Vượt qua mưa lũ lịch sử bằng tinh thần đại đoàn kết, nghĩa đồng bào
Năm 2024 là một năm nhiều mất mát đau thương với nhân dân tỉnh Lào Cai do ảnh hưởng của mưa lũ lịch sử. Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Văn Duy - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai.
+Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những thiệt hại mà thiên tai, mưa lũ đã gây ra đối với đời sống nhân dân cũng như kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong năm qua?
Năm 2024, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục có diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường, gia tăng cả về số lượng và mức độ.
Nặng nhất là đợt thiên tai do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi) xảy ra từ ngày 7 - 11/9 trên địa bàn tỉnh, với lượng mưa rất lớn trên 300mm/24h kết hợp với lũ từ thượng nguồn dồn về gây lũ, lụt trên sông Hồng, sông Chảy và nhiều sông, suối khác.
Nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm đồng loạt xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, tác động đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, thiết chế hạ tầng.
Một trong những thiệt hại và tổn thất lớn nhất, không thể tính toán bằng giá trị đó là thiệt hại về người: Tổng số 144 người chết, 12 người hiện mất tích chưa được tìm thấy, 106 người bị thương.
Sau đợt thiên tai có gia đình mất đi tất cả những người thân, mất đi người lao động chính cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cháu nhỏ trở thành trẻ mồ côi không còn nơi nương tựa, nhiều người bị tổn thương về tinh thần, mất mát khó có thể bù đắp.
Bên cạnh thiệt hại về người; nhà ở, cơ sở hạ tầng của nhà nước và nhân dân bị phá hủy, hư hỏng, thiệt hại nặng, làm gián đoạn một số hoạt động, những thiệt hại do đợt thiên tai gây ra phải mất thời gian dài, thậm chí nhiều năm với nguồn kinh phí lớn mới có thể khôi phục lại được.
+Tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lào Cai phải chăng đã trở thành động lực để địa phương vượt qua thời điểm ngặt nghèo nhất?
Trước thảm họa thiên tai, tỉnh Lào Cai đã nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai cùng vào cuộc, đoàn kết, chung tay, sẻ chia để ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời khắc phục những hậu quả, hỗ trợ người dân sớm ổn định lại cuộc sống.
Chính những lúc như vậy, chúng ta mới thấy rõ giá trị của tình người và sự gắn kết cộng đồng. Đó là hình ảnh những người lính Cụ Hồ, những chiến sĩ công an, quân đội, những tình nguyện viên... tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu trợ khẩn cấp cho các khu vực bị ngập lụt, sạt lở, đảm bảo người dân có nơi ở tạm thời và cung cấp các nhu yếu phẩm.
Công tác hỗ trợ người dân không chỉ dừng lại ở cứu trợ khẩn cấp mà còn tập trung vào việc khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống lâu dài. Các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương triển khai các phương án tái định cư cho những hộ dân bị mất nhà cửa do bão lũ, sạt lở đất.
Ngành điện lực đã nhanh chóng khôi phục điện cho hàng nghìn hộ gia đình. Các lực lượng tiếp tục nỗ lực sửa chữa hệ thống hạ tầng như đường xá, cầu cống và công trình công cộng để phục hồi giao thông và thông tin liên lạc. Đội ngũ y, bác sỹ đã tới tận vùng “rốn” lũ để cứu chữa người kịp thời.
Hàng nghìn chuyến xe thiện nguyện của các nhà tổ chức, các ban ngành, cơ quan, những nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức lăn bánh mỗi ngày để mang đến cho bà con vùng thiệt hại nặng những nhu yếu phẩm cần thiết, vơi bớt phần nào khó khăn trong cơn hoạn nạn.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng huy động các nguồn lực ứng phó; sức mạnh tổng hợp, phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân để sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.
Đến nay, các hoạt động sản xuất của người dân, doanh nghiệp đã cơ bản ổn định. Các dự án tái thiết, khôi phục sản xuất đảm bảo theo kế hoạch. Đặc biệt là các dự án tái thiết cho dân cư thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu; thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc huyện Bắc Hà và thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên hoàn thành trước 31/12/2024 để đưa người dân về nơi ở mới.
+ Nhằm giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, địa phương có những giải pháp như thế nào về cảnh báo sớm, di dời người dân khỏi những vùng nguy hiểm, có nguy cơ nguy cơ sạt lở và lũ quét cao, thưa ông?
Với địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, chủ yếu là núi cao, đồi dốc, khe sâu, hệ thống sông suối dày đặc, độ dốc lớn, dòng chảy siết, đây là những yếu tố khiến lũ ống, lũ quét, sạt lở thường xuyên xảy ra, nhưng lại rất khó dự đoán, cảnh báo chính xác.
Điều kiện trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có thiết bị quan trắc, cảnh báo chuyên dụng đối với loại hình thiên tai này. Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra tỉnh Lào Cai thực hiện một số giải pháp.
Trong đó chú trọng tuyên truyền để nhân dân nâng cao nhận thức, thường xuyên theo dõi diến biến tình hình thời tiết, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hạn chế làm nhà trên các triền núi dốc, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở. Nắm chắc được khu vực gia đình mình đang sinh sống để biết được khu vực an toàn, đường sơ tán để đi đến khu vực tránh trú an toàn.
Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong tình huống nguy hiểm, khẩn cấp có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; Khi mưa vượt quá ngưỡng cần thực hiện ngay các biện pháp di tản, sơ tán kịp thời.
Tỉnh Lào Cai cũng đầu tư lắp đặt, thuê dịch vụ 50 trạm đo mưa tự động (cộng với 95 trạm do Tổng cục Thủy văn Quốc gia đầu tư); 3 trạm thời tiết tổng hợp; 5 trạm khí tượng, 4 trạm thủy văn, 2 ra đa thời tiết phục vụ cảnh báo, dự báo thời tiết, thiên tai.
Đợt thiên tai do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, tỉnh Lào Cai đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ, sạt lở ở mức cao nhất.
Ngay trong đêm ngày 8 - 9/9 đã tổ chức vận động, di chuyển được 5.192 hộ/23.609 khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nhiều khu vực dân cư đã di chuyển và thoát nạn trong gang tấc đó là 142 giáo viên và học sinh trường THCS và THPT số 3 Mường Hum (huyện Bát Xát), 10 hộ dân tại thôn Làng Dạ xã Cam Đường (TP.Lào Cai), 17 hộ dân/115 nhân khẩu tại thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà),...
Xin chân thành cảm ơn ông!