Web3, AI và cuộc chiến chống tin giả tại Việt Nam
Joseph Lubin, 'cha đẻ' của ConsenSys và Ethereum vừa có những chia sẻ đầy thú vị về bức tranh Web3 tại Việt Nam, từ sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường tiền điện tử đến vai trò quan trọng của AI trong việc chống tin giả.
Mới đây, Consensys và YouGov đã công bố kết quả khảo sát cho thấy thái độ của người dùng đối với tiền mã hóa, và công nghệ blockchain trong bối cảnh niềm tin vào các tổ chức tài chính truyền thống đang suy giảm.
Tại Việt Nam, 54% người được khảo sát đã từng mua tiền mã hóa, chủ yếu là Bitcoin, Ethereum... Đáng chú ý, 41% người Việt Nam liên kết tiền mã hóa với tương lai của tài sản kỹ thuật số. PLO vừa có cuộc trao đổi với ông Joseph Lubin, CEO kiêm nhà sáng lập Consensys để có những thông tin sâu hơn về thị trường blockchain, tiền mã hóa và những khía cạnh liên quan đến AI tại Việt Nam.
. Phóng viên: Mặc dù nhận thức về tiền điện tử đã giảm so với năm 2023, nhưng tỉ lệ người Việt Nam sở hữu tiền điện tử vẫn ở mức cao (60%). Điều này cho thấy gì về sự phát triển của thị trường tiền điện tử ở Việt Nam?
+ Joseph Lubin là đồng sáng lập của Ethereum và Consensys, công ty phần mềm blockchain và web3: Thị trường tiền điện tử tại Việt Nam có nhiều khía cạnh đáng quan tâm. Ví dụ, 60% số người tham gia khảo sát cho biết họ sở hữu ít nhất một ví điện tử, đưa Việt Nam vào nhóm có mức độ chấp nhận ví cao nhất toàn cầu.
Điều này cho thấy, mặc dù nhận thức chung về tiền điện tử có thể đã giảm nhẹ so với 2023, những người đã tham gia vào lĩnh vực này đang ngày càng đào sâu vào các hoạt động web3 phức tạp hơn.
Cụ thể, NFT đang nhận sự quan tâm lớn tại Việt Nam. Các nhà sáng tạo, nhà sưu tập Việt Nam có thể đang dùng NFT để khai phá những cách thức mới nhằm lưu trữ, quảng bá tác phẩm, khai thác khả năng của blockchain để đảm bảo quyền sở hữu xác thực.
Việc các công nghệ web3 được sử dụng nhiều hơn có thể liên quan đến những lo ngại mang tính phổ quát hơn về mô hình Internet vốn chịu sự chi phối của web2 như hiện tại.
Khảo sát cho thấy 83% người được hỏi trên toàn cầu, trong đó có khá đông người Việt, quan tâm nhiều đến bảo vệ quyền riêng tư và không hài lòng với các nền tảng Internet truyền thống.
Kết quả khảo sát này củng cố luận điểm của chúng tôi rằng thế giới đang bắt đầu hiểu rõ giá trị mà web3 mang lại, bao gồm việc cho phép người dùng giành lại quyền kiểm soát danh tính trực tuyến của mình, quản lý dữ liệu một cách an toàn và hưởng lợi từ giá trị mà họ tạo ra trên không gian số.
. Dựa trên kết quả khảo sát và mối quan tâm về quyền riêng tư dữ liệu, AI có thể được sử dụng như thế nào để chống lại sự lan truyền của thông tin giả mạo trên các nền tảng truyền thông xã hội phi tập trung ở Việt Nam?
+ Mối quan ngại về thông tin sai lệch trên toàn cầu đang gia tăng, với hơn 75% số người được khảo sát bày tỏ sự lo lắng. Việt Nam cũng có những lo ngại tương tự, thậm chí có thể lớn hơn trong quá trình dịch chuyển sang các nền tảng phi tập trung, nơi khó triển khai các phương pháp kiểm duyệt truyền thống.
Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đóng vai trò quan trọng để giải quyết vấn đề này, bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung đồng thời tôn trọng quyền tự chủ và quyền riêng tư của người dùng, đặc biệt khi được kết hợp với các mạng blockchain.
Ví dụ, người dùng Việt Nam tham gia các sàn giao dịch NFT hoặc mạng xã hội phi tập trung có thể dùng AI giúp đối chiếu ngày phát hành, hoạt động ví và lịch sử giao dịch để phát hiện các tài khoản giả mạo hoặc bản sao tiềm năng. Điều này đảm bảo niềm tin của người dùng vào nguồn gốc của các tài sản kỹ thuật số mà họ tương tác.
Một ứng dụng khác của AI là phát hiện tin giả hoặc nội dung truyền thông bị thao túng theo thời gian thực. Các mô hình AI huấn luyện bằng tiếng Việt có thể phân tích nội dung để phát hiện giả mạo. Bất kể hoạt động trên hệ thống mạng local hay trên các mạng phi tập trung (decentralized network).
. Những thách thức và cơ hội nào liên quan đến việc sử dụng AI để phát hiện, và giảm thiểu thông tin giả mạo liên quan đến tiền điện tử và Web3 ở Việt Nam?
+ Một thách thức lớn là sự tinh vi của nội dung giả mạo, bao gồm các deepfake do AI tạo ra hoặc các hợp đồng được cài cắm độc hại. Các chiến dịch thông tin sai lệch thường khai thác những lỗ hổng trong hiểu biết của công chúng, đặc biệt khi nhận thức về tiền điện tử và các khái niệm blockchain đã giảm kể từ năm 2023.
Tương tự, việc huấn luyện các mô hình AI để phát hiện các chiến thuật này đòi hỏi một bộ dữ liệu mạnh mẽ phản ánh sắc thái ngôn ngữ, bối cảnh văn hóa Việt Nam và hoạt động trên blockchain.
Một thách thức khác là xây dựng niềm tin giữa người dùng. Các giải pháp AI phải phù hợp với các nguyên tắc của Web3 về tính phi tập trung và quyền kiểm soát của người dùng. Tính minh bạch trong cách vận hành của các thuật toán AI cần được đảm bảo để tránh những sai lệch gây ra bởi việc thiên vị hoặc các động cơ ẩn giấu.
AI có thể cải thiện lòng tin bằng cách cung cấp những thông tin có thể xác minh về tính xác thực của tài sản kỹ thuật số, và độ tin cậy của các nguồn thông tin. Ví dụ, các công cụ hỗ trợ AI có thể phân tích hợp đồng thông minh để ngăn chặn trộm cắp hoặc xác minh tính xác thực từng dự án. Đổi lại, blockchain phi tập trung sẽ giúp đảm bảo rằng AI không bị can thiệp và phù hợp với các giá trị của hệ sinh thái.
Nhìn chung, giáo dục sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt để tận dụng những lợi ích này, nhất là trong lĩnh vực web3, nơi các hệ thống AI không chỉ phát hiện được mà còn giải thích lý do vì sao nội dung bị cảnh báo. Điều này không chỉ giảm thiểu sai lệch thông tin mà còn thúc đẩy hiểu biết kỹ thuật số, giúp người dùng Việt Nam tự tin tham gia vào các công nghệ tương lai.