Vượt sông phát triển tiến công
Là một trong số ít cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cách đây 50 năm còn hoạt động trong Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12), dịp này, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nuôi, nguyên Cục trưởng Cục Quân huấn, nguyên Phó chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, khá bận rộn với việc tổ chức các chuyến về nguồn, gặp mặt, tri ân đồng đội.
Trở về sau chuyến công tác dài ngày ở TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nuôi lại tất bật lên kế hoạch cho chương trình sắp diễn ra ở Hà Nội. Tại nhà riêng ở phố Quần Ngựa (Hà Nội), vừa trò chuyện với chúng tôi, ông vừa nhớ lại chi tiết những kỷ niệm mình và đồng đội từng trải qua để tới đây sẽ cùng nhau ôn lại trong ngày hội ngộ.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Nuôi (thứ ba, từ trái sang) và đồng đội. Ảnh: MAI LÝ
Ông tâm sự, nhớ nhất là kỷ niệm vượt sông Đồng Nai để tiến về Sài Gòn đêm 29, rạng sáng 30-4-1975 của Sư đoàn 325, mà nòng cốt là Trung đoàn 101 do ông làm Phó trung đoàn trưởng. Trước đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quận lỵ Long Thành, Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ và một số căn cứ của địch ở phía Đông Sài Gòn, Trung đoàn 101 được lệnh cùng các đơn vị của Sư đoàn 325 nhanh chóng phát triển xuống bến phà ở khu vực hạ lưu sông Đồng Nai. Bến phà này một bên là Bà Rịa, Long Khánh, một bên là TP Sài Gòn; khoảng cách giữa hai bờ gần 1.000m. Do sông rộng, nước sâu, hai bên bờ trống trải nên cùng với các cây cầu lớn trên xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn, bến phà này được quân ngụy chọn làm nơi cố thủ.
Cuối ngày 29-4-1975, các lực lượng của Sư đoàn 325 đã tập kết theo đúng thời gian quy định. Sau khi nghe các tổ trinh sát báo cáo, kế hoạch vượt sông được Đảng ủy, chỉ huy và cơ quan tham mưu Sư đoàn xác định nhanh chóng, tổ chức triển khai thực hiện ngay. Đúng 12 giờ đêm 29-4, mệnh lệnh bí mật triển khai chuẩn bị vượt sông được thông báo đến từng lực lượng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Nuôi kể: “Theo lệnh của chỉ huy Sư đoàn, đơn vị trọng pháo nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa ngắm bắn trực tiếp ngay trên bờ sông. Xe tăng T54 cơ động vào hai bên bến vượt chuẩn bị phần tử bắn. Các phân đội pháo cao xạ của Sư đoàn 673 triển khai trận địa bảo vệ sở chỉ huy và các lực lượng tập kết vượt sông trước khi trời sáng. Khí tài của Tiểu đoàn 5 (Lữ đoàn Công binh 219) lặng lẽ hạ thủy dưới tầm hỏa lực của địch từ bờ Nam bắn sang khống chế”.
Rạng sáng 30-4, cuộc vượt sông bắt đầu. Ta dùng xe PAV lội nước trinh sát đi trước, tiến sang bờ Nam thăm dò phản ứng của địch. Ngay khi phát hiện xe ta trên mặt sông, tàu địch liền tập trung bắn xối xả. Cuộc chiến đấu trên mặt sông diễn ra ác liệt. Các chiến sĩ trên xe PAV hết đạn; đồng chí mũi trưởng trinh sát hy sinh, một số đồng chí bị thương.
Trước diễn biến ấy, Trung tá Nguyễn Đức Huy, Phó tư lệnh Sư đoàn 325 lệnh cho bộ đội cơ động vào nhà dân mượn xuồng máy để chi viện cho tổ trinh sát, đồng thời hiệp đồng với hỏa lực của các trận địa bố trí ở bờ Bắc bến phà kịp thời bắn tàu địch. Các trận địa hỏa lực của ta nhả đạn dồn dập sang bờ Nam, căn cứ Cát Lái của địch chìm trong khói lửa. Đoàn tàu địch bị trúng đạn, binh lính tranh nhau nhảy xuống nước; những chiếc tàu còn lại vội vàng quay đầu tháo chạy.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Nuôi, thực hiện đúng ý đồ vượt sông, bộ phận hỏa lực sang bờ Nam trước, còn phần lớn lực lượng do không có phương tiện vận chuyển nên chưa thể cơ động được. Nhiều hộ dân đã tình nguyện giao phương tiện, thậm chí còn trực tiếp lái thuyền chở bộ đội qua sông. Ngoài ra, nhờ có sáng kiến của chiến sĩ lái ca nô Nguyễn Mạnh Thắng, Bộ đội Công binh đã dùng ngay những khoang thuyền 100 tấn ghép chặt vào các khoang phà để di chuyển.
Như vậy, với sự giúp đỡ của địa phương và ngư dân ở Cát Lái, đơn vị kịp thời tổ chức thiết kế bến vượt nhẹ bằng các loại phương tiện tàu, xuồng, bè mảng, đưa bộ đội tiến sang bờ Nam, đánh thẳng vào căn cứ hải quân Cát Lái. Ta thành công đánh chiếm bến vượt, tạo bàn đạp bảo đảm cho lực lượng kỹ thuật, bộ binh tiếp tục vượt sông truy kích địch.
“Cuộc vượt sông của Sư đoàn 325, nòng cốt là Trung đoàn 101 chúng tôi được thực hiện thành công hơn mong đợi nhờ sự đồng lòng giúp đỡ của nhân dân. Giữa đêm tối, trong khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi, bà con đã huy động hàng trăm tàu, thuyền đưa lực lượng của ta vượt sông an toàn. Chúng ta sẽ không thể đi đến ngày toàn thắng nếu không có được sự đồng lòng này...”-Thiếu tướng Nguyễn Văn Nuôi khẳng định.