Wall Street Journal: Mỹ bày thế trận đàm phán thuế nhằm cô lập Trung Quốc
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent muốn các đối tác thương mại hạn chế sự tham gia của Trung Quốc vào nền kinh tế của họ để đổi lấy sự nhượng bộ về thuế.

Các container vận chuyển tại một cảng ở miền Nam Trung Quốc. Ảnh: WSJ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch sử dụng các cuộc đàm phán thuế quan đang diễn ra để gây áp lực lên các đối tác thương mại của Mỹ, buộc họ phải hạn chế giao thương với Trung Quốc, tờ Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin thân cận với các cuộc trao đổi này cho hay.
Ý tưởng của Washington là yêu cầu các đối tác thương mại cam kết cô lập nền kinh tế Trung Quốc để đổi lấy việc giảm các rào cản thương mại và thuế quan do Nhà Trắng áp đặt. Các quan chức Mỹ có kế hoạch sử dụng các cuộc đàm phán với hơn 70 quốc gia nhằm yêu cầu họ: không cho phép Trung Quốc trung chuyển hàng hóa qua nước mình, không để các công ty Trung Quốc đặt trụ sở nhằm né thuế Mỹ, và để cho hàng công nghiệp giá rẻ từ Trung Quốc tuồn vào nước họ.
Những biện pháp này nhằm đánh vào nền kinh tế vốn đã mong manh của Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải bước vào bàn đàm phán với ít lợi thế hơn, trước thềm khả năng diễn ra các cuộc hội đàm giữa ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Yêu cầu cụ thể sẽ khác nhau tùy theo mức độ gắn kết kinh tế của từng nước với Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ đã đề cập ý tưởng này trong những cuộc trao đổi ban đầu với một số quốc gia, theo Wall Street Journal. Bản thân ông Trump cũng nói úp mở về chiến lược này trong hôm 15/4, khi trả lời kênh Fox Noticias rằng ông có thể yêu cầu các quốc gia lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc – phản hồi cho câu hỏi về việc Panama quyết định không gia hạn thỏa thuận tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Một trong những người đứng sau chiến lược này là Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, người đã đảm nhiệm vai trò dẫn dắt đàm phán thương mại kể từ khi ông Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế trong 90 ngày với hầu hết các quốc gia (trừ Trung Quốc) vào ngày 9/4.
Ông Bessent đã trình bày ý tưởng này với ông Trump trong cuộc họp tại Mar-a-Lago ngày 6/4, nói rằng việc buộc các đối tác thương mại nhượng bộ có thể ngăn Trung Quốc và các công ty của họ né tránh các biện pháp kinh tế của Mỹ như thuế quan, kiểm soát xuất khẩu…
Chiến thuật này là một phần trong chiến lược lớn hơn mà ông Bessent đang thúc đẩy nhằm cô lập nền kinh tế Trung Quốc, và đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều quan chức trong chính quyền Trump. Dù vẫn còn tranh cãi về phạm vi và mức độ của các biện pháp thuế quan, nhưng đa số đều đồng tình với kế hoạch của ông Bessent.
Kế hoạch này còn bao gồm khả năng cắt đứt kết nối giữa nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ, như loại bỏ cổ phiếu Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Fox Business, ông Bessent không loại trừ khả năng chính quyền sẽ thực hiện điều đó.
Tuy vậy, mục tiêu cuối cùng của chính sách Trung Quốc từ chính quyền Trump vẫn chưa rõ ràng.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Ảnh: WSJ.
Ông Bessent cũng cho rằng vẫn còn khả năng đàm phán một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – điều sẽ cần đến sự tham gia trực tiếp của ông Trump và ông Tập Cận Bình. Trong buổi họp báo hôm 15/4, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đã đọc tuyên bố mới của ông Trump, cho thấy một thỏa thuận với Trung Quốc chưa chắc chắn.
“Bóng đang ở bên phần sân của Trung Quốc. Trung Quốc cần đạt thỏa thuận với chúng ta. Chúng ta thì không cần phải thỏa thuận với họ. Trung Quốc muốn có thứ mà chúng ta sở hữu…chính là người tiêu dùng Mỹ”, bà Leavitt đọc lời của ông Trump.
Hiện vẫn chưa rõ yêu cầu chống Trung Quốc đã được đưa vào đàm phán với tất cả các quốc gia hay chưa. Một số nước cho biết họ chưa nghe thấy yêu cầu nào từ phía Mỹ liên quan đến Trung Quốc, nhưng cũng thừa nhận rằng các cuộc đàm phán vẫn đang ở giai đoạn đầu. Nhiều người tin rằng sớm muộn gì chính quyền Trump cũng sẽ đưa ra các yêu cầu liên quan đến Trung Quốc.
Ông Bessent đã từng bày tỏ mong muốn các đối tác thương mại cam kết chống Trung Quốc. Vào cuối tháng 2, ông cho biết Mexico đã đề xuất áp mức thuế tương tự Mỹ với hàng hóa Trung Quốc, như một phần của cuộc đàm phán liên quan đến các mức thuế mà ông Trump áp đặt lên Mexico vì vấn đề buôn bán fentanyl. Dù gọi đề xuất của Mexico là một “cử chỉ đẹp”, nhưng ý tưởng này không được chính quyền đón nhận rộng rãi.
Kể từ đó, ông Bessent ngày càng đảm nhiệm vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán, đặc biệt sau khi ông Trump công bố lệnh tạm dừng áp thuế vào ngày 9/4. Dự kiến, ông sẽ gặp Bộ trưởng phục hồi kinh tế của Nhật Bản ngay trong tuần này, và đã lên danh sách những quốc gia mà ông tin rằng có thể sớm đạt thỏa thuận với Mỹ – bao gồm Nhật Bản, Anh, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh hoạt động ngoại giao thương mại.
Peter Harrell, cựu giám đốc cao cấp về kinh tế quốc tế trong Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Joe Biden, cho rằng Trung Quốc xem chiến thuật thương mại “có đi có lại” của ông Trump như một cơ hội.
Tuy nhiên, khả năng của Trung Quốc trong việc đối phó với chính sách thương mại Mỹ vẫn bị hạn chế, ông Harrell nói. Trong khi Mỹ vẫn là “nước nhập khẩu ròng khổng lồ”, thì Trung Quốc đang giảm nhập khẩu từ thế giới và hướng đến tự cung tự cấp.
“Trung Quốc sẽ không thể thay thế Mỹ làm nguồn cầu cho các sản phẩm của nhiều nước đang phát triển”, ông Harrell nói. “Vì vậy, về kinh tế thì đây sẽ là một thách thức lớn với Trung Quốc, dù về mặt chính trị, họ đang hành động khôn khéo”.