WHO: Ca mắc Covid-19 tăng nhưng số tử vong không tăng
Theo quan sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, số ca mắc Covid-19 mới trên cả nước có sự gia tăng trong 3 tuần gần đây song chưa có dấu hiệu nào cho thấy số ca tử vong sẽ tăng trở lại.
Tại hội thảo "Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe thích ứng an toàn với Covid-19" được Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức ngày 9-11 ở TP HCM, ông Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ còn tiếp tục kéo dài. Theo ông, Việt Nam đã đưa ra quyết định táo bạo trong việc nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội sau 5 tuần liên tục giảm số ca mắc Covid-19 và giảm số ca tử vong.
"Trong 3 tuần gần đây, chúng tôi quan sát thấy có sự gia tăng ca mắc mới. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy số ca tử vong sẽ tăng trở lại. Do đó, chúng ta nên chuyển sang hướng sống chung an toàn với Covid-19, đặt mục tiêu giảm số ca tử vong, giảm số ca nhập viện, giảm thiệt hại về kinh tế và sức khỏe mà đại dịch gây ra" - ông Park nhấn mạnh.
Để làm được điều đó, WHO đưa ra những khuyến nghị: Tiêm chủng vắc-xin Covid-19, thực hiện 5K, năng cao năng lực của hệ thống y tế, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào các chiến lược, tiếp cận toàn xã hội.
Muốn củng cố năng lực y tế, Việt Nam cần tăng cường các chức năng chính của y tế công cộng như: giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm và ứng phó hiệu quả để kiểm soát dịch, thu thập thông tin và nghiên cứu về sức khỏe công cộng.
Bà Nguyễn Thị Kim Phương, Văn phòng WHO tại Việt Nam, cho rằng y tế cơ sở, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là hai "trụ cột" để sống chung với đại dịch.
Thời điểm này là lúc nhìn nhận lại cấu trúc và trọng tâm của hệ thống y tế quốc gia, từ đó xác định lại các lĩnh vực cần ưu tiên trong chính sách chi tiêu công. Bảo đảm được sức khỏe là bảo đảm được phát triển kinh tế.
Theo khảo sát của WHO, đại dịch Covid-19 đã kéo lùi cả thế giới trong hai lĩnh vực kinh tế và sức khỏe. Trong số 70 quốc gia được khảo sát, 36 nước cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hơn 50% số dịch vụ thiết yếu. 66% số quốc gia báo cáo sự đứt gãy cung ứng dịch vụ y tế thiết yếu do thiếu nhân viên y tế.
Tổng số người tử vong trực tiếp do Covid-19 (tính đến tháng 6-2021) trên thế giới là 3,8 triệu người, gián tiếp (riêng năm 2020) là trên 3 triệu người. Những quốc gia có hệ thống y tế yếu, đặc biệt là hệ thống khám chữa bệnh ban đầu (chủ yếu các nước thu nhập thấp và trung bình) thì Covid-19 và các đại dịch trong tương lai sẽ là một thách thức to lớn.
Để ứng phó tốt với đại dịch, hệ thống y tế cần bảo đảm cùng một lúc hai chức năng: giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng và kiểm soát dịch bệnh; cung ứng các dịch vụ y tế thiết yếu cho toàn dân.
"Thực hiện hai nhiệm vụ trên cần dựa vào hệ thống tài chính công, đó là ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế. Cần giảm thiểu tối đa việc người dân tự bỏ tiền để khám chữa bệnh, xóa bỏ mọi rào cản về tài chính trong tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu" - bà Phương nhìn nhận.