WEF Davos 2025: Tìm lại động lực tăng trưởng, chuyên gia khuyên Trung Quốc nên quay lại làm tốt vai trò 'công xưởng thế giới'
Khi các động lực tăng trưởng kinh tế rơi vào tình trạng đình trệ, Trung Quốc nên quay lại với ngành sản xuất. Đây sẽ là chìa khóa giúp tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Zhu Min.
Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sỹ) ngày 22/1, ông Zhu Min cho rằng, quốc gia Đông Bắc Á nên tập trung vào sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị.
“Lúc này hãy tập trung vào số hóa dây chuyền sản xuất, trong 20 năm tới, chúng ta có thể đảm bảo rằng ‘Made in China’ đồng nghĩa với giá rẻ, chất lượng tốt và hàm lượng công nghệ cao”, ông Zhu Min nhấn mạnh.
Vốn được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, Trung Quốc đã xây dựng một ngành công nghiệp sản xuất hùng mạnh, hiện chiếm khoảng 30% sản lượng toàn cầu. Quy mô của ngành sản xuất Trung Quốc luôn đứng đầu thế giới trong 15 năm liên tiếp.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành sản xuất Trung Quốc đã vấp phải phản ứng gay gắt từ phía các nền kinh tế lớn khác, điển hình là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) với cáo buộc Bắc Kinh đang khiến ngành công nghiệp sản xuất của những khu vực này bị suy yếu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump – người vừa chính thức nhậm chức hôm thứ Hai (20/1) cho rằng, chính Trung Quốc đang đánh cắp việc làm trong ngành sản xuất của người Mỹ và cân nhắc áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/2.
Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức, ông Trump tuyên bố: “Nước Mỹ sẽ một lần nữa trở thành quốc gia sản xuất”.
Theo ông Zhu Min, có rất nhiều cơ hội để hai cường quốc hàng đầu thế giới hợp tác với nhau, bất chấp căng thẳng địa chính trị.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Trung Quốc đang cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới.
“Các công ty Trung Quốc rất muốn đầu tư vào Mỹ”, đồng thời cho rằng các công ty Trung Quốc có thể tham gia nhiều hơn vào việc chuyển giao công nghệ các sản phẩm có lợi thế như pin xe điện, cùng với việc đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn.
“Trong khi đó, quá trình chuyển đổi xanh của Trung Quốc đã chứng minh là một động lực kinh tế quan trọng khác cho đất nước - động lực giải quyết nhu cầu an ninh năng lượng. Quá trình chuyển đổi xanh mang đến cho chúng ta cơ hội để chuyển sang cách tiếp cận bền vững”, ông Zhu Min nói thêm
Chuyên gia Jin Keyu đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc) nhận định, thách thức hiện tại của Trung Quốc chủ yếu đến từ bên trong nền kinh tế, với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo theo cuộc khủng hoảng về tài chính.
Xét đến đề xuất tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất làm động lực tăng trưởng kinh tế, bà Jin Keyu lo ngại điều này có thể gây thêm công suất dư thừa mà không giải quyết được vấn đề cốt lõi về tiêu dùng.
Bà Jin Keyu cho rằng, vấn đề tiêu dùng liên quan nghiêm trọng đến hàng trăm triệu cư dân nông thôn không có lưới an sinh xã hội.
“Nếu không giải quyết được vấn đề cốt lõi về tiêu dùng và giữa chính quyền trung ương với địa phương khi chính quyền địa phương không có đủ nguồn lực, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi rất, rất chậm”, bà Jin Keyu cảnh báo.