Vượt qua FPT và Hòa Phát, vốn hóa Vinpearl lọt top 7 sàn HOSE
Trong top 7 mã cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, hệ sinh thái của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có đến 3 đại diện là Vingroup, Vinpearl và Vinhomes.

Một góc Vinpearl Phú Quốc. Ảnh: Vinpearl
Thị trường chứng khoán bước vào phiên giao dịch 16/5 với nhiều lực cản, đặc biệt từ nhóm VN30, đẩy chỉ số VN-Index nhuốm đỏ sau khoảng 40 phút đầu phiên. Tính đến 9h40, VN-Index giảm 1,61 điểm về còn 1.311,49 điểm; trong khi VN30-Index giảm tới 6,9 điểm về còn 1.394,33 điểm.
Đà giảm điểm của VN-Index có thể sẽ bị nới rộng đáng kể, nếu không có đà tăng ấn tượng từ cổ phiếu VPL của CTCP Vinpearl. VPL tăng kịch biên độ ngay từ đầu phiên lên 104.500 đồng/CP, đóng góp 2,839 điểm cho VN-Index. Thanh khoản tính đến 9h45 đạt 145.000 cổ phiếu khớp lệnh, trong khi vẫn còn 71.000 đơn vị dư mua giá trần.
Với hơn 1,79 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa của Vinpearl tăng lên 187.400 tỷ đồng, tương đương 7,23 tỷ USD, chính thức vượt qua Hòa Phát (166.303 tỷ đồng) và FPT (181.907 tỷ đồng) để trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 7 sàn HOSE. Con số này giúp Vinpearl bỏ xa nhiều tên tuổi lớn như VPBank, PV Gas, MB, Vinamilk, ACB…
VPL vừa chính thức chào sàn HOSE vào ngày 13/5 với giá tham chiếu 71.300 đồng/CP, tương đương mức định giá 127.862 tỷ đồng. VPL nhanh chóng tăng kịch biên độ 20% trong phiên giao dịch đầu tiên, với chỉ 4.800 cổ phiếu khớp lệnh. Cổ phiếu này tiếp tục tăng kịch biên độ 7% 2 phiên sau đó, ở các phiên này, thanh khoản đã mở rộng đáng kể, đạt 2,1 triệu đơn vị phiên 14/5 và 1,82 triệu đơn vị phiên 15/5.
Vinpearl là thương hiệu du lịch, nghỉ dưỡng của Tập đoàn Vingroup, do Vingroup sở hữu hơn 85% vốn. Với đà tăng mạnh của cổ phiếu VPL, hệ sinh thái Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện có 4 đại diện nằm trong top những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam, bên cạnh Vingroup (304.746 tỷ đồng), Vinhomes (238.230 tỷ đồng) và Vincom Retail (54.000 tỷ đồng). Tổng vốn hóa của cả 4 doanh nghiệp hiện đạt 781.376 tỷ đồng.
Vinpearl từng niêm yết trên HOSE với mã VPL vào năm 2008, nhưng đến ngày 26/12/2011, công ty chính thức hủy niêm yết để sáp nhập vào CTCP Vincom, hình thành Tập đoàn Vingroup như ngày nay.
Cuối năm 2024, Vinpearl được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận trở thành công ty đại chúng. Hồi đầu tháng 2/2025, doanh nghiệp này huy động thành công hơn 5.000 tỷ đồng từ đợt phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu cho 105 nhà đầu tư với giá 71.350 đồng/đơn vị, qua đó nâng vốn điều lệ lên 17.933 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, trong 3 tháng đầu năm 2025, Vinpearl ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.971 tỷ đồng, tăng trưởng tới 76,6% so với quý 1/2024, lợi nhuận gộp từ đó tăng 233% lên 818 tỷ đồng.
Dù vậy, doanh thu hoạt động tài chính quý 1/2025 của Vinpearl giảm tới 84% về còn 514,6 tỷ đồng, chủ yếu do không còn ghi nhận lãi từ việc chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh. Khấu trừ thuế phí, Vinpearl báo lãi sau thuế 90,4 tỷ đồng, giảm 96% so với kết quả quý 1/2024.