'Vượt nắng, thắng mưa' đưa cao tốc Bắc - Nam về đích

Là dự án trọng điểm, thi công trong điều kiện nhiều khó khăn, nên dù được hưởng cơ chế đặc thù song việc triển khai tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn gặp nhiều thách thức. Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải và các nhà thầu chủ lực thi công tuyến cao tốc đều bày tỏ quyết tâm rất cao để sớm đưa cao tốc Bắc - Nam về đích đúng hẹn.

Đơn vị thi công tại Dự án Bùng - Vạn Ninh. Ảnh: ST

Đơn vị thi công tại Dự án Bùng - Vạn Ninh. Ảnh: ST

Áp lực hoàn thành cao tốc Bắc - Nam

Thông tin về tình hình triển khai tuyến cao tốc này, tại Tọa đàm “Vượt nắng, thắng mưa” đưa cao tốc Bắc - Nam về đích”, ông Nguyễn Thế Minh - Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, việc xây dựng cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đến thời điểm này đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ông Nguyễn Thế Minh - Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT

Ông Nguyễn Thế Minh - Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT

Các chủ đầu tư đã và đang tích cực phối hợp với địa phương để bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại trong tháng 8/2024, đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu tập trung, không chủ quan trong triển khai với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” để hoàn thành tiến độ, đảm bảo chất lượng Dự án.

Tuy nhiên, do Dự án có quy mô lớn, thi công trong điều kiện khó khăn, phức tạp với yêu cầu về tiến độ, chất lượng rất cao, dẫn đến việc thi công tuyến cao tốc này còn gặp những trở ngại nhất định. Mặc dù được triển khai rất tích cực song tiến độ thi công một số gói thầu đang bị chậm so với kế hoạch dự kiến. Những vấn đề này đã được đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các nhà thầu thẳng thắn nhận diện, chỉ ra, trong đó nổi cộm là vấn đề giải phóng mặt bằng, vật liệu, đơn giá, định mức…

Chỉ ra điểm “vướng” liên quan đến giải phóng mặt bằng, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tư lệnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - cho biết, tại một số dự án do đơn vị thi công, mặt bằng vẫn là vấn đề rất nhức nhối, ảnh hưởng đến tiến độ cũng như hiệu quả của nhà thầu. Bên cạnh đó, vấn đề khai thác mỏ vật liệu cũng là thách thức rất lớn đối với triển khai Dự án. “Cái khó hiện nay là việc xác định giá vật liệu khai thác tại mỏ theo cơ chế đặc thù chưa rõ ràng và cụ thể nên việc nghiệm thu thanh toán chưa có sự thống nhất, rất khó khăn cho nhà thầu” - Đại tá Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, ông Ngọ Trường Nam nhìn nhận, bên cạnh khó khăn nổi cộm là thiếu mặt bằng thi công, đơn vị cũng phải đối diện với nhiều thách thức. Đơn cử, với Dự án ở khu vực miền Trung, mặt bằng chủ yếu được bàn giao vào nửa cuối năm, nhưng đây là thời điểm miền Trung thường có mưa lũ, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai Dự án. Cùng với đó là tình trạng cấp vật liệu. Nhiều mỏ được đánh giá là có khả năng khai thác, nhưng thực tế nhiều mỏ không đủ điều kiện khai thác như hồ sơ mỏ vật liệu ban đầu, hoặc bị chồng lấn quy hoạch của địa phương, phải làm thủ tục điều chỉnh hồ sơ mỏ vật liệu, dẫn đến kéo dài thời gian, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công Dự án. “Đơn cử như tại Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, nhà thầu phải trình bổ sung 4 mỏ đất, 2 mỏ cát so với thiết kế thì mới đảm bảo đủ trữ lượng vật liệu cung cấp cho dự án” - ông Nam thông tin.

Quyết tâm “Vượt nắng, thắng mưa”

Với quyết tâm chinh phục tuyến cao tốc “xương sống” của đất nước, trên cơ sở nhận diện các khó khăn trong triển khai Dự án vừa qua, ông Nguyễn Thế Minh cho biết, Bộ GTVT đã kịp thời cập nhật và báo cáo thường xuyên để Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tháo gỡ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng hay vấn đề về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, vấn đề về định mức, đơn giá cũng như là giá vật liệu xây dựng tại mỏ theo cơ chế đặc thù…

Trong thẩm quyền của mình, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu không chủ quan, xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để rút ngắn tiến độ 3-6 tháng đối với các dự án có điều kiện thuận lợi, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành toàn bộ 12 dự án thành phần theo tiến độ đề ra, góp phần vào mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc vào cuối năm 2025.

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng Dự án đã cơ bản hoàn thành trên toàn tuyến (đạt 99,7%), nguồn vật liệu cho Dự án đã xác định đủ nguồn, đáp ứng tiến độ thi công, sản lượng thi công toàn Dự án đến nay đã đạt bình quân gần 50%.

Từ góc độ nhà thầu chủ lực tham gia thi công nhiều dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết, với kinh nghiệm đã thực hiện trong giai đoạn 1, đơn vị đang quyết tâm dồn lực để đưa các dự án về đích sớm, với một kế hoạch rất chi tiết, cụ thể và khả thi. “Đối với hai dự án là Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ, chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thành cơ bản trong năm 2024, tức là vượt trước tiến độ khoảng 6-9 tháng để có điều kiện dồn lực lượng ứng cứu cho các dự án khó khăn về mặt bằng như Hoài Nhơn - Quy Nhơn. Đối với 2 dự án trong khu vực phía Nam là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, hiện nay, về cơ bản nguồn cát đã được tháo gỡ, chúng tôi đang phấn đấu sẽ hoàn thành đúng tiến độ theo hợp đồng” - Đại tá Nguyễn Tuấn Anh thông tin.

Cũng với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” “ba ca, bốn kíp”, ông Ngọ Trường Nam cho biết, tại 2 dự án thành phần là Quảng Ngãi, Hoài Nhơn và Chí Thạnh - Vân Phong, Tập đoàn Đèo Cả đang huy động khoảng gần 2.000 đầu máy, 4.500 nhân sự thi công cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết để hoàn thành các dự án đúng tiến độ và về đích sớm nhất có thể. “Để đáp ứng tiến độ, chúng tôi đã chia nhỏ các công việc để theo dõi tiến độ hằng ngày từng khối đắp bao nhiêu, nhất là trong điều kiện hiện nay ở khu vực miền Trung thời tiết nắng ráo, thuận lợi, phải khẩn trương để tranh thủ các công việc về nền đường trước mùa mưa” - ông Ngọ Trường Nam nói.

Cùng với nỗ lực, quyết tâm của nhà thầu, đơn vị cũng kiến nghị Bộ GTVT, Kiểm toán nhà nước kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục rà soát, tháo gỡ bất cập về vấn đề khai thác các mỏ vật liệu; kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan sớm sửa đổi, ban hành quy định mới về đơn giá, định mức dự toán xây dựng công trình vì quy định về đơn giá, định mức hiện nay đã quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn.

Đặc biệt, ông Ngọ Trường Nam cho rằng, kết quả triển khai Dự án đòi hỏi có sự phối hợp của các bên liên quan với tinh thần trách nhiệm cao, vì mục tiêu chung. Do đó, cần cụ thể hóa trách nhiệm của từng chủ thể tham gia Dự án, để mỗi đơn vị phải hoàn thành trách nhiệm của mình thì Dự án mới hoàn thành được./.

NHÓM PV

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/vuot-nang-thang-mua-dua-cao-toc-bac-nam-ve-dich-33737.html
Zalo