lai. Các nghiên cứu cho thấy hội chứng ống cổ tay đang là một vấn đề ngày càng tăng ở thanh thiếu niên, có thể dẫn đến các vấn đề như đau cổ tay, tê, cảm giác ngứa ran và giống như kim châm. Nếu đang gặp bất kỳ triệu chứng nào, bạn hãy gặp bác sĩ và giảm thời gian sử dụng thiết bị của mình. Đau lưng và đau cổ cũng là hai vấn đề liên quan đến việc sử dụng điện thoại quá nhiều.

3. Da nổi mụn

Một số nghiên cứu cho thấy ĐTDĐ là nơi trú ngụ của nhiều loại vi trùng và vi khuẩn. Những mầm bệnh này có thể được truyền sang da của bạn, dẫn đến các vấn đề về da và sức khỏe khác. Khi bạn cầm điện thoại gần tai hoặc má, vi trùng sẽ truyền sang da và có thể dẫn đến các vết nhơ trên da và nổi mụn. Thậm chí, lão hóa sớm là một dấu hiệu của việc sử dụng ĐTDĐ quá nhiều. Để giảm nguy cơ, hãy lau ĐTDĐ thường xuyên bằng khăn tẩm cồn.

4. Gián đoạn thói quen ngủ

Để cơ thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh, bạn cần ngủ đủ 7-8 tiếng. Song do sử dụng ĐTDĐ quá nhiều vào đêm khuya, nhiều người đang phải đối mặt với vấn đề mất ngủ. Bạn có thể ngủ gật trong khi nhìn vào màn hình ĐTDĐ hoặc trở người liên tục mà không ngủ được. Chế độ ngủ không đều đặn khiến bạn cáu kỉnh, ủ rũ và thậm chí dẫn đến ăn quá nhiều.

5. Cảm thấy căng thẳng

Có hai cách ĐTDĐ khiến bạn cảm thấy căng thẳng hơn: Thứ nhất là do mất ngủ và thứ hai là do tiêu thụ quá nhiều thông tin từ internet. Cả hai đều có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp theo thời gian và làm tăng mức cortisol. Nghiện ĐTDĐ cũng có thể dẫn đến lo lắng và trầm cảm.

Chắc chắn sẽ không dễ dàng để tránh nhìn vào ĐTDĐ của bạn suốt cả ngày. Vì vậy, hãy áp dụng một số quy tắc cơ bản có thể giúp giảm thời gian sử dụng thiết bị:

- Không sử dụng ĐTDĐ khi đang ăn.

- ĐTDĐ không nên là thứ đầu tiên bạn sờ vào vào mỗi buổi sáng.

- Ngừng xài ĐTDĐ ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/who-khong-co-moi-lien-he-giua-viec-dung-dtdd-va-tang-nguy-co-bi-ung-thu-nao-223355.html
Zalo